Học nghề để vượt lên chính mình và làm nghề để khẳng định mình

          Tại Hội nghị sơ kết 1 năm đào tạo nghề phổ thông tháng 7/2017 tại trường CĐCN Tuy Hòa (nay là Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung); thầy Trần Viết Hoành, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trường Tộ đề nghị nhà trường đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối mạng lưới cựu sinh viên khắp cả nước. Chính những câu chuyện đời thực sẽ tạo nguồn cảm hứng tác động thay đổi tư duy về việc chọn nghề của học sinh và cả các bậc phụ huynh. Trong đó, thầy có nhắc đến một người cháu là cựu sinh viên của trường, tốt nghiệp ngành Cơ khí cách đây 1 năm và hiện giờ làm việc với mức lương 15 triệu/tháng. Từng có thời gian làm việc tại khoa Cơ khí, tôi tò mò hỏi thăm về người cháu của thầy và được biết em tên Trọng. Tôi nghĩ ngay đến Phạm Hoàng Trọng, một sinh viên của ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ khí khóa 36 (2013 – 2016). Trọng là lớp trưởng CĐCK36A năm đó.

          Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cựu sinh viên Phạm Hoàng Trọng với dáng người dong dỏng cao, da ngăm rắn rỏi, khuôn mặt xương gầy với đôi mắt mí lót cảm giác hơi lầm lì. Trọng là anh lớn trong gia đình thuần nông có 2 người con, quê ở xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa. Thời phổ thông của em trôi qua trong sự chán nản, tụt dốc của tinh thần và học lực. Ì ạch lắm Trọng mới tốt nghiệp THPT và bỡ ngỡ bước vào đời với công việc của một công nhân tại Công ty rượu Vạn Phát Sơn Hòa. Em không lựa chọn con đường học vấn vì sự ngang ngạnh tuổi trẻ, vì sự u uất khó lý giải, chỉ biết gọi đó là sự khủng hoảng thời niên thiếu. Công việc vất vả làm Trọng suy nghĩ nhiều về cha mẹ, về những ngày đã qua… “Em nghĩ nếu mình có cái nghề trong tay và thật giỏi nghề, cuộc đời có thể sẽ rẽ sang hướng khác. Mình không phải đứa yếu kém về trí lực và em sẽ làm được”. Nói là làm. Trọng nghỉ việc sau 2 năm ở Công ty rượu Vạn Phát.

           Em quyết định dự thi ngành Công nghệ kỹ thuật Cơ khí tại trường CĐCN Tuy Hòa (nay là Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung) mùa tuyển sinh năm 2013. Lý do của sự chọn lựa này được em chia sẻ: “Khi đó việc chọn ngành, chọn trường đều là do em tự tìm hiểu và quyết định. Mức học phí và các chi phí đào tạo của nhà trường phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Ngành Cơ khí thì dễ có việc làm hơn nhiều ngành khác và việc học thế nào là do bản thân mình chứ không phải phụ thuộc ở danh tiếng của trường đào tạo”.

          Ngay sau tuần Sinh hoạt công dân đầu khóa, Trọng đã được giao chức Lớp trưởng. “Vì em cày đủ số giờ học và vì già nhất nhì lớp”, Trọng tếu táo về chức vụ của mình. Trong suốt 3 năm học, Trọng luôn đạt học lực từ loại Khá trở lên. Giảng viên, Thạc sĩ Phạm Quốc Lợi, Cố vấn học tập và là người từng dạy Trọng nhiều môn học cho biết: “Phạm Hoàng Trọng là một sinh viên thông minh, em học đều tất cả các học phần và luôn đạt loại Khá Giỏi mà không phải nỗ lực nhiều, các học phần thực hành luôn được em đặc biệt chú trọng đầu tư”. Rèn luyện và chuyên sâu tay nghề là cách em chọn lựa cho một sự thay đổi tương lai.

        Tháng 6/2016, Phạm Hoàng Trọng trở thành Cử nhân Cơ khí với tấm bằng loại Giỏi. Chưa kịp nhận bằng tốt nghiệp, Trọng đã đi làm việc tại một công ty xây dựng ở Bình Dương cùng một người bạn với mức lương thử việc 7 triệu/tháng. Làm việc tại đây được 5 tháng, Trọng chuyển sang làm việc với Công ty TNHH một thành viên thuốc lá Sài Gòn, là thành viên thuộc tổng công ty thuốc lá Việt Nam, ngụ ở huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Lương tháng thấp nhất hơn 13 triệu/tháng, mức lương cao nhất em từng nhận là 15 triệu/tháng. Đó là mức lương quá cao với sinh viên mới ra trường chưa được một năm. Từ lúc chuyển sang chỗ làm mới với thu nhập tốt, em có điều kiện phụ giúp bố mẹ nuôi nấng người em gái đang học Đại học Ngân hàng tại Thủ Đức. Bây giờ, bố mẹ đã nhẹ bớt một gánh nhọc nhằn.

          Kết thúc câu chuyện trao đổi qua điện thoại với Trọng, tôi hỏi nếu có chỗ làm việc với mức lương cao hơn nữa, em có nhảy việc không, Trọng tâm sự: “Em muốn gắn bó với công ty và tìm cơ hội thăng tiến tại đây. Em không muốn bôn ba nữa. Chỉ khi nào có thể làm ông chủ của chính mình thì em mới chuyển việc”. Một khát vọng chân chính. Ai cũng có quyền ước mơ. Em đã học nghề để vượt lên chính mình và làm nghề để khẳng định mình. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ để xây đắp một giấc mơ.

Anh Thư