Từ những ngày đầu tiên, khi về công tác tại Trường, tôi có ấn tượng đặc biệt với hình ảnh các em Học sinh – Sinh viên được mặc trang phục bảo hộ lao động với nhiều màu sắc khác nhau.

Đó là chiếc áo màu xanh đậm của Học sinh – Sinh viên ngành Cơ khí, chiếc áo blouse dài màu trắng của Học sinh – Sinh viên ngành Hóa, chiếc áo màu xanh lam của Học sinh – Sinh viên ngành Điện, chiếc áo màu xám nhạt của Học sinh – Sinh viên ngành Điện tử… Tất cả những màu áo đó hòa vào nhau mang đến vẻ đẹp riêng cũng như thể hiện sự đa ngành nghề của nhà trường, một đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội. Những chiếc áo này gắn liền với các em từ những bài thực hành đầu tiên trên các xưởng thực hành và đó cũng là chiếc áo rất quen thuộc với các em trong thời gian học tập tại Trường.  

 Sau nhiều năm gắn bó với Trường, tầng 4 dãy nhà C2 khoa Điện – Điện tử trước kia (Cơ sở 1) và nay là tầng 3 dãy nhà B2 khoa Điện tử – Tin học (Cơ sở 2) là địa chỉ vô cùng quen thuộc, chính nơi đây nhiều Học sinh – Sinh viên ngành Điện tử đã khoác trên mình chiếc áo màu xám nhạt, trưởng thành và gắn bó với nghề. 

Màu áo xám nhạt gắn bó một thời với Học sinh – Sinh viên ngành Điện tử

Nhiều môn học thực tập của ngành gắn liền với xưởng thực hành, suốt thời gian ấy cũng là lúc các em được làm quen với từng linh kiện, vẽ từng mạch điện từ đơn giản đến phức tạp, lắp ráp các bo mạch, sửa chữa các thiết bị điện tử… Niềm vui của các em thể hiện rõ trên nét mặt khi lần đầu tiên chính tay mình lắp ráp hoàn chỉnh các mạch điện tử ứng dụng với những chiếc đèn LED sáng rực nhấp nháy hoặc thi công hoàn chỉnh chiếc máy tăng âm phát lên tiếng nhạc với nhiều âm sắc…

Chiếc áo màu xám nhạt còn thể hiện sự hồn nhiên của các em từ những ngày đầu chuyển từ môi trường học phổ thông sang môi trường chuyên nghiệp với các kiến thức về nghề nghiệp. Các em vẫn còn đó sự bỡ ngỡ khi tiếp xúc với linh kiện bán dẫn, vi mạch, đồng hồ vạn năng, máy hiện sóng…    

Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, kiến thức của các em được tích lũy dần theo từng môn học, rồi có một ngày trên xưởng thực tập Điện tử tôi chợt nhận ra chiếc áo màu xám nhạt của các em đã bạc màu theo năm tháng, màu xám nhạt trên chiếc áo mới ngày nào đã chuyển màu nhạt hơn và đó cũng chính là lúc các em đã trưởng thành, được trang bị những kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp cần thiết để bước vào đời.   

Mặc dù hiện nay chiếc áo màu xám nhạt không còn là màu đặc trưng của ngành điện tử mà thay vào đó là chiếc áo màu xanh lam mang thương hiệu Học sinh – Sinh viên MITC, nhưng trong tôi hình ảnh chiếc áo màu xám nhạt ấy vẫn là một phần ký ức, là những kỷ niệm gắn bó với các em Học sinh – Sinh viên, đi cùng những năm tháng giảng dạy tại trường.

Sinh viên khóa 42 say mê học tập trong màu áo đồng phục mới của trường

Là giảng viên Khoa Điện tử – Tin học đã hơn mười lăm năm gắn bó với trường, cũng từng thời gian ấy, chiếc áo màu xám nhạt của những Học sinh – Sinh viên ngành Điện tử luôn bên tôi và tôi tự nhủ mình phải luôn cố gắng phấn đấu, tận tụy với nghề để trang bị cho các em những kiến thức một cách tốt nhất.   

Theo thời gian, từng khóa Học sinh – Sinh viên nối tiếp nhau ra trường, lòng thoáng buồn trong những lúc sắp chia tay các em nhưng lại dạt dào niềm vui khi biết các em sau khi ra trường gặt hái nhiều thành công trong công việc và trong cuộc sống.

  Người ta bảo rằng nghề giáo như nghề lái đò đưa khách sang sông, khi khách đã sang sông thì người lái đò lại tiếp tục một chuyến đò khác bên bến đò quen thuộc. Ở trường học, khi “Khách sang sông” có nghĩa là kết thúc một hành trình nhưng chưa phải là hết. Những Học sinh – Sinh viên khi ra trường tiếp cận với công việc tại các nhà máy, xí nghiệp và trưởng thành với thực tế sản xuất, sau vài năm các em quay về trường học tập nâng cao trình độ, tiếp tục khoác trên mình chiếc áo mới đặc trưng của ngành để được trang bị các kiến thức phục vụ tốt hơn trong công tác; có những em trưởng thành, được giữ lại trường trở thành những giảng viên nhiệt huyết, tiếp nối hành trình “đưa đò” của các thế hệ thầy cô MITC.  

Hạnh phúc của Nhà giáo là khi thấy Học sinh – Sinh viên của mình trưởng thành bước vào đời và yêu ngành nghề mà mình đã lựa chọn. Gắn liền với tình yêu chiếc áo màu xám nhạt và bây giờ là chiếc áo màu xanh lam mà các em Học sinh – Sinh viên tự hào khi khoác lên mình, tôi tự nhủ sẽ cố gắng và nỗ lực không ngừng để cùng với tập thể Nhà trường giúp các em Học sinh – Sinh viên thực hiện ước mơ hoài bão, trở thành những người có ích cho xã hội.

ThS. Trần Thị Kim Phượng

Trưởng bộ môn: Kỹ thuật Điện tử