Chuyển giao đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước và nước ngoài được xem là mô hình đào tạo song hành, giúp sinh viên có hai tấm bằng cao đẳng, cùng nhiều cơ hội việc làm trong nước cũng như quốc tế.
Đào tạo nghề theo chuẩn Đức
Từ năm 2019, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung là một trong 45 trường được Bộ LĐ-TB-XH chọn tham gia đào tạo thí điểm theo 22 bộ chương trình được chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức với nghề Cắt gọt kim loại, nhằm đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Sau một năm đào tạo, trường vừa được chuyên gia đào tạo người Đức Thomas Linke (Tập đoàn Đào tạo Avestos) đến kiểm tra và đánh giá công tác đào tạo của chương trình này.

Sinh viên học nghề Cắt gọt kim loại theo chuẩn Đức của Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung học tập và thực hành tại Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang.
Trong 5 ngày, việc kiểm tra, đánh giá tập trung vào các nội dung như trang thiết bị phòng học lý thuyết, xưởng thực hành, thiết bị bảo hộ, thiết bị an toàn; việc tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn, vệ sinh; kếhoạch, tiến độ đào tạo, thời khóa biểu, số giờ giảng dạy lý thuyết, giảng dạy thực hành, các sổ ghi chép quá trình đào tạo; công tác tổ chức thực tập tại doanh nghiệp; đặc biệt chuyên gia đào tạo Thomas Linke còn tham gia 1 buổi dạy học lý thuyết, 1 buổi thực hành với các giảng viên, sinh viên của lớp đào tạo này. Qua đó, chuyên gia đào tạo người Đức đánh giá cao năng lực tiếp thu của sinh viên nhà trường; đồng thời đề nghị nhà trường tiếp tục bảo đảm các yêu cầu, điều kiện để có thể đào tạo nghề theo đúng tiêu chuẩn của Đức nhằm bảo đảm việc công nhận tốt nghiệp cho sinh viên.
Lớp Cắt gọt kim loại theo chuẩn Đức do Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung đào tạo có 13 sinh viên (theo quy định của Đức mỗi lớp học không quá 16 sinh viên). Trong quá trình học, sinh viên được học tập trong môi trường hiện đại, với các trang thiết bị tiên tiến theo tiêu chuẩn của Đức. Giáo viên tham gia giảng dạy được đào tạo tại Đức. Ngoài ra, theo mô hình của Đức, việc gắn kết với doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc trong quá trình đào tạo. Vì vậy, theo TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng nhà trường, phần lý thuyết sinh viên học tại trường, phần thực hành được đào tạo tại các xưởng chếtạo, lắp ráp và dây chuyền của doanh nghiệp. Hiện nhà trường đã hợp tác toàn diện với Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang và nhiều doanh nghiệp khác nên việc thực hành của sinh viên rất thuận lợi.
“Bên cạnh học lý thuyết, thời gian qua, sinh viên chúng em được học tập và thực hành trên các dây chuyền sản xuất của Công ty CP Cơ khí Vina Nha Trang. Được các kỹ sư của doanh nghiệp này chỉ bảo, hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, em tiếp thu rất nhanh, kết quả học tập tốt”, sinh viên Lương Bảo Luân đã nói như thếsau một năm theo học nghề Cắt gọt kim loại theo chuẩn Đức tại Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung.

Lợi thế khi tìm việc làm

Chương trình đào tạo nghề cấp độ quốc tế, được chuyển giao từ Đức có thời gian đào tạo từ 3-3,5 năm, tùy theo từng nghề. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp 2 bằng: 1 bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam do trường tổ chức đào tạo cấp; 1 bằng tốt nghiệp của Đức (tương đương với trình độ Bậc 4 theo Khung trình độ Quốc gia Đức). Đối với sinh viên, lợi ích việc học chương trình đào tạo nghề trọng điểm cấp độ quốc tếcòn được thấy rõ khi cạnh tranh tìm việc làm.

Sinh viên học nghề Cắt gọt kim loại theo tiêu chuẩn Đức tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung
Theo chuyên gia đào tạo người Đức Thomas Linke, ngoài kỹ năng nghề được quốc tế công nhận, người tốt nghiệp chương trình đào tạo theo chuẩn Đức còn có năng lực tiếng Anh thấp nhất đạt trình độ B1 trở lên đến B2 theo Khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động trong khu vực ASEAN và quốc tế. Từ đó, sinh viên có cơ hội tìm việc tại các công ty quốc tếtrong và ngoài nước, có thể tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hay liên thông lên bậc đại học tại các nước phát triển.
Hợp tác quốc tế đã trở thành nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH), các trường tham gia đào tạo trình độ cao đẳng cho các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo tiêu chuẩn Đức đều có chung các tiêu chí như: cơ sở vật chất hiện đại, sinh viên được học tập trên các trang thiết bị tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế, đội ngũ giáo viên có trình độ. Điều này không chỉ hình thành nên một mô hình đào tạo mới, mà còn giúp xã hội nhìn nhận tích cực về vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong thị trường lao động.

Theo Thúy Hằng

Báo Phú Yên Online