Tối 21/9, Lễ bế mạc Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2018 đã diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội). Đến dự có Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý.

Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2018 diễn ra từ ngày 15-21/9, với sự tham gia của 373 nhà giáo thuộc 244 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại diện cho 56 tỉnh, thành phố trên cả nước. Thành phố Hà Nội được chọn là địa phương đăng cai tổ chức Hội giảng. Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung có thầy Võ Quốc Dũng – giảng viên khoa Điện – Tự động hóa tham gia Hội giảng lần này.

TS.Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN

Trưởng Ban tổ chức Hội giảng năm 2018

Theo TS.Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN, Trưởng Ban tổ chức Hội giảng đánh giá giáo dục đào tạo nói chung và Giáo dục nghề nghiệp đang trong quá trình đổi mới. Trước đây người thầy là trung tâm, truyền thụ, chuyển giao kiến thức, giữ vai trò chủ động thì hiện nay xu hướng này đang thay đổi, lấy người học làm trung tâm, giữ vai trò chủ động. Người thầy chuyển từ vai trò truyền thụ kiến thức sang vai trò của người hướng dẫn, hỗ trợ, chuyển giao tri thức thông qua sự tiếp nhận một cách chủ động của người học.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, theo TS. Trương Anh Dũng có nhiều giải pháp, hoạt động để đổi mới và nâng cao chất lượng của đôi ngũ nhà giáo góp phần vào nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó hoạt động Hội giảng nhà giáo được tổ chức 3 năm 1 lần. Đây là hoạt động mang tính chuyên môn cao. Qua hội giảng nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt; khuyến khích nhà giáo giáo dục nghề nghiệp học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phát hiện các phương pháp giảng dạy, thiết bị, đồ dung dạy học có hiệu quả cao. Đồng thời là nơi các nhà giáo giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, học tập lẫn nhau trong toàn ngành cũng như giữa các cơ sở đào tạo nói riêng.

“Thông điệp của hội giảng năm nay là “Đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp”, được thể hiện thông qua hai khẩu hiệu: “ Thực tâm, thực tài, thực nghề và Gương mẫu, sáng tạo, đổi mới”. Hai khẩu hiệu này xuyên suốt tạo nên phương châm, thông điệp về đổi mới phương pháp giảng dạy nâng cao chất lượng GDNN. Năm nay là năm đầu tiên hệ thống giáo dục nghề nghiệp tham gia hội giảng có sự tham gia của các trường từ ngành giáo dục chuyển sang.” – TS. Trương Anh Dũng nhấn mạnh.

Tại lễ bế mạc, TS Trương Anh Dũng – Trưởng Ban tổ chức Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc 2018 cho biết, 56 tỉnh, TP tham gia Hội giảng năm nay đã mang tới 373 bài giảng của 90 nghề, tập trung chủ yếu vào các nghề phổ biến, có nhu cầu nhân lực lớn vừa có khả năng đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH và hội nhập quốc tế vừa phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại.

Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, nhiều thầy cô giáo đã nắm vững kiến thức chuyên môn và tỏa sáng “nghệ thuật” sư phạm, thông qua việc kết hợp nhuần nhuyễn phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học mới, hiện đại tạo nên môi trường học tập tích cực, sinh động, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học.

Nhiều bài giảng đã thành công trong việc áp dụng công nghệ mới; ứng dụng thành thạo, hiệu quả CNTT, các phần mềm mô phỏng vào việc minh họa các kỹ năng khó, đòi hỏi tiêu chuẩn, độ chính xác cao tạo nên sức hấp dẫn đối với người học, nâng cao hiệu quả giờ giảng, giúp cho người học tiếp thu dễ dàng.

Gửi lời chúng mừng tới các nhà giáo đạt giải, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, Hội giảng các cấp và đặc biệt là Hội giảng toàn quốc là hoạt động chuyên môn có tính phong trào rộng rãi góp phần thúc đẩy phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”. Đồng thời, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp và đội ngũ nhà giáo trong việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Dung cũng cho biết, nhiệm vụ của GDNN trong thời gian tới rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự tham gia, vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị, DN, người dân nhằm đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là kỹ thuật trình độ cao. Hệ thống GDNN cần tập trung hơn nữa, mở rộng quy mô, cơ cấu ngành nghề hợp lý. Đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu và chất lượng…. Đồng thời, tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo theo hướng thiết thực, hiện quả trên cơ sở bám sát và đáp ứng yêu cầu của DN, của thị trường lao động cả trong và ngoài nước.

Đặc biệt, chú trọng hơn nữa giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; ứng dụng rộng rãi CNTT vào công tác quản lý và đào tạo, đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Đi đôi với đó là phải làm tốt công tác dự báo nhu cầu, điều chỉnh cơ cấu đào tạo nhân lực và làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp để làm cơ sở cho đào tạo nghề nghiệp phát triển.

Vì thế, Bộ trưởng Dung mong muốn, qua mỗi kỳ hội giảng, cơ quan quản lý nhà nước về GDNN sẽ có những đánh giá đúng đắn về chất lượng đội ngũ nhà giáo GDNN… Các cấp quản lý cần tổ chức xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Đặc biệt, từ Hội giảng này, phong trào thi đua dạy tốt trong các cơ sở GDNN tiếp tục có những chuyển biến tích cực và vững chắc hơn… Ban tổ chức Hội giảng tiếp tục phát huy, nhân rộng những kết quả tích cực để góp phần thiết thực vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN.

MITC Tổng hợp.