Có không ít bạn học sinh sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đã “đánh mất cơ hội việc làm” của mình “trước, trong hoặc sau khi gặp nhà tuyển dụng và kể cả khi đã được tuyển dụng chỉ vì thiếu tính kỷ luật; tác phong lề mề, chậm chạp; thụ động; thiếu sự chuyên nghiệp trong kỹ năng giao tiếp và khả năng thích ứng xử lý các tình huống thực tế.

Tại sao vậy? Bởi vì, một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ hiện nay không xác định rõ được mục tiêu học tập của mình – học để làm gì? Mình sẽ làm gì sau khi ra Trường? Đặc biệt là trong quá trình còn ngồi trên ghế Nhà trường, các bạn ấy không quan tâm, chú trọng tới việc rèn luyện tác phong công nghiệp, những kỹ năng sống cần thiết. Mặc dù nhiều Trường nói chung và Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa nói riêng từ lâu đã đưa vào chương trình giảng dạy cấp chứng chỉ kỹ năng mềm cho HSSV, song nhiều bạn vẫn coi đó chỉ là một điều kiện để mình tốt nghiệp ra Trường mà không thực sự đầu tư học tập, rèn luyện những kiến thức, kỹ năng cho bản thân. Từ đó dẫn tới hệ lụy các bạn không biết mình cần phải làm gì, làm như thế nào để có tác phong công nghiệp, thiếu đi những kỹ năng mềm thiết yếu. Nên khi tham gia tuyển dụng, nguy cơ các bạn ăn mặc không chỉn chu; tới trễ trong buổi gặp gỡ nhà tuyển dụng; giao tiếp không lịch thiệp khi phỏng vấn là điều dễ xảy ra và đương nhiên các bạn sẽ bị “điểm trừ” ngay ở vòng đầu. Hoặc giả sử, nếu may mắn lọt qua vòng sơ tuyển, được tiếp nhận tới vòng thử việc thì những yếu điểm trong tác phong, kỹ năng của các bạn sẽ bộc lộ và tới khi hết thời gian thử việc các bạn sẽ không được ký hợp đồng tiếp tục làm việc là điều đương nhiên.

Và trong môi trường làm việc thực tế, người lao động sẽ phải gặp, đương đầu với nhiều tình huống công việc phát sinh mới chưa bao giờ gặp trước đó, chưa được dạy cách giải quyết khi còn học ở Nhà trường và cần phải tự mình hoặc phối hợp với các bộ phận liên quan để xử lý, nên nếu người lao động không có sự nhạy bén, linh hoạt thì sẽ gặp nhiều khó khăn, bế tắc. Hậu quả là: hiệu quả công việc thấp, cơ hội nghề nghiệp dễ vuột mất trong tầm tay.

1-thieu-tac-phong-cong-nghiep-se-danh-mat-co-hoi-viec-lam-cua-ban

Đoàn công tác tiếp xúc, liên kết hợp tác với các DN phía Nam của Trường làm việc tại Công ty TNHH TM & DV GPL

Như vậy, tác phong công nghiệp đóng một vai trò hết sức quan trọng trong công việc. Yếu tố này thể hiện kiến thức, trình độ, kỹ năng trong công việc lẫn tính kỷ luật của một cá nhân, một cơ quan. Nó mang đến lợi ích, thành công lớn cho người làm lẫn chủ doanh nghiệp. Vì thế bất kỳ một công ty, cơ quan nào cũng luôn đánh giá cao về tác phong công nghiệp của một con người.

Chia sẻ ý kiến với đoàn công tác làm việc tiếp xúc với các Doanh nghiệp phía Nam do Trưởng đoàn TS Trần Kim Quyên, Bí thư Đảng ủy – Phó Hiệu trưởng Nhà trường dẫn đầu làm việc trong sáng ngày 16/03/2017, ông Nguyễn Thành Quang – Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Kỹ thuật GPL – một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực thầu thi công các công trình xây dựng lớn; hệ thống điện; hệ thống chống sét; hệ thống điều hòa, thông gió… nói “Ngoài việc xem xét, kiểm tra hồ sơ về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ông sẽ luôn đánh giá cao và có ấn tượng với những nhân sự tham gia ứng tuyển vào công ty có tác phong chuyên nghiệp ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên, cho dù nhân sự đó là kỹ sư, các kỹ thuật viên hay những công nhân lao động trực tiếp”. Và đây không chỉ là quan điểm của riêng công ty TNHH GPL mà 100% các doanh nghiệp hiện nay khi tuyển dụng nhân sự đều coi trọng vấn đề này bởi vì chỉ có những người có tác phong công nghiệp tốt mới có trách nhiệm trong công việc và đó chính là một trong những yếu tố giúp công ty của họ tiến tới bước đường thành công. Và sự thành công của công ty cũng chính là sự thành công của mỗi thành viên cá nhân trong công ty đó.

Trung Hòa