Trên thực tế, có rất nhiều bạn nữ đam mê các ngành kỹ thuật, công nghệ nhưng lại e ngại khi lựa chọn học những ngành như Điện, Cơ khí hay Điện tử vì lý do “chân yếu tay mềm”, hay lo sợ học những ngành này sẽ mất đi nữ tính, học ngành kỹ thuật khô khan, suốt ngày vùi đầu vào nghiên cứu máy móc, thiết bị… không có thời gian cho bản thân và gia đình.

Khi xã hội ngày càng phát triển, các ngành công nghiệp được mở rộng thì nhu cầu về đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân kỹ thuật là rất lớn. Với triết lý “muốn thành công phải có đam mê” chưa bao giờ sai nên việc bạn là nữ sẽ không thể cản trở bạn thành công trong lĩnh vực Kỹ thuật nếu như bạn có đam mê.
Điện tử công nghiệp là ngành học liên quan đến các kiến thức về Điện, Điện tử …bao gồm các chuyên ngành nhỏ như: Điện tự động, Điện tử viễn thông, Cơ điện tử… Sinh viên theo học ngành này sẽ có khả năng thiết kế, xây dựng, vận hành, sử dụng và bảo trì các thiết bị Điện, Điện tử trên các máy móc thiết bị hay trên dây chuyền sản xuất. Do đặc thù của chuyên ngành phải tạo cho mình tính cẩn thận, tỉ mỉ, ngăn nắp, thực hành khéo léo, yêu thích sửa chữa và làm việc với những máy móc thiết bị dụng cụ… nên sức mạnh cơ bắp chỉ là điều thứ yếu. Chính bởi vậy, sự cẩn thận, tỉ mỉ là vô cùng quan trọng, đức tính này thì các bạn nữ nổi trội hơn. Tâm lý chung xưa nay là ngành kỹ thuật nên dành cho nam, tuy nhiên trên thực tế, có những vị trí trong ngành kỹ thuật nữ làm sẽ tốt hơn.
Do vậy các bạn nữ học ngành Điện tử công nghiệp là một lựa chọn sáng suốt và đây cũng là “Xu hướng tất yếu đang rất phổ biến hiện nay”

* Không hề khô khan

Mặc dù học trong ngành được rất nhiều những bạn nam lựa chọn nhưng con gái vẫn không hề mất đi vẻ nữ tính, những bộ váy áo mềm mại vẫn được sử dụng khi không phải đi thực tế tại nhà máy, xí nghiệp, xưởng thực hành… Bản chất mềm mại, khéo léo, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam trong bạn sẽ mãi và không bao giờ mất đi.

Môi trường học tập

– Khoa Điện –Tự động hóa (Cơ sở 2 của Trường Cao đẳng Công thương Miền Trung) tọa lạc tại 01 đường Nguyễn Hữu Thọ, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Khuôn viên trường luôn rợp bóng mát, gồm hai tòa nhà B1 và B2 dùng để học lý thuyết và học thực hành, thí nghiệm với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại nhất. Đội ngũ Giảng viên là những Tiến sĩ đầu ngành cùng với thạc sĩ, kỹ sư với nhiều năm kinh nghiệm trong thực tế, tận tâm với nghề. Kí túc xá khang trang, sạch sẽ rất thuận tiện cho việc ăn ở và học tập của sinh viên.
– Chương trình đào tạo chuyên ngành Điện tử công nghiệp được biên soạn theo chuẩn quốc gia. Đây là chương trình nhằm đào tạo sinh viên phát triển toàn diện về đạo đức, về kiến thức chuyên môn và năng lực thực hành các công việc của nghề điện tử trong lĩnh vực công nghiệp, đáp ứng yêu cầu xã hội, thỏa mãn những điều kiện khắc khe của nhà tuyển dụng trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu, rộng.
– Sinh viên được thâm nhập thực tế, tham quan các nhà máy, công ty, xưởng sản xuất, đặc biệt sinh viên có 10 tuần thực tập tại các doanh nghiệp trước khi ra trường. Bên cạnh đó, sinh viên còn được phát triển các kỹ năng mềm như ngoại ngữ, tin học, kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, hoạt động xã hội, hoạt động phát triển cá nhân toàn diện để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
– Chương trình đào tạo có tính liên thông giúp sinh viên học lên Đại học chỉ mất 1.5 năm để nâng cao trình độ và từ đó học tiếp lên Cao học.

Lớp CĐ Điện tử 41 thực tập tại Công ty Colgate Bình Dương

* Hàng độc trong lớp

Ở môi trường mà phần lớn là các bạn nam theo học thì đương nhiên sự quan tâm sẽ dồn hết về phía bạn. Không như vậy sao được khi trong một tập thể toàn “đầu đinh”. Sự véo von tiếng hát của một nữ nhi nào đó ắt hẳn sẽ trở thành tâm điểm chú ý của mọi người và khi bạn cần giúp đỡ thì tất cả đều sẳn sàng, nhất là những ngày kỷ niệm của Phụ nữ bạn sẽ được tung hô…

Sinh viên: Nguyễn Thị Thịnh là nữ duy nhất trong lớp CD Điện tử 41-Trường Cao đẳng Công thương Miền trung

* Vị trí việc làm
– Vị trí việc làm sau khi ra trường: Các nhà máy sản xuất linh kiện, lắp ráp sản phẩm điện tử, các dây chuyền sản xuất tự động; Các doanh nghiệp dịch vụ, sửa chữa và bảo trì sản phẩm điện tử công nghiệp; Bộ phận chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp cung cấp thiết bị điện tử cũng như tìm hiểu, phát triển, ứng dụng điện tử công nghiệp vào đời sống hằng ngày.
– Ngoài ra sinh viên có thể làm thương mại, tự khởi nghiệp hoặc xuất khẩu lao động qua các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Vì vậy, nếu bạn là nữ và còn đang băn khoăn trước quyết định có nên lựa chọn ngành Điện tử công nghiệp hay không thì hãy tự mình trả lời những câu hỏi như: Bạn có thật sự đam mê ngành Điện tử không? Bạn có thích lắp ráp, chế tạo không? Bạn có thích tham gia các quy trình vận hành, điều khiển máy móc, thiết bị không? …Và nếu như tất cả các câu trả lời đều là có thì bạn hoàn toàn phù hợp với ngành này./.

ThS. Trần Thị Kim Phượng

Trưởng bộ môn: Kỹ thuật Điện tử

TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG MIỀN TRUNG – KHỞI ĐẦU GIẤC MƠ NGHỀ NGHIỆP
Đăng ký trực tuyến