Chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, doanh nghiệp, phụ huynh, cũng như người học và toàn xã hội. Vì vậy, kiểm định chất lượng GDNN được xác định là một trong những công cụ quan trọng để các trường khẳng định vị thế và hiệu quả đào tạo.

 Chuẩn hóa đào tạo nghề

Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài thuộc Công ty CP Kiểm định và tư vấn giáo dục Việt Nam (VTEC), do ThS Phạm Tấn Khoa làm trưởng đoàn vừa có đợt khảo sát chính thức phục vụ đánh giá ngoài Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng GDNN của Bộ LĐ-TB-XH.
Trong thời gian 1 tuần, đoàn đánh giá ngoài tập trung thực hiện đánh giá toàn bộ các hoạt động của nhà trường, gồm những nội dung như khảo sát cơ sở vật chất; phỏng vấn ban giám hiệu, cán bộ quản lý, tổ chức đoàn thể, giảng viên, đại diện doanh nghiệp, cựu học sinh, sinh viên (HSSV) và HSSV đang học tại trường. Bên cạnh đó, các thành viên trong đoàn đánh giá cũng làm việc riêng với từng nhóm chuyên trách về các tiêu chí, tiêu chuẩn theo báo cáo tự đánh giá của nhà trường.
TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Kiểm định chất lượng GDNN là hoạt động đánh giá và công nhận mức độ cơ sở GDNN hoặc chương trình đào tạo các trình độ GDNN đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDNN theo quy định của Bộ LĐ-TB-XH. Để được đánh giá ngoài lần này, nhiều năm qua, nhà trường luôn đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, thường xuyên tổ chức tự đánh giá để không ngừng cải thiện năng lực quản trị, quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp.
Xác định lấy kiểm định chất lượng GDNN làm thước đo chất lượng đào tạo, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; xây dựng chương trình, giáo trình… Đặc biệt, trường đã tích cực phối hợp với hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để trao đổi thông tin, cung cấp nguồn lực giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp; hợp đồng đào tạo cho lao động của doanh nghiệp; hợp tác với doanh nghiệp trong giải quyết việc làm cho hàng ngàn HSSV sau khi tốt nghiệp.
Bộ tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng cơ sở GDNN gồm 9 tiêu chí và 100 tiêu chuẩn. Trong đó, 9 tiêu chí, gồm: Mục tiêu, sứ mạng, tổ chức và quản lý; Hoạt động đào tạo; Nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động; Chương trình, giáo trình; Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và thư viện; Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế; Quản lý tài chính; Dịch vụ người học; Giám sát, đánh giá chất lượng. Theo ThS Phạm Tấn Khoa, trên cơ sở tự đánh giá của trường, trong quá trình khảo sát chính thức phục vụ đánh giá ngoài, với mỗi tiêu chuẩn, đoàn nêu rõ những điểm mạnh cũng như hạn chế, đồng thời đưa ra những khuyến nghị để nhà trường phát huy những điểm mạnh và khắc phục tồn tại với mục đích không ngừng cải tiến chất lượng đào tạo nghề, nâng cao hiệu quả hoạt động. Dựa trên kết quả kiểm định chất lượng, nhà trường sẽ có cái nhìn tổng thể khách quan và toàn diện, có cơ sở xác định chính xác những điểm mạnh và tồn tại cần khắc phục, từ đó thực hiện cải tiến, xây dựng thành công trường chất lượng cao theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Một buổi thực hành nghề Công nghệ Ô tô tại trường Cao đẳng Công Thương miền Trung. Ảnh: Bảo Hậu

Khẳng định hiệu quả đào tạo

Chất lượng cơ sở GDNN hiện đang thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, doanh nghiệp, phụ huynh, cũng như người học và toàn xã hội. Điều này làm cho sự cạnh tranh giữa các cơ sở GDNN ngày càng gay gắt hơn, không những giữa các cơ sở trong nước với nước ngoài mà cả giữa các cơ sở GDNN trong nước. Lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về cơ sở đào tạo nào có chất lượng cao.
ThS Phạm Tấn Khoa cho hay: Chất lượng đào tạo luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cơ sở GDNN. Vậy nên kiểm định chất lượng GDNN được xác định là một trong những công cụ quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo. Kiểm định chất lượng GDNN, gắn đào tạo với nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, nhu cầu của xã hội là yêu cầu đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, hiện nay khi mà dạy nghề đang hướng tới đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động, và thực hiện đào tạo theo cơ chế hợp đồng lao động gắn với giải quyết việc làm, góp phần tạo việc làm cho người lao động, thì vấn đề kiểm định chất lượng GDNN càng được chú trọng.
Tại Phú Yên, trong thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho người lao động là một trong các chỉ tiêu quan trọng nhằm phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong 5 năm (2015-2020), toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho khoảng 120.000 lao động. Tỉ lệ thất nghiệp toàn tỉnh cuối năm 2020 giảm còn dưới 2,5%. Đã đào tạo nghề hệ cao đẳng, trung cấp cho gần 12.000 người và tổ chức dạy nghề thường xuyên cho hơn 26.000 lao động nông thôn. Tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 55% năm 2015 lên hơn 70% năm 2020, trong đó lao động qua đào tạo nghề là 51%. Khả năng có việc làm, thu nhập ổn định của người học nghề sau khi tốt nghiệp ngày càng tăng đã góp phần định hướng, thay đổi dần nhận thức của xã hội về vai trò của GDNN.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác GDNN, cùng với việc đẩy mạnh hợp tác ba bên giữa nhà trường – doanh nghiệp – Nhà nước; rõ ràng việc tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng đào tạo, thường xuyên giám sát và thanh tra, kiểm tra theo các tiêu chí đảm bảo chất lượng GDNN; hướng cơ sở GDNN tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp luật quy định (đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng và cơ cấu ngành nghề đào tạo bám sát yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của doanh nghiệp…) là rất cần thiết.
TS Trần Kim Quyên cho hay: Việc Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung được chọn khảo sát chính thức phục vụ đánh giá ngoài là minh chứng cho sự cố gắng, nỗ lực của trường trong nhiều năm qua về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, thị trường lao động. Đây cũng là cơ hội để trường rà soát lại các tiêu chí, tiêu chuẩn để sớm được công nhận kiểm định chất lượng giáo dục trong thời gian tới. 
Công tác kiểm định chất lượng GDNN được xác định là một trong những công cụ quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện nay khi mà dạy nghề đang hướng tới đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động, và thực hiện đào tạo theo cơ chế hợp đồng lao động gắn với giải quyết việc làm, góp phần tạo việc làm cho người lao động, thì vấn đề kiểm định chất lượng GDNN càng được chú trọng.
ThS Phạm Tấn Khoa,
Trưởng đoàn khảo sát chính thức phục vụ đánh giá ngoài
Theo Thúy Hằng
Báo Phú Yên Online