Nói đến khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ nghĩ ngay đến những dự án “khủng” hay phải “tạo lập cho bản thân điều gì đó to tát”. Thế nhưng nhiều startup (thuật ngữ chỉ những người khởi nghiệp) cho rằng, khởi nghiệp không nhất thiết là kinh doanh những cái gì đó to tát mà đơn giản chỉ là mạnh dạn, không ngừng học hỏi và trang bị cho bản thân tư duy, kỹ năng cần thiết để thuận lợi cho công việc sau này.

khoi-nghiep-khi-con-la-sinh-vien

TS Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, thành viên ban giám khảo trao đổi với thí sinh tham gia cuộc thi – Ảnh: THÚY HẰNG

 Không ngại dấn thân khi còn trẻ

Trong một đợt điều tra, khảo sát dược liệu để làm đề tài, sinh viên Ngô Thị Mỹ Nhân, Trường cao đẳng Y tế Phú Yên đã “thai nghén” dự án Đầu tư trang trại dâu tằm trái dài tại Phú Yên. Mỹ Nhân đã mạnh dạn kết hợp với một số bạn của Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung là Nguyễn Duy Luân và Nguyễn Bình Phương Nga thành một nhóm để cùng triển khai dự án khởi nghiệp của mình. Mỹ Nhân cho biết: Là sinh viên ngành Dược nên em biết được công dụng tuyệt vời của dâu tằm đối với sức khỏe – làm đẹp và có thể làm thuốc mang lại giá trị kinh tế cao. Mặt khác, tại Phú Yên từ lâu đã có làng nghề truyền thống trồng dâu tằm ở xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa).

Đây sẽ là nơi thích hợp để thực hiện dự án, vì bên cạnh việc cho năng suất về quả, cây dâu tằm trái dài cũng có năng suất lá rất cao (trung bình trên 15 tấn/ha), có thể tận dụng nguồn lá dâu cung cấp cho bà con nuôi tằm ở địa phương. Với suy nghĩ này, Mỹ Nhân và các bạn đã xây dựng dự án Đầu tư trang trại dâu tằm trái dài tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung phối hợp với Báo Phú Yên tổ chức. Và ý tưởng này đạt giải nhất, được chọn tham gia vòng chung kết cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp quốc gia vào tháng 10/2018.

Để xây dựng dự án Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và kinh doanh dưa lưới, nữ sinh viên ngành Công nghệ sinh học Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung Nguyễn Thị Hồng Thúy đã đi nhiều nơi để tìm hiểu thổ nhưỡng, giống dưa, kỹ thuật trồng và thị trường tiêu thụ, sau đó mới xây dựng ý tưởng này. Tương tự, các sinh viên Nguyễn Duy Luân với dự án Mô hình trồng và chiết xuất tinh dầu sả; sinh viên Nguyễn Tấn Ngãi với dự án Trồng măng tây theo hướng chuẩn VietGAP – Đất Phú 78… Đây là những ý tưởng hay, có thể ứng dụng vào thực tiễn được Ban tổ chức cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2018 trao các giải nhì, ba và khuyến khích.

Theo đánh giá của TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, đây là năm thứ hai nhà trường phối hợp với Báo Phú Yên tổ chức cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp. Năm nay, ngoài sinh viên của trường, còn có sinh viên của các trường đại học, cao đẳng khác trên địa bàn tỉnh tham gia. 13 dự án tham gia cuộc thi là chưa nhiều, song điều này cho thấy giáo dục khởi nghiệp cho sinh viên đang được các trường quan tâm hơn. Nhà trường không phải dạy học sinh cách làm ăn buôn bán mà là giúp các em hình thành nên tư duy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, qua đó hiểu được sở thích bản thân, đưa ra những lựa chọn phù hợp…

Cần hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp

Ông Trần Vũ Tuấn Phan, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH-CN (Viện Ứng dụng công nghệ Bộ KH-CN), một trong những thành viên ban giám khảo, trong quá trình tham gia phản biện để làm rõ tính khả thi của các ý tưởng tham gia cuộc thi luôn lưu ý với các thí sinh rằng, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp không phải là dạy các em bỏ học ra làm kinh doanh, buôn bán mà chính là dạy các em hình thành tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc nghiêm túc và đúng đắn sau này. Những dự án của các em có thể chưa được hiện thực hóa nhưng chắc chắn một điều sẽ hình thành cho các em những tố chất để hình thành nên những ý tưởng – bước đầu của khởi nghiệp. Nếu các em thấy bản thân mình có một sở trường nào đó thì hãy mạnh dạn theo sở trường đó và tìm cho mình những người bạn đồng hành như bạn bè có chung sở thích hoặc thầy cô giáo để hỗ trợ…

Còn các doanh nhân tham gia phản biện tại cuộc thi thì cho rằng, thất bại ở một ý tưởng hay dự án nào đó, không phải là điều gì quá to tát. Mà ngược lại, khi còn là học sinh, sinh viên, thất bại lại mang đến cho các em những kinh nghiệm để trưởng thành, để viết tiếp những dự án khác. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vina Nha Trang, chia sẻ: Để khởi nghiệp khi còn là sinh viên, điều đầu tiên các em cần phải có đó là kiến thức nền về nhiều lĩnh vực từ xã hội cho đến kinh tế. Có như thế các em mới có thể định hình được xã hội đang cần gì, thiếu gì… Vì vậy, theo tôi việc Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” là rất cần thiết với mong muốn xây dựng nên một quốc gia khởi nghiệp. Các trường và học sinh, sinh viên nên nắm bắt cơ hội này.

Chủ trương và chính sách khởi nghiệp cho sinh viên luôn là vấn đề được quan tâm từ phía nhà trường và các bộ, ban, ngành chức năng ở nước ta. Thế nhưng, theo các trường, nếu muốn sinh viên khởi nghiệp thì cần tạo ra những môi trường thực tế để các em có thể thử nghiệm ý tưởng, thử thách bản thân. “Môi trường khởi nghiệp đúng nghĩa là phải tạo ra một hệ thống bao gồm các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp của sinh viên khởi nghiệp thành công và dự án của học sinh, sinh viên để có tính kế thừa, học hỏi. Có như thế, các em mới có thể học hỏi được các kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế, bổ sung những kiến thức cũng như kỹ năng còn thiếu và yếu trong khởi nghiệp. Có như thế khởi nghiệp từ sinh viên mới đi vào thực chất”, một giáo viên của Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung cho hay.

Hiện phần lớn các trường hiện nay mới chỉ tạo ra được môi trường để đổi mới sáng tạo chứ chưa thực sự tạo ra được môi trường để hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Vì vậy, các sinh viên mong muốn mỗi nhà trường cần có trung tâm hoặc vườn ươm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, để qua đó những ý tưởng của sinh viên được hỗ trợ ươm tạo, hoàn thiện.

 

ÔNG HUỲNH THANH VẠN, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG KHỞI NGHIỆP QUỐC GIA KHU VỰC PHÍA NAM: Trường học là nơi tuyệt vời để bắt đầu khởi nghiệp

Khởi nghiệp khi đang là sinh viên có thể không phải là con đường lựa chọn của tất cả, tuy nhiên đây lại là nơi tuyệt vời để bắt đầu kinh doanh. Sinh viên muốn khởi nghiệp phải chuẩn bị cho mình tinh thần sẵn sàng chịu khó, chịu khổ và không ngại thất bại. Những người khởi nghiệp thành công, họ luôn trau dồi kiến thức, không ngừng học hỏi và làm việc hết sức mình.

Hiện nay, các hoạt động khuyến khích, động viên tinh thần khởi nghiệp trong giảng đường đang được khơi dậy mạnh mẽ. Bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, các sân chơi, cuộc thi khởi nghiệp…, nhiều trường đại học, cao đẳng đã chủ động kết nối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp để những ý tưởng, dự án của sinh viên đi xa hơn hay tạo môi trường để sinh viên được tiếp xúc với doanh nghiệp trong quá trình thực tập thực tế. Ý tưởng khởi nghiệp có khả năng thực thi cao thường bắt đầu từ thực tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường.

Chính vì vậy, với việc các trường đang từng bước chú trọng thực tiễn được coi là “vườn ươm” để sinh viên được liên tục cọ xát với thực tế, học cách phát hiện và đánh giá vấn đề, cách vận dụng hiệu quả kiến thức chuyên môn… thông qua thời lượng lớn thực hành, thực tập doanh nghiệp. Và những cuộc thi dành cho sinh viên khởi nghiệp cũng là cơ hội để các bạn thử nghiệm khả năng của bản thân. Từ đó, các bạn trẻ học được những bài học, kinh nghiệm thiết thực cho việc khởi nghiệp.

ÔNG NGÔ VĂN ĐỊNH, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH PHÚ YÊN: Không cần tự tạo áp lực phải thành công ngay từ khi bắt đầu

 Từ ý tưởng đến hiện thực là một quá trình dài và thực tế cho thấy, nhiều ý tưởng khởi nghiệp độc đáo bị dang dở do sinh viên không lường trước được khó khăn. Chính vì vậy, khởi nghiệp là hành trình học hỏi không ngừng. Điều quan trọng nhất là các em biết mình đang làm gì và phải luôn giữ được sự chủ động trong mọi hoàn cảnh. Thời sinh viên là giai đoạn lý tưởng nhất để khởi nghiệp nhưng không cần tự tạo áp lực phải thành công ngay từ khi bắt đầu, bởi áp lực cũng chính là gánh nặng.

Tỉ lệ thành công của khởi nghiệp từ sinh viên là không cao nhưng tinh thần khởi nghiệp của người trẻ là luôn luôn đứng lên. Sau những thất bại, các em sẽ học được những bài học để làm tốt hơn ở lần sau. Và để giảm thiểu tỉ lệ thất bại, các em cần phải tìm hiểu kỹ về tất cả những yếu tố cần có để khởi nghiệp, như không cần chọn các mô hình khó, nên tìm hiểu bản thân có phù hợp với lĩnh vực theo đuổi hay không; tìm hiểu về nguồn vốn vay, thủ tục giấy tờ, mặt bằng văn phòng… Sự chuẩn bị kỹ càng bao giờ cũng mang tới cho các em khả năng thành công cao hơn.

SINH VIÊN NGUYỄN THỊ HỒNG THÚY, TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG MIỀN TRUNG: Khởi nghiệp từ những điều đơn giản

Theo tìm hiểu của em thì hầu hết các dự án khởi nghiệp của sinh viên thất bại đều do các bạn đưa ra những ý tưởng mà thị trường không cần; nhu cầu thị trường không đủ lớn để xây dựng ý tưởng; cách xây dựng, tìm kiếm cộng sự thường không có sự cam kết lâu bền, không đa dạng thành phần; khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác và khách hàng. Hiểu được điều này nên khi xây dựng dự án Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và kinh doanh dưa lưới, em thực hành bằng cách trồng thử nghiệm 40mdưa lưới. Kết quả, mô hình này đã đem lại hiệu quả cao. Từ đó, em hình thành ý tưởng này ở quy mô lớn hơn.

Khó khăn nhất hiện nay đối với em là huy động vốn để khởi nghiệp, vì cuộc chiến để giành nhà đầu tư không dễ dàng. Tuy nhiên, em nghĩ rằng mình cần phải thử mới biết được là có thể biến ý tưởng của mình thành sự thật hay không. Với sự hướng dẫn, định hướng của những người có kinh nghiệm về khởi nghiệp và thường xuyên thẩm định các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên thuộc thành viên Ban giám khảo cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp đối với dự án của em, em hy vọng mình sẽ tìm kiếm được đối tác, nguồn hỗ trợ vốn để khởi nghiệp trong thời gian tới. 

 

Thúy Hằng

(Nguồn Báo Phú Yên Online)