“BÓNG HỒNG XỨ NẪU” đam mê nghề điện tử thu nhập 50 triệu/tháng

          Nghề điện tử đa phần là của “cánh mày râu”, ấy vậy ở “ xứ Nẫu” (Phú Yên) có một “Bóng hồng” đam mê với nghề này khi còn là sinh viên của Trường Cao đẳng Công Thương Miền Trung (trước đây là Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa) khi còn đang học ngành Quản trị Kinh doanh, từ năm thứ 2 đã tự lập với nghề điện tử để trang trải cuộc sống và học tập. Hiện đã thành công trên con đường lập thân lập nghiệp với mức thu nhập bình quân gần 20 triệu đồng/tháng, làm cho các bạn cùng trang lứa phải nể phục.

Nghề… tìm người

          Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nông nghiệp thuần túy (thôn Liên Thạch, xã Hòa Phú huyện Tây Hòa-Phú Yên) vì hoàn cảnh kinh tế của gia đình nên cô gái Trần Lê Bảo Vân (1993) không dám mơ đến việc học đại học mà cô chọn học Trường Cao đẳng Công Thương Miền Trung để giảm chi phí tiền cho gia đình, để có thời gian phụ giúp cha mẹ trong việc đồng án và tiện việc chỉ bảo thêm 2 đứa em trong học tập. Bảo Vân , trải lòng.
         Sau tốt nghiệp PTTH năm 2012, thi vào Trường Cao đẳng Công Thương Miền Trung khóa 35 (2012-2015). Học năm thứ 2, Bảo Vân tình cờ quen biết một người anh đầy nhiệt huyết và đam mê với nghề điện tử, qua những lần gặp gỡ tâm sự chuyện học, chuyện nghề và “cái lửa” đam mê nghề điện tử đã ngấm dần vào cô sinh viên lúc nào không hay, Bảo Vân bắt đầu có hứng thú và tìm hiểu về những kiến thức cơ bản trong ngành, tự mày mò học hỏi, điều gì không biết thì hỏi bạn bè và các thầy cô Khoa Điện Trường Cao đẳng Công Thương Miền Trung, càng tìm hiểu càng thích thú và muốn học hỏi nhiều hơn nữa.
         Đam mê học hỏi nghề điện tử của Bảo Vân có một nghịch lý, đó là cách học của Bảo Vân ngược lại với mọi người, các bạn sinh viên được học lí thuyết trước rồi mới bắt đầu vào thực hành, Vân thì ngược lại, sau đó mới tìm hiểu linh kiện đó tên gì, đặc điểm và chức năng như thế nào, sử dụng ra sao, vậy mà lại rất dễ nhớ dễ hiểu.
          Hiện sản phẩm chính Bảo Vân làm ra là: các Board điều khiển máy công cụ, mạch truyền và xử lý tín hiệu, sản xuất phần mềm ứng dụng và quản lí thiết bị; Bộ truyền tín hiệu và điều khiển qua sóng gsm, wifi, wireless,…tay nghề hàn linh kiện điện tử của Bảo Vân được rất nhiều người khen và nhiều người cũng thắc mắc tại sao một người “ngoại đạo” như Vân lại có thể làm tốt như vậy?!
          Sau khi tốt nghiệp trường CĐ Công Thương Miền Trung (5/2015), Bảo Vân đang phân vân hai sự lựa chọn. Theo đuổi đam mê nghề điện tử hay xin việc làm theo chuyên ngành mình đã học. Bà Phan Thị Ngọc Nho (49 tuổi) mẹ của Bảo Vân, trải lòng: “ Gia đình mong muốn Vân có một công việc ổn định với ngành đã học, con gái mà làm nghề điện tử cảm thấy trái khoáy”
         Nhưng riêng Trần Lê Bảo Vân, khẳng khái “Tại sao không kết hợp cả hai, đem kiến thức đã học về quản trị kinh doanh, thực hiện cho nghề điện tử. Nếu thất bại thì làm lại từ đầu, đến khi nào thành công thì thôi, vì mình còn đang là tuổi trẻ mà!

Hữu xạ tự nhiên…nghề
         Hiện, Trần Lê Bảo Vân đang quản lí khâu lắp ráp và thử nghiệm sản phẩm, các thiết bị lĩnh vực tự động hóa ở TP Tuy Hòa và ở TP Hồ Chí Minh. Qua tâm sự, Bảo Vân bộc bạch: “Đang thành lập một cơ sở sản xuất nhỏ mang tên NNH Group, tại Bình Dương chuyên sản xuất bo mạch điện tử. Mở cơ sở này nhằm tạo điều kiện việc làm cho một số sinh viên chưa có việc làm. Với công việc nghề điện tử, hiện nay bản thu nhập bình quân gần 20 triệu đồng/ tháng vào những tháng cao điểm thu nhập đạt 50 triệu đồng/tháng”
          Khi hỏi về kỷ niệm nghề nghiệp “trái giới”, Bảo Vân vui vẻ kể lại: “Có một lần đi lắp bảng hiển thị năng suất cho Công ty POU YUEN VIỆT NAM tại TP. Hồ Chí Minh, bảo vệ không cho vào, không tin và cho rằng Vân nói dối, vì nhìn Vân là con gái không làm kĩ thuật điện tử. Khi người của Công ty ra đón, anh này cũng bất ngờ vì trước giờ làm việc với nhau qua điện thoại thôi chứ chưa gặp mặt nhau bao giờ. Đến chiều, sau khi Bảo Vân thi công lắp bảng điện tử hiển thị năng suất và nộp sản phẩm một vi mạch hoàn chỉnh, được bộ phận kỹ thuật nghiệm thu đạt chất lượng. Sau đó được mời đi ăn và hỏi thăm rất nhiều, cũng không thiếu những lời khen và hứa hẹn hợp tác trong tương lại”.
           Tiếng lành đồn xa về cô gái có tay nghề điện tử tinh thông nên khách hàng nhiều nơi gọi điện để hợp đồng lắp đặt các thiết bị của Công ty hay gia đình…Được biết trong Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ VI (2014-2015) vừa qua Trần Lê Bảo vân đã tham gia mô hình “Nhà thông minh- Samrthome” được Ban giám khảo chấm điểm, giải pháp “Nhà thông minh- Samrthome” đạt giải Ba.
          Qua tâm sự, được biết sau Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018, trước khi vào lại Bình Dương để tiếp tục công việc, Bảo Vân còn nán lại quê nhà để vui cùng gia đình nhân dịp ngày 8/3/2018, trước khi chia tay, Trần Lê Bảo Vân, thổ lộ: Hội thi STKT tỉnh Phú Yên lần thứ 8 (2018-2019) cô sẽ tham gia mô hình “ Tạo nước lọc sạch từ không khí” và Bảo Vân còn ao ước “ Muốn trở thành nhà cung cấp thiết bị đầu cuối cho thị trường, hạn chế các nguồn hàng ngoại nhập” đồng thời nhắn nhủ đến các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ: “Hãy sống và theo đuổi đam mê của mình, hãy làm những việc bình thường bằng lòng say mê phi thường, thành công sẽ đến với bạn!” ./.

Huỳnh Đức Thế

Theo Báo Điện tử: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam