Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 8 (2018-2019), giải pháp “Nghiên cứu chiết tách polyphenol từ lá chè xanh trồng tại Sơn Hòa, Phú Yên” của Nguyễn Thụy Ngọc Trâm, giảng viên Khoa Hóa – Tài nguyên và Môi trường, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung đạt giải ba. Hội thi năm nay, cô Ngọc Trâm tiếp tục tham gia với giải pháp “Nghiên cứu thu nhận gelatin từ da cá ngừ đại dương”.

 Đam mê ngành Hóa học
Nguyễn Thụy Ngọc Trâm sinh ra và lớn lên ở phường 8 (TP Tuy Hòa). Ngay từ nhỏ, Ngọc Trâm đã bộc lộ đam mê hóa học. Tốt nghiệp THPT, năm 2003, Ngọc Trâm thi đỗ vào Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng với chuyên ngành Công nghệ thực phẩm – sinh học. “Trong suốt 5 năm học Bách khoa, tôi luôn yêu thích nghiên cứu hóa học. Thực tế hóa học không hề là một bộ môn khô khan; nếu chúng ta tìm hiểu và chú tâm nghiên cứu thì công trình nghiên cứu khoa học sẽ trở nên hấp dẫn hơn”, cô Trâm bộc bạch.

ThS Nguyễn Thụy Ngọc Trâm (thứ ba từ phải sang) tại gian hàng Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia học sinh – sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp đại học, Ngọc Trâm đã làm việc ở Phòng Kiểm nghiệm Công ty CP PYMEPHARCO. Năm 2012, Ngọc Trâm thi đậu biên chế, trở thành giảng viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (nay là Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung) để thực hiện đam mê nghiên cứu và cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Từ đó, bên cạnh thời gian giảng dạy, Ngọc Trâm lặng lẽ đầu tư nghiên cứu khoa học. Ngọc Trâm có 2 công trình nghiên cứu khoa học cấp trường và là thành viên 2 đề án cấp bộ (Bộ KH-CN) về lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tham gia các hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh. Năm học 2019-2020 cô Ngọc Trâm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Nói về đồng nghiệp của mình, TS Võ Anh Khuê, Trưởng Khoa Hóa – Tài nguyên và Môi trường cho biết: “ThS Ngọc Trâm là một giảng viên gương mẫu, nhiệt huyết với nghề, yêu thương sinh viên, tận tụy giúp đỡ, hợp tác với đồng nghiệp để làm tốt nhất những phần việc được giao. Điều đáng quý ở cô Trâm là phẩm chất của người làm khoa học: Trung thực, nhiệt huyết, hết mình vì khoa học”.
Hướng đến sản phẩm sinh học
“Nghiên cứu thu nhận gelatin từ da cá ngừ đại dương” là giải pháp mà Ngọc Trâm ấp ủ bấy lâu, dường như chỉ “ăn, ngủ” trong phòng thí nghiệm để thực hiện. Không ít lần thí nghiệm thất bại, nhưng cô chưa bao giờ muốn bỏ cuộc bởi bên cạnh Ngọc Trâm luôn có sự ủng hộ của gia đình, thầy cô, bạn bè.
Chia sẻ về đề tài khoa học của mình, cô Trâm hào hứng: “Gelatin ứng dụng trong nhiều ngành. Riêng trong ngành công nghệ thực phẩm, gelatin được sử dụng với vai trò là chất kết dính, chất nhũ hóa, chất tạo gel như kẹo dẻo, kẹo ngậm, sữa chua, bánh sandwich, thịt và xúc xích… Phú Yên có nguồn lợi cá ngừ rất lớn, phụ phẩm từ cá ngừ chủ yếu chế biến thức ăn gia súc giá trị kinh tế thấp. Trong khi đó, da cá chứa một lượng collagen khá lớn, đây là lợi thế để tôi thực hiện giải pháp. Công trình nghiên cứu thu nhận gelatin từ da cá ngừ đại dương với mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng từ collagen để phục vụ sức khỏe và đời sống con người…”.
Theo cô Trâm, để thu nhận gelatin từ da cá ngừ đại dương, đầu tiên phải xử lý da cá bằng nước đá lạnh để loại bỏ tạp chất bẩn và nhúng qua dung dịch Anolyte 50 ppm rồi sau đó đưa vào tủ cấp đông (-30 đến -200C). Bước 2 là ngâm da cá trong dung dịch NaOH từ 1-3 giờ để khử các tạp chất phi collagen như lipit, protein, khoáng, sắc tố và một số chất trên nguyên liệu da cá, sau đó vớt da rửa nhiều lần bằng nước sạch cho đến khi pH nước rửa đạt trung tính. Bước tiếp theo là ngâm da cá trong môi trường nước ở nhiệt độ từ 50-600C… Lúc này, collagen bị thủy phân một phần tạo thành gelatin; chúng ta lọc thành phẩm để loại phần bã còn lại và một số tạp chất có trong dịch trích ly để thu dịch gelatin dạng lỏng. Sau khi làm sạch, tiến hành lọc dịch gelatin rồi đem đi cô đặc bằng thiết bị cô quay chân không ở nhiệt độ 500C để loại bớt nước có trong dịch trích ly. Sản phẩm tiếp tục được đem đi sấy trong vòng 15 giờ ở nhiệt độ 450C. Kết thúc quá trình sấy, ta thu được gelatin thành phẩm dạng miếng.

Sản phẩm gelatin của cô Ngọc Trâm đã được Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc – mỹ phẩm – thực phẩm Phú Yên kiểm nghiệm. Hy vọng giải pháp này tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 9 của tỉnh có kết quả cao.

TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung

Theo Hoàng Hà Thế

Báo Phú Yên Online