Những năm gần đây, tình trạng thất nghiệp đối với lao động qua đào tạo trở thành vấn đề nóng ở Việt Nam. Điều này đã gây lãng phí rất lớn cho nguồn lực của đất nước. Trong khi đó, người học sau khi tốt nghiệp lại quá thụ động trong quá trình tìm và chọn việc.

Hiện nay, phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều muốn tham gia thi hoặc xét tuyển đại học với mục tiêu tìm kiếm việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp. Đó cũng là điều mà nhiều bậc phụ huynh mong muốn ở con em mình sau khi học xong THPT. Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp đại học, vấn đề việc làm trở thành nỗi ám ảnh của người học.

1-viec-lam-sau-tot-nghiep-can-su-nang-dong-hon-tu-nguoi-hoc

Sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa tham gia ngày hội việc làm do nhà trường phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức – Ảnh: THÚY HẰNG

Theo Bản tin thị trường lao động quý II/2016 của Bộ LĐ-TB-XH vừa công bố, cả nước có hơn 1 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Con số này đã tăng 16.400 người so với quý I/2016. Có 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp, chiếm tới 40%. Trong đó có 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp. Điều này có thể lý giải ở các doanh nghiệp hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các trình độ cao, cụ thể đại học không nhiều, hầu như chỉ chiếm 3-5% số lao động được tuyển dụng hàng năm của doanh nghiệp để bố trí cho các vị trí chủ chốt cần trình độ cao. Trong khi đó, số lượng lao động được đào tạo ở bậc đại học khá lớn, tạo ra sự bất hợp lý trong cung cầu, dẫn đến thừa lao động trình độ cao, khó tìm được việc làm sau tốt nghiệp.

Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa trong những năm qua là một trường đào tạo các trình độ từ cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và ngắn hạn. Nhiều học sinh sinh viên tốt nghiệp tại trường đã và đang làm việc tại các doanh nghiệp trong cả nước và được các đơn vị tuyển dụng đánh giá cao. Nhìn nhận được tầm quan trọng của việc giới thiệu việc làm cho người học, lãnh đạo nhà trường đã thành lập Trung tâm Hướng nghiệp và Giới thiệu việc làm. Đây là đầu mối nhằm hướng đến việc hợp tác với các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, trong đó có tuyển dụng người học sau tốt nghiệp. Thông qua Trung tâm Hướng nghiệp và Giới thiệu việc làm, nhà trường đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu gần 1.000 vị trí việc làm cho người học đã tốt nghiệp năm 2016. Phần lớn các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều lao động đối với các ngành nghề kỹ thuật như: điện – điện tử, cơ khí, hóa, sinh học, thực phẩm… với mức lương sau khi hết thời gian thử việc dao động từ 5-7 triệu đồng và các khoản hỗ trợ khác.

Một số công ty có nhu cầu tuyển dụng lao động từ 20-100 người như: Công ty TNHH ASUZAC (Bình Dương) tuyển lao động cơ khí; Công ty CP Tư vấn Xây dựng Điện 4 (TP Nha Trang) tuyển lao động trắc địa, địa chất; Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hải Thạch tuyển lao động trung cấp cơ khí, điện; Công ty CP Ô tô Đô Thành (Đồng Nai) tuyển lao động qua đào tạo ngành, nghề hàn; Công ty CP Sợi Thế Kỷ (TP Hồ Chí Minh), Công ty CP Thép Nam Kim (Bình Dương) tuyển lao động ngành điện, cơ khí, hóa học… Hầu hết các công ty chỉ tuyển dụng lao động tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp chứ không tuyển dụng đối với lao động tốt nghiệp đại học. Theo tìm hiểu từ các nhà tuyển dụng, hiện nay các doanh nghiệp chỉ tuyển dụng một số ít lao động tốt nghiệp đại học cho một số vị trí cần thiết để lập kế hoạch, giám sát, thiết kế, quản lý… Họ chủ yếu tuyển dụng người học tốt nghiệp từ cao đẳng, trung cấp hoặc đào tạo ngắn hạn vì những đối tượng này được đào tạo phù hợp với vị trí tuyển dụng và đảm bảo tham gia lao động ổn định hơn so với những lao động tốt nghiệp đại học.

Tuy nhiên, mặc dù có sự nỗ lực từ nhà trường, các đơn vị tuyển dụng tham gia tư vấn và tuyển dụng trực tiếp tại trường nhưng số lượng người học tham gia tuyển dụng không nhiều. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp vẫn còn tâm lý ngại tham gia lao động xa nhà (trong những năm qua, các doanh nghiệp ở Phú Yên hầu như không tuyển dụng nhiều lao động), áp lực từ công việc và thậm chí một số ít người học đòi hỏi mức lương quá cao mặc dù chưa khẳng định được năng lực làm việc tại các vị trí cần tuyển dụng. Tóm lại, ngoài sự cố gắng, nỗ lực từ nhà trường và sự chung tay của các doanh nghiệp tham gia tư vấn tuyển dụng, người học cần có sự năng động hơn như chấp nhận làm việc xa nhà (nếu nhu cầu việc làm trong tỉnh không nhiều), chấp nhận áp lực, tự khẳng định năng lực bản thân, lựa chọn ngành nghề phù hợp… thì cơ hội việc làm không còn là áp lực. Có như thế, người lao động mới có thể hội nhập và tham gia thị trường lao động ASEAN trong thời gian tới.

Trung Hòa TH

Theo Báo Phú Yên

(T.giả: ThS Huỳnh Mạnh Nhân)