Sinh viên các trường Cao đẳng – Đại học nói chung và sinh viên trường Cao đẳng Công Thương miền Trung nói riêng sau khi tốt nghiệp các bạn ít nhất phải trải qua một lần phỏng vấn xin việc. Sau khi vượt qua vòng hồ sơ, các bạn lại tiếp tục đến với vòng loại thứ hai – phỏng vấn trực tiếp. Đây có thể xem là vòng quyết định xem các bạn có được nhà tuyển dụng lựa chọn hay không. Vậy đâu là các yếu tố ảnh hưởng đến sự thành bại của một buổi phỏng vấn? Cần chuẩn bị những gì và làm cách nào để tạo được sự thiện cảm cũng như ấn tượng tốt của ứng viên đối với nhà tuyển dụng?

Để có được một buổi phỏng vấn xin việc thành công, quá trình chuẩn bị của bạn là vô cùng quan trọng, nhưng buổi phỏng vấn còn quan trọng hơn nữa. Sau đây, Mitc giới thiệu một số lời khuyên để bạn có thể ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng một cách thật thuyết phục. Hãy cùng tìm hiểu đó là gì?
  1. Tìm hiểu về công ty ứng tuyển

Bằng cấp là quan trọng, nhưng nhà tuyển dụng chỉ cần tới mức vừa đủ. Bằng cấp quá cao siêu không hẳn đã là ưu thế của bạn. Điều quan trọng hơn là, một khi đã đáp ứng được yêu cầu công việc, sinh viên Mitc cần khẳng định bản thân phù hợp với văn hóa công ty. Đó là bạn có những niềm tin và giá trị phù hợp với công ty. Đặc biệt, khả năng làm việc theo nhóm là rất quan trọng hiện nay.
Một trong những điều cần biết khi đi phỏng vấn là tìm hiểu tất cả những điều liên quan đến công ty ứng tuyển. Người phỏng vấn có thể hỏi những điều như “Bạn biết gì về công ty?”, “Tại sao bạn muốn làm việc ở đây?” và bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt nếu có thể trả lời họ một cách tự tin. Vì vậy, ngay khi nhận được cuộc gọi hay email về lịch phỏng vấn, sinh viên Mitc hãy nhanh chóng tìm hiểu những thông tin quan trọng về công ty mà mình nộp đơn vào. Thông thường nhà tuyển dụng sẽ cho ứng viên ít nhất một ngày để chuẩn bị trước khi đến với buổi phỏng vấn trực tiếp, vì thế hãy tận dụng quãng thời gian đó để trang bị những kiến thức thật chuẩn về công ty.  
Đầu tiên, hãy đọc phần “Giới thiệu” hoặc “Về chúng tôi” trên trang web của họ. Bạn sẽ thấy giá trị cốt lõi, tầm nhìn và sứ mệnh công ty ở đó. Nhiệm vụ của công ty là gì? Ai là nhân vật chủ chốt trong tổ chức? Ai sẽ phỏng vấn bạn? Công ty có tiếng tăm như thế nào? Có những tin tức mới nào về công ty gần đây? Những loại kỹ năng, kinh nghiệm hoặc kiến thức nào công ty đánh giá cao nhất ở nhân viên của mình? Công ty đang kinh doanh các sản phẩm hoặc dịch vụ nào? Văn hóa công ty ra sao?… Thứ hai, hãy tìm hiểu về họ trên Google. Cuối cùng là kiểm tra mạng xã hội của họ. Bạn có thể sẽ đọc được các đánh giá từ các nhân viên hiện tại hoặc trước đây và thậm chí là cả khách hàng của họ. Điều này giúp bạn biết được hoạt động kinh doanh của công ty mà còn là văn hóa của doanh nghiệp.
Nếu bạn có thể chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy được sự hiểu biết sâu sắc về công ty của họ, bạn đã để lại một ấn tốt rất tốt đối với họ. Sẽ có những câu hỏi VD: Em biết gì về công ty? Nếu bạn không chuẩn bị thật tốt thì bạn sẽ mất điểm từ đây, vì tại sao bạn muốn làm việc tại nơi mà bạn chưa biết gì. Việc nghiên cứu trước về công ty mình sẽ phỏng vấn vừa cho bạn những kiến thức để có thể tự tin trong buổi phỏng vấn, vừa thể hiện sự quan tâm đặc biệt của bạn đối với công việc này. Không một nhà tuyển dụng nào có thể bỏ qua những ứng viên như bạn. Vì vậy,  hãy yên tâm rằng mình đã không bỏ phí thời gian để tìm hiểu nghiên cứu công ty này.

Sinh viên trường Cao đẳng Công Thương miền Trung được trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức chuyên ngành. Các em được đào tạo thành những con người năng dộng, sáng tạo, đầy nhiệt huyết  sẽ thích nghi với mọi môi trường làm việc.

  1. Chuẩn bị trang phục chuyên nghiệp, lịch sự

Một bộ trang phục đẹp, phù hợp sẽ tạo ấn tượng tốt ngay từ đầu với nhà tuyển dụng. Quần áo cũng thể hiện được tính cách, quan điểm của người mặc. Một bộ trang phục  đẹp, thoải mái sẽ giúp bạn tự tin hơn rất nhiều khi bắt đầu trả lời câu hỏi phỏng vấn. Trang phục đến với buổi phỏng vấn không nên quá màu mè hay kiểu cách, hãy lựa chọn cho mình một bộ trang phục  nền nã, lịch sự, nhưng không được quá xuề xòa, nên nhớ rằng trang phục là điểm đầu tiên mà người phỏng vấn nhìn thấy ở bạn trước khi đến với các câu hỏi phỏng vấn. Vì thế, một bộ trang phục chỉn chu cũng thể hiện rằng bạn đang tôn trọng công ty cũng như vị trí mà mình ứng tuyển. Đối với nữ, bạn có thể chọn sơ mi trắng/màu cùng với chân váy công sở màu đen và giày sandal hoặc cao gót (< 7cm), còn với các bạn nam thì sơ mi, quần tây và một đôi giày cùng màu là sự lựa chọn hoàn hảo, nếu vị trí mà bạn tham gia phỏng vấn là cấp bậc quản lý hay trưởng phòng, cần thêm cho mình một chiếc cà vạt nhằm thể hiện sự trang trọng.
Hãy chắc chắn rằng trang phục  phỏng  vấn của bạn gọn gàng, ngăn nắp và thích hợp với loại hình công ty bạn đang phỏng vấn. Mang theo bìa hồ sơ đẹp với các bản phô tô sơ yếu lí lịch của bạn. Mang kèm một cây viết và giấy để ghi chú.
  1. Đến đúng giờ

Việc đến đúng giờ khi đi phỏng vấn đóng vai trò rất quan trọng. Một trong những thách thức lớn nhất của người sử dụng lao động là phải đối phó với những nhân viên “có tật” đi trễ. Vì vậy, nếu trong buổi tiếp xúc đầu tiên với “ông chủ” tương lai của mình bạn đã thể hiện cho họ thấy thói quen trễ giờ của mình thì cơ hội được chọn của bạn sẽ thấp đi rất nhiều. Bạn nên lập kế hoạch cụ thể: xác định thời gian đi đến công ty, dự trù những sự cố như kẹt xe, lạc đường, … Nên đến công ty trước 15 phút, bạn sẽ có thời gian để “chỉnh đốn” lại trang phục,  xem lại giấy tờ cần thiết cũng sư tạo cho mình một sự thoải mái cần thiết trước khi bước vào cuộc.
  1. Giữ bình tĩnh, tự tin

            Bạn phải luôn giữ thái độ điềm tĩnh, tự tin trước nhà tuyển dụng, hãy hỏi lại nếu như bạn thật sự chưa nắm bắt được ý mà nhà tuyển dụng đưa ra và hãy nhớ rằng bạn chỉ nên tốn một chút xíu thời gian để đưa ra câu trả lời thật hoàn chỉnh và đầy đủ với nội dung được hỏi.
            Cố gắng liên hệ những gì bạn biết về công ty khi trả lời các câu hỏi. Khi thảo luận về các thành tích trong sự nghiệp của bạn hãy kết hợp với những gì công ty đang tìm kiếm. Kết hợp giữa chuyên môn của bạn và yêu cầu của công ty.
Phỏng vấn 1

Phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp tại trường Cao đẳng Công Thương miền Trung của nhiều doanh nghiệp trên  địa bàn tỉnh Phú Yên.  Trong buổi phỏng vấn  các bạn sinh viên Mitc luôn giữ bình tĩnh, tự tin đã ghi được nhiều điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng.

 
  1. Sẵn sàng với những câu trả lời trong phỏng vấn 

Có một số câu hỏi mà hầu hết các nhà tuyển dụng điều dùng để hỏi các ứng viên của họ. Ngoài những câu hỏi mang tính chuyên môn về vị trí và lĩnh vực mà bạn ứng tuyển, thì nhà tuyển dụng thường đưa ra những câu hỏi như: Điểm mạnh, điểm yếu của bạn là gì? Bạn biết gì về công ty chúng tôi? Tại sao bạn lại muốn làm việc ở đây?” … Bạn hãy chuẩn bị câu trả lời cho ít nhất từ 3 – 5 câu hỏi dạng này. Điều này sẽ giúp bạn ít bị động hơn khi đối mặt với nhà tuyển dụng.
Giả sử nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi: Cho tôi biết về những điểm yếu của bạn? Đây là cách mà bạn sẽ ghi điểm với những câu hỏi khó như vậy: Chọn lấy một điểm yếu của bản thân và khéo léo biến nó thành một điểm mạnh liên quan đến công việc. “Tôi là một người hơi thiếu kiên nhẫn, chỉ đơn giản là vì tôi muốn hoàn thành công việc đúng hạn và không làm ảnh hưởng tới công việc của cả nhóm.” Điều quan trọng là phải trung thực và đừng bao giờ trả lời rằng:“Tôi không có điểm yếu nào cả”.
Là sinh viên Mitc tôi tin các bạn sẽ trả lời tốt những câu hỏi này, nhưng nếu bạn không có câu trả lời và cảm thấy hơi hoảng sợ, hít một hơi thật sâu và hãy hỏi một cách tự tin và bình tĩnh rằng liệu bạn có thể trả lời câu hỏi này sau được không. Tránh nói lan man và đừng để lộ ra sự lo lắng của mình. Sẽ tốt hơn nếu bạn lấy tự tin bằng một vài câu hỏi khác (dễ hơn) và sau đó quay trở lại với những câu hỏi khó. (Ai mà biết được, có thể người phỏng vấn sẽ quên béng mất việc hỏi lại!) Mặc dù vậy phải cảnh báo rằng: Đừng phụ thuộc quá nhiều vào mẹo này và chỉ yêu cầu trì hoãn khi thực sự cần thiết; nếu yêu cầu trì hoãn quá nhiều lần có thể khiến bạn trông có vẻ như là thiếu chuẩn bị.
Phỏng vấn 2

Sinh viên Mitc sẵn sàng trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn trực tiếp tại trường Cao đẳng Công Thương miền Trung

 
  1. Chuẩn bị những câu hỏi với nhà tuyển dụng

Khi kết thúc  một buổi phỏng vấn, bao giờ nhà tuyển dụng cũng sẽ đề nghị “Bạn có muốn đặt câu hỏi/Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?” Đây có thể xem như là một cơ hội vàng để bạn có thể “bật lại” và cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là người phù hợp nhất cho vị trí mà họ đang thiếu. Hãy thể hiện rằng bạn rất quan tâm đến sự phát triển của công ty và luôn muốn được gắn bó lâu dài với họ thông quan các câu hỏi như “Mục tiêu phát triển của công ty trong 5-10 năm nữa là gì?, Cơ hội thăng tiến ở vị trí này trong 3-5 năm tiếp theo?..”, ngoài ra những câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tính chất công việc mà bạn đang ứng tuyển “Anh/Chị có thể nói rõ hơn về những công việc không có trong bảng miêu tả công việc? Thử thách cũng như khó khăn nhất khi đảm nhiệm vị trí này là gì? Yếu tố quan trọng nào giúp đạt được thành công ở vị trí này? …”
Nếu đây là buổi phỏng vấn đầu tiên, bạn cần tránh những câu hỏi về lương, thưởng, số lượng ngày nghỉ, chế độ bảo hiểm, … Vì những câu hỏi sẽ dễ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn quan tâm về lương, về bổng lộc tại công ty họ hơn là quan tâm đến công việc này. Trong buổi phỏng vấn có rất nhiều điều quan trọng khác cần để hỏi. Là một ứng viên, bạn nên tận dụng cơ hội phỏng vấn để có được những thông tin quan trọng về công việc, môi trường làm việc khi nhận vị trí này. Khi cuộc trao đổi đi đúng hướng, chính nhà tuyển dụng sẽ là người đầu tiên đề cập đến vấn đề lương bổng để có thể chiêu mộ bạn trở thành một thành viên trong công ty của họ.
Các câu hỏi này thường sẽ cho thấy được tính cách cũng như cái tôi riêng của từng ứng viên, từ đó giúp nhà tuyển dụng có thể lựa chọn được ứng viên phù hợp cho vị trí mà công ty đang tuyển dụng.
Cuối buổi phỏng vấn, đừng quên yêu cầu nhà tuyển dụng các thông tin sau “Trong bao lâu sẽ có kết quả phỏng vấn? Nếu trúng tuyển thì thời gian nhận việc là khi nào?”
  1. Cám ơn sau buổi phỏng vấn

Sau khi buổi phỏng vấn kết thúc phải nhớ gửi lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng và một lần nữa hãy cho họ thấy rằng bạn thật sự yêu thích công việc và vị trí đó. Và sau cùng là biểu lộ rằng riêng đối với cá nhân bạn thì bạn rất thích buổi phỏng vấn này vì đã học tập được rất nhiều điều bổ ích.
Tham gia phỏng vấn xin việc luôn luôn là một trải nghiệm căng thẳng, đặc biệt là đối với sinh viên mới ra trường. Chỉ cần nghĩ về nó thôi cũng có thể khiến trống ngực đập liên hồi. Tuy nhiên, các bạn sinh viên Mitc không cần quá lo lắng, với một chút chuẩn bị và tự tin vào khả năng của mình, bạn sẽ có cuộc phỏng vấn việc làm đầu tiên thật suôn sẻ. Trong buổi phỏng vấn xin việc, bạn cần chứng tỏ rằng bạn là một tài sản của nhà tuyển dụng vì sở hữu các kỹ năng và thái độ tích cực. Thể hiện thái độ kiêu căng hoặc tự thổi phồng bản thân sẽ chỉ làm tổn thương cơ hội được tuyển dụng của bạn mà thôi. Hy vọng với một vài lời khuyên phỏng vấn xin việc được chia sẻ trên đây, bạn có thể tạo được ấn tượng tốt hơn với nhà tuyển dụng.
Phỏng vấn xin việc là một bước vô cùng quan trọng để có được công việc mà mình mong muốn. Sinh viên trường Cao đẳng Công Thương miền Trung sau khi tốt nghiệp các bạn có rất nhiều kỹ năng để vượt qua các buổi phỏng vấn, chọn cho mình công việc phù hợp nhất.
Chúc các bạn thành công!

Tác giả: Phạm Thị Ngọc Thùy

Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp

TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG MIỀN TRUNG – KHỞI ĐẦU GIẤC MƠ NGHỀ NGHIỆP
Đăng ký trực tuyến