Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có trình độ, tay nghề trở nên cấp thiết đối với yêu cầu phát triển của các doanh nghiệp. Theo đó, nhiều doanh nghiệp phối hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng hướng đi riêng để có được nguồn nhân lực tương xứng.

khat-nhan-luc-co-tay-nghe-nha-truong-va-doanh-nghiep-tim-loi-di-rieng

Đại diện Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (thứ 7 từ trái sang) ký kết hợp tác với Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung – Ảnh: THÚY HẰNG

 Chủ động trong đào tạo và tuyển dụng

Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động những năm tới vẫn tiếp tục phát triển nhanh theo hướng tăng nguồn lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn nhân lực này tại các doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn và vì vậy nhiều doanh nghiệp chuyển sang tìm lối đi riêng cho mình.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn thang máy Thăng Long chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết: Hàng năm, công ty cần rất nhiều lao động có tay nghề thuộc các ngành cơ khí, điện công nghiệp, điện tử, nhiệt, tự động hóa…

Tại Phú Yên, công ty ký kết hợp tác đào tạo với Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung về xây dựng và triển khai chương trình giáo dục đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức và kỹ năng làm việc, đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cũng ý thức việc giữ chân người lao động bằng sự hài hòa, đôi bên cùng có lợi, thực hiện các giải pháp cơ bản, bảo đảm việc làm ổn định; đồng thời cải thiện chế độ lương, phúc lợi cùng các chính sách chăm lo lễ, Tết chu đáo…

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp để đào tạo và tuyển dụng lao động theo đúng yêu cầu phát triển kinh doanh; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có việc làm ổn định, có cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Không chỉ đối với doanh nghiệp mà tại các cơ sở đào tạo cũng đã có những “hợp đồng tay ba” giữa nhà trường – học viên – doanh nghiệp bảo đảm đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp và học viên ra trường – có ngay việc làm với mức lương ổn định.

Ông Trịnh Xuân Nhân, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, cho hay: Doanh nghiệp ký kết hợp tác với các cơ sở giáo dục đào tạo để tuyển dụng nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp (đào tạo theo đặt hàng) hoặc sinh viên sẽ được thực tập thường xuyên tại doanh nghiệp nhằm bảo đảm rằng tất cả những gì sinh viên được học, được thực hành đều đúng với công việc, và không bỡ ngỡ khi bước chân vào nghề nghiệp sau này.

Bây giờ, để tuyển dụng được lao động, doanh nghiệp phải tìm đến người lao động để tuyển đúng người đúng việc. Với sự “đặt hàng” của doanh nghiệp, nhà trường mạnh dạn cam kết đảm bảo việc làm đối với người học là điều dễ hiểu.

Tuy vậy, ông Nhân cũng cho hay, hạn chế chung của thị trường lao động hiện nay là phát triển chưa đồng bộ, còn lệch pha cung cầu về số lượng và chất lượng, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập. Chính vì thế, nghịch lý là đang rất thừa lao động “ngồi phòng lạnh” nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ tay nghề thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển của doanh nghiệp.

Hạn chế tình trạng đào tạo lại

Theo nhiều chuyên gia, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang là thách thức đối với lao động Việt Nam. Hầu hết lao động đã qua đào tạo có thể đáp ứng được yêu cầu nhưng thiếu các kỹ năng mềm như: Làm việc theo nhóm, trình độ ngoại ngữ, tư duy phản biện, sáng tạo, tuân thủ công nghệ… Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay có những kỹ năng quan trọng về toán học, kỹ thuật, công nghệ và nghiên cứu… mà các cơ sở giáo dục cần cập nhật, trang bị đầy đủ cho người học.

Đại diện các doanh nghiệp thừa nhận, kỷ nguyên công nghệ số mang đến những cơ hội đột phá về năng suất, phát triển nhân lực công nghệ cao. Chính vì vậy, song song với việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, các doanh nghiệp rất chú trọng đến việc phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề để đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động để phù hợp và làm chủ công nghệ, nâng cao năng suất lao động và thu nhập; đồng thời hạn chế được việc phải đào tạo lại, kể cả những người đã học đúng chuyên ngành cần tuyển dụng.

Ông Nguyễn Kim Nguyên, phụ trách nhân sự tuyển dụng – đào tạo Công ty CP An Hưng chia sẻ: Các cơ sở đào tạo nên rút ngắn thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành để khi vào làm việc, doanh nghiệp không phải đào tạo lại. Khi người lao động có tay nghề tốt, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, sẽ có mức thu nhập ổn định ngay từ đầu chứ không phải mất thêm thời gian để thử việc và đào tạo lại.

Về kiến thức chuyên môn, đặc biệt là đối với nhóm nghề khoa học kỹ thuật thì yêu cầu của nhà tuyển dụng thường thay đổi rất nhanh qua mỗi năm dựa theo sự thay đổi của thị trường với sự ra đời của những xu hướng công nghệ mới. Về phía nhà trường, nếu các chương trình giáo dục không kịp thay đổi thì sẽ trở nên lạc hậu và điều đó sẽ làm cho các em chưa đủ tự tin bắt tay vào công việc.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hân, các chương trình học hiện nay đã mang tính ứng dụng và thực hành nhiều hơn, không còn nặng tính lý thuyết như trước đây. Tuy nhiên, thách thức mà người học gặp phải là thị trường thường xuyên thay đổi, vì thế họ cần thêm những kỹ năng mới phù hợp với công việc… Chính vì vậy, các bạn trẻ nên định hình trước những kỹ năng nào là cần thiết cho công việc sau này và hãy tự thực hành, tự rèn luyện ngay từ khi còn là sinh viên.

Thúy Hằng

(Nguồn Báo Phú Yên)