Tiền thân của Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung là Trường trung học Địa chất 2 được thành lập vào ngày 1/8/1978. Kể từ ngày thành lập, các bước tiến trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của trường đều gắn liền với sự phát triển của tỉnh Phú Yên sau 30 năm tái lập tỉnh.

Học nghề cắt gọt kim loại tại trường Cao đẳng Công Thương miền Trung (Ảnh Thế Anh)

 Đào tạo hơn 50.000 cán bộ kỹ thuật

Với sứ mạng và mục tiêu của mình trong từng giai đoạn lịch sử, tập thể lãnh đạo và cán bộ, giảng viên nhà trường không ngừng nỗ lực, đào tạo hơn 50.000 cán bộ kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đất nước nói chung, tỉnh Phú Yên nói riêng. Nhiều thế hệ học sinh, sinh viên (HSSV) qua từng giai đoạn lịch sử đã trưởng thành và có mặt ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước, đã và đang đóng góp vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Từ 3 lớp Thủy văn, Địa chất và Khoan thăm dò với khoảng 100 học sinh của khóa đầu tiên, nhà trường từng bước mở rộng ngành nghề đào tạo lên 45 ngành với quy mô tuyển sinh cả ngàn HSSV mỗi năm. Thông qua giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, năm 2011, trường được Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực – Ladecen bình chọn và tặng thưởng “Biểu tượng vàng vì sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực Việt Nam”. Đây được xem là minh chứng cho sự đóng góp vào việc nâng cao nguồn nhân lực của tỉnh Phú Yên cũng như các tỉnh trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.

Hiện trường có 2 cơ sở với tổng diện tích 15,5ha gồm 220 phòng học lý thuyết, 3.380mphòng thí nghiệm, xưởng thực hành cơ khí, khoan thăm dò địa chất, điện, điện tử, điện lạnh, động lực ô tô, điều khiển lập trình PLC, hàn công nghệ cao, gia công CNC… trên 60 tỉ đồng.

Về đội ngũ giáo viên, từ một vài giáo viên được Tổng cục Địa chất giao nhiệm vụ vào miền Nam tìm cơ sở để thành lập Trường trung học Địa chất 2, nay trường đã có hơn 200 người, trong đó có 15 tiến sĩ, 9 nghiên cứu sinh, 117 thạc sĩ… Tỉ lệ sau đại học chiếm trên 80%.

Hàng năm, trường đều chú trọng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ viên chức, đồng thời tạo nguồn tham gia dự tuyển học bổng sau đại học tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2020.

Về quy mô đào tạo, toàn trường hiện có hơn 4.000 HSSV. Đặc biệt, năm học 2017-2018, trong điều kiện tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, nhưng nhà trường vẫn tuyển được 1.588 HSSV (đạt chỉ tiêu), sơ cấp nghề và ngắn hạn là 1.056 học viên. Năm học 2018-2019, nhà trường tuyển được 1.145 HSSV (đạt chỉ tiêu).

Các sinh viên được thực hành trên những thiết bị tiên tiến hiện đại (Ảnh Thế Anh)

Phát triển số lượng đi đôi với chất lượng

Với tôn chỉ “Chất lượng là sứ mệnh – Thành công là đích đến”, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Hàng năm, nhà trường cung cấp các dịch vụ đào tạo đa ngành nghề, đa lĩnh vực cho hơn 5.000 HSSV ở trình độ cao đẳng, trung cấp, đào tạo liên thông theo phương thức vừa làm vừa học các ngành: Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, Công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thông, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Sinh học ứng dụng, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Địa chất, Trắc địa – Địa chính, Kinh tế, Du lịch, Thiết kế thời trang… với tỉ lệ tốt nghiệp trung bình hàng năm đạt trên 93%.

Hiện nay, trường đã được Bộ Công thương và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phê duyệt dự án Đầu tư nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 với 7 nghề trọng điểm, trong đó có 2 nghề cấp độ quốc tế là Điện công nghiệpCắt gọt kim loại; 2 nghề cấp độ ASEAN là Hàn, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; 3 nghề cấp quốc gia là Điện tử công nghiệp, Công nghệ thông tinHướng dẫn du lịch. Đặc biệt năm 2019, trường triển khai chương trình đào tạo ngành Cắt gọt kim loại được chuyển giao từ Cộng hòa liên bang Đức, sinh viên học tại Tuy Hòa được nhận bằng quốc tế do Đức cấp.

Trường được Bộ LĐ-TB-XH chọn để trình Chính phủ phê duyệt là Cơ sở Giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao giai đoạn 2016-2025. Đây chính là cơ sở và động lực để nhà trường từng bước đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập trong bối cảnh hiện nay.

Một điểm nổi bật khác của trường đó là thực hiện đề án Phát triển hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến 2030, các hoạt động nghiên cứu khoa học của trường tập trung nghiên cứu và ứng dụng phục vụ cho công tác đào tạo tại trường và áp dụng vào thực tế sản xuất. Từ năm 2013-2018, trường đã triển khai và thực hiện được 6 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ; 8 đề tài cấp tỉnh; 135 đề tài cấp trường và 169 sáng kiến các loại.

Nhiều đề tài, sáng kiến thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường của trường đã đạt giải thưởng cao tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và cấp toàn quốc, được áp dụng vào sản xuất và đời sống. Thành tích trong công tác nghiên cứu khoa học của trường được UBND tỉnh Phú Yên, Bộ Công thương, Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao.

Chính vì vậy, hàng năm, trường được Bộ Công thương, Sở KH-CN Phú Yên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tin tưởng giao nhiệm vụ nghiên cứu các đề tài cấp bộ, cấp tỉnh và cấp Tổng cục, phục vụ cho công tác phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nghề tại địa phương và ngành Công thương.

Đổi mới để hội nhập

Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, xu thế cạnh tranh mạnh mẽ giữa các trường cao đẳng, đại học trong nước tạo ra thách thức lớn, đồng thời cũng tạo ra động lực cho đổi mới. Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, vững về kiến thức chuyên môn và thành thạo về kỹ năng làm việc, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, sẽ vẫn rất cao trong những năm tới.

Đặc biệt, những ngành kỹ thuật, công nghệ liên quan trực tiếp tới quá trình CNH-HĐH sẽ đặt ra yêu cầu phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng. Năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lực nghiên cứu trình độ cao và năng lực đổi mới sáng tạo sẽ là thước đo cho đẳng cấp của các trường cao đẳng, đại học, đồng thời là những thước đo năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.

Nhận thức được thời cơ và thách thức đó, trên cơ sở kiên định mục tiêu chiến lược và phát huy những thành tích đã đạt được, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung đặt ra định hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để phát triển trong giai đoạn tới. Đó là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý nhà trường theo cơ chế tự chủ toàn diện trên cơ sở học tập và áp dụng mô hình quản trị của các trường cao đẳng, đại học tiên tiến.

Chú trọng công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo như đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo chuẩn khu vực, quốc tế, phấn đấu đến năm 2020 có 2 ngành được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN-QA; xây dựng và triển khai chương trình đào tạo tích hợp, liên thông, gắn chặt đào tạo với nghiên cứu; thực hiện đào tạo theo phương pháp tiếp cận năng lực APC.

Đồng thời tăng cường mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; chủ động khai thác và phát huy mọi nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học, hợp tác chặt chẽ hơn với doanh nghiệp để tăng cường nguồn lực và nâng cao hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thực hiện các dịch vụ khác. Hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho HSSV.

TS. Trần Kim Quyên

Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung