Lễ tuyên truyền công tác phòng, chống ma túy năm 2020

 

Phát biểu khai mạc tại buổi Lễ, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: sử dụng ma túy là một vấn đề xã hội nhức nhối luôn để lại những hậu quả nặng nề trên các mặt sức khỏe, kinh tế, hạnh phúc gia đình cho người sử dụng ma túy, cho gia đình họ, đồng thời gây ảnh hưởng cho đời sống của toàn xã hội.

Vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vào bất cứ độ tuổi nào, hành vi sử dụng trái phép các chất ma túy cần phải nghiêm khắc phê phán. So với hậu quả mà hành vi sử dụng ma túy để lại cho một người đã lớn tuổi thì hệ lụy do hành vi này gây ra cho những người đang trong độ tuổi đi học còn nặng nề gấp bội.
Khi đã sử dụng ma túy, sự phát triển thể chất, tâm – sinh lý, trí tuệ, nhân cách của các em sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cũng kể từ thời điểm các em dính vào ma túy, các em không chỉ không thể tiếp thu kiến thức mà còn bị hạn chế việc tiếp nhận rất nhiều kỹ năng cần thiết trong suốt cuộc đời về sau. Điều này đồng nghĩa với cơ hội hòa nhập cuộc sống, cơ hội tìm kiếm việc làm sẽ rất hạn chế so với những người khác.
Chính từ những lý do này mà việc phòng ngừa lạm dụng ma túy trong trường học ở nhiều quốc gia trên thế giới luôn được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của những người làm công tác phòng, chống ma túy nói riêng, của toàn xã hội nói chung.
Đồng chí Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định, học sinh, sinh viên là lực lượng quan trọng đối với tương lai của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Vì vậy, trong thời gian qua, mặc dù việc giáo dục cho học sinh, sinh viên về tác hại của ma túy và các chất kích thích khác luôn được coi trọng, các cơ quan chức năng, nhiều kênh tuyên truyền đã tăng cường đáng kể thời lượng phổ biến về tác hại của các loại ma túy song dường như những cảnh báo này chưa tạo ấn tượng đủ mạnh trong giới trẻ.
Không ít thanh niên hiện nay vẫn còn rất mơ hồ về sự nguy hại của các chất ma túy, thậm chí coi đó đơn thuần chỉ là các chất kích thích, có thể dùng chúng như một trò chơi mà không nghĩ tới tác hại vô cùng nguy hiểm của nó.
Do phớt lờ cảnh báo của các cơ quan truyền thông, do dễ bị tác động, bị lôi kéo mà không ít người, nhất là thanh niên mắc nghiện và gánh chịu hậu quả nặng nề, thậm chí hủy hoại sự nghiệp, hủy hoại cuộc đời.
Từ thực tế đáng lo ngại này, việc bảo vệ thế hệ trẻ trước sự tấn công của các loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, các chất hướng thần mới trở thành một nhiệm vụ cấp thiết của toàn xã hội.
Và hôm nay, Bộ Y tế tổ chức Lễ tuyên truyền công tác phòng, chống ma túy nhằm tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy góp phần truyền thông, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho thế hệ trẻ để bảo vệ bản thân trước hiểm họa của ma túy, đồng chí Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ.

Thượng tá Bùi Đức Thiêm – Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) chia sẻ tại buổi Lễ

Tại buổi Lễ, Thượng tá Bùi Đức Thiêm – Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đã có bài tuyên truyền về “Ma túy tổng hợp – Công tác phòng ngừa và hỗ trợ cai nghiện”. Bài tuyên truyền với nhiều video, hình ảnh minh họa từ thực tế đã gây ấn tượng mạnh mẽ đến các em sinh viên.
Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 12/2019, cả nước có 246.500 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 21.810 người so với năm 2018. Tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 70 – 80% trong số người nghiện. Ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp lên đến 80-90% trong tổng số người nghiện.
Đáng báo động tình hình người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy ngày càng phổ biến; việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần gây rối loạn tâm thần “ngáo đá” dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật và gây ra các vụ án giết người vô cớ gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.

Thượng tá Bùi Đức Thiêm cho biết, ma túy tổng hợp (MTTH) là những chất ma túy được tổng hợp hoàn toàn bằng các phản ứng hóa học, từ nguyên liệu ban đầu là các tiền chất ma túy và các hóa chất cần thiết khác.

Hiện nay, số người nghiện MTTH ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 60% trong tổng số 235.000 người nghiện. MTTH được nhiều tầng lớp, thành phần sử dụng, trong đó, lứa tuổi thanh thiếu niêu chiếm khoảng 70% thông qua nhiều phương thức, thủ đoạn để lôi kéo người vào sử dụng MTTH.

Đặc biệt, hiện nay đang xuất hiện nhiều loại MTTH mới, chưa có trong danh mục quản lý của Chính phủ. Nhiều đối tượng bị phê “ngáo đá” gây mất trật tự xã hội.

Mỗi loại MTTH mang lại những cảm giác khác nhau như: tác dụng nhất thời là kích thích sự hưng phấn của thần kinh; loại gây kích thích; loại gây ảo giác; gây tác hại cả về thể xác và tinh thần. Sử dụng lâu ngày sẽ bị lệ thuộc, không điều khiển được hành vi, làm những việc bình thường không dám làm.
Để phòng ngừa và hỗ trợ cai nghiện, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của các loại MTTH. Đặc biệt, cần tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao về tác hại của MTTH.
Với người dân, nhất là học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền phòng, chống ma túy cần tự trang bị những hiểu biết về tác hại của MTTH và chung tay cùng xã hội cung cấp thông tin cho công an bài trừ MTTH ra khỏi cộng đồng.
Theo Bộ Y Tế
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG MIỀN TRUNG – KHỞI ĐẦU GIẤC MƠ NGHỀ NGHIỆP
Đăng ký trực tuyến