Xuất phát từ tâm huyết của chính bản thân cũng như nhu cầu thực hành, thực nghiệm của học sinh, sinh viên các ngành công nghệ kỹ thuật nói chung và ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa học nói riêng, cô giáo Võ Thị Mỹ Nga, Tổ trưởng bộ môn Hóa dầu kiêm Phó Phòng Tuyển sinh Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, đã chế tạo thành công hệ thống thiết bị phản ứng tầng cố định pha hơi.

Say mê nghiên cứu khoa học
Dù là một trong những “cây sáng kiến” tại trường nhưng ít ai biết rằng, để có được thành quả như ngày hôm nay là cả một quá trình học tập và phấn đấu không ngừng của bản thân cô. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Quy Nhơn, cô Võ Thị Mỹ Nga được nhận vào công tác ở Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa. Được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, Võ Thị Mỹ Nga được cử đi học thạc sĩ rồi tiếp tục làm nghiên cứu sinh. Năm 2013, cô đã hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ Hóa học chuyên ngành Hóa dầu của Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

1-nu-giang-vien-dam-me-che-tao

Cô giáo Võ Thị Mỹ Nga hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học bằng

hệ thống thiết bị phản ứng tầng cố định pha hơi – Ảnh: THIÊN LÝ

Ở nhiều môi trường học tập khác nhau, cô giáo Nga càng có thêm cơ hội tiếp cận với các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại hỗ trợ nghiên cứu, cũng như phát huy hết khả năng sáng tạo của người học. Qua đó, cô Nga lại càng thương sinh viên ở trường chưa có cơ hội tiếp xúc với nhiều loại thiết bị, máy móc hiện đại như thế. Vì vậy, cô nung nấu ý định chế tạo ra một hệ thống thiết bị phục vụ cho quá trình giảng dạy các học phần thuộc chuyên ngành Hóa dầu và phục vụ nghiên cứu khoa học tại trường.

Nói về ý tưởng của mình, cô Võ Thị Mỹ Nga chia sẻ: “Hiện, hệ thống thiết bị phục vụ ngành Hóa dầu của trường chủ yếu là về đánh giá, chất lượng lọc hóa dầu; hệ thống thiết bị phục vụ sinh viên thực nghiệm, nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Vì vậy, sau khi ý tưởng được nhà trường ủng hộ, tôi quyết định gửi đề tài “Thiết kế và chế tạo hệ thống thiết bị phản ứng tầng cố định pha hơi” lên Bộ Công thương. Đầu năm 2016, Bộ Công thương công nhận đề tài, tôi cùng các đồng nghiệp Khoa Cơ khí, Điện – Điện tử của trường đã bắt tay nhau thực hiện”.

“Đề tài “Thiết kế và chế tạo hệ thống thiết bị phản ứng tầng cố định pha hơi” do cô Võ Thị Mỹ Nga làm chủ nhiệm, được Bộ Công thương nghiệm thu loại xuất sắc vào giữa tháng 2/2017. Đây là thiết bị giảng dạy hữu ích, giúp các thầy cô giáo thể hiện hiệu quả các phương pháp dạy học, làm tăng tính trực quan, giúp sinh viên nhanh chóng tiếp thu được kiến thức và hình thành kỹ năng nghề, đồng thời tạo hứng thú cho người dạy và người học, trực quan hóa trong quá trình giảng dạy”, TS Đặng Văn Lái, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, cho biết.

Hệ thống hữu ích
Từ lúc hình thành ý tưởng đến lúc bắt tay vào làm là cả một quá trình đầy khó khăn, thử thách, song với niềm đam mê sáng tạo cũng như mong muốn tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận với mô hình thực tế, cô cùng các đồng nghiệp Khoa Cơ khí, Điện – Điện tử đã cho ra đời hệ thống thiết bị phản ứng tầng cố định pha hơi.

Cô Võ Thị Mỹ Nga tiết lộ: “Trong công nghiệp, hệ thống thiết bị phản ứng tầng cố định được sử dụng trong các phản ứng xúc tác dị thể như quá trình reforming xúc tác, isomer hóa, các quá trình xử lý nguyên liệu, sản phẩm hydrodesunfua… Đặc biệt, một số loại xúc tác nhanh bị đầu độc bởi các thành phần tạp chất tồn tại trong nguyên liệu như xúc tác cho quá trình cracking thì kiểu phản ứng với thiết bị phản ứng dạng tầng sôi được áp dụng cho quá trình công nghệ này. Tuy nhiên, dạng phản ứng kiểu tầng sôi rất phức tạp và yêu cầu kiểm soát vận hành rất nghiêm ngặt. Do vậy, đối với quy mô nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm, các hệ thống kiểu tầng xúc tác cố định được áp dụng rộng rãi hơn các kiểu phản ứng thiết bị dạng tầng sôi”.

Cô Nga khẳng định, nếu như các hệ thống thiết bị phản ứng tầng cố định pha hơi ở Viện Dầu khí Việt Nam và Viện Hóa học Công nghiệp ở Hà Nội có tỉ lệ thu hồi sản phẩm (khí và chất lỏng) đạt từ 95-97% thì mô hình hệ thống thiết bị phản ứng tầng cố định pha hơi của Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa đạt trên 90%. Như vậy, độ sai lệch ít lại, tiết kiệm chi phí đầu tư hệ thống. Hơn nữa, bơm vi lượng được thiết kế bằng màn hình cảm ứng, dễ thao tác. Bên cạnh ưu điểm, hệ thống này còn tồn tại một số hạn chế như: muốn thể tích lớn hơn cần thay đổi bộ khung; đặc biệt là hệ thống chưa thực hiện được những phản ứng có áp suất cao từ 2atm trở lên. Tuy nhiên, đây là mô hình hóa mang tính nghiên cứu thực nghiệm, có giá trị thực tế về mô hình hóa công nghệ trong công nghiệp lọc dầu. Hệ thống vận hành ổn định; độ kín khá tốt và có thể thu được khí, giảm được sự mất mát; độ thu hồi cao; giá thành toàn hệ thống rẻ hơn so với các hệ thống tương đương khác nưng vẫn đảm bảo được hiệu quả, công suất hệ; dễ vận hành, thao tác; đáp ứng được nhu cầu thực tập, phục vụ đào tạo chuyên sâu và làm nghiên cứu khoa học.

Việc xây dựng các hệ thống thiết bị phản ứng trên cơ sở là các mô hình thu nhỏ của một công đoạn sản xuất hay một phân xưởng sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc đáp ứng nhu cầu thực hành, thực nghiệm của học sinh, sinh viên các ngành công nghệ kỹ thuật nói chung và ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa học nói riêng. Trong thời gian tới, các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh có nhu cầu sử dụng hệ thống này, nhà trường luôn sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các đơn vị nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho giảng viên, sinh viên trong dạy và học (theo Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa Đặng Văn Lái).