Sinh ra và lớn lên tại thành phố Sông Công – Thái Nguyên xa xôi, chàng trai Lê Văn Hòa sinh năm 1979 ngày ấy chắc không bao giờ nghĩ sẽ có lúc mình đi xa quê đến vậy. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh được 2 người bác sống tại Phú Yên đưa vào vùng đất nắng gió này để đi học sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Khi đó, mặc dù ở Phú Yên có vài Trường đào tạo nghề nghiệp với các ngành nghề khác nhau, nhưng anh đã quyết định chọn học ngành Trung cấp Điện tại trường Trung học Kỹ thuật Công nghiệp Tuy Hòa. Đó là năm 1998.
Chọn khối ngành kỹ thuật vì sở thích từ bé và cũng vì thực tế đó là ngành rất dễ kiếm việc làm cho dù thị trường lao động có sự thăng trầm. Lúc bấy giờ cơ sở vật chất Nhà trường còn còn thiếu thốn, song anh vẫn vừa học vừa tự mày mò nghiên cứu thêm, thường xuyên liên hệ với các giáo viên để được mượn thật nhiều sách vở, tài liệu phục vụ học tập. Sau khi tốt nghiệp, anh Hòa có dự định ở lại đất Phú và cũng bén duyên với con gái Phú Yên nhưng rồi vì nhiều nguyên cớ anh lại khăn gói trở về Sông Công để bắt đầu sự nghiệp của người đàn ông trưởng thành.
Anh Lê Văn Hòa, người đứng bên trái ảnh trong lần tham gia Hội thảo DN
Tôi khá bất ngờ khi anh chọn khởi nghiệp bằng cách tự mình mở cơ sở kinh doanh sửa chữa đồ điện ngay khi trở về quê vào giữa năm 2002. Bất ngờ bởi lẽ, thứ nhất, anh chỉ là sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm anh không có nhiều; thứ 2, gia đình anh khá khó khăn, anh không thể có nguồn tài trợ để sắm sửa đầy đủ những vật dụng cần thiết cho việc hành nghề của mình. Tôi gặng hỏi thật tế nhị, anh lại trả lời nhẹ tênh: “chương trình đào tạo của Nhà trường rất bài bản và anh đã được thầy cô nhiệt tình chỉ dạy nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết và anh tin ở khả năng của mình, còn tiền thì anh vay ngân hàng mà, có làm sẽ có tiền, có tiền sẽ trả ngân hàng và tiếp tục phát triển”. Dám nghĩ dám làm với tinh thần lạc quan là điều khiến tôi phục anh. Anh là ông chủ của chính mình, cơ sở của anh chuyên sửa chữa các thiết bị điện, quấn các loại động cơ điện và dụng cụ điện cầm tay. Nói nghe nhẹ nhàng nhưng thực sự thời gian đầu rất vất vả, anh vừa làm thợ vừa tự học thêm, bởi khi làm thực tế sẽ phải va vấp với nhiều tình huống, công việc mà trong Nhà trường chưa bao giờ dạy. Chính vì thế, anh tìm cách tạo mối quan hệ với các bác thợ lâu năm để nâng cao tay nghề. Vậy là anh vừa làm kinh tế mà vẫn gắn với đam mê. Miệt mài làm việc tích lũy kinh nghiệm, tích lũy tài chính, cơ sở sửa chữa của anh ngày càng phát triển, anh thuê thêm nhân công phụ giúp, vừa quản lý vừa tự mình sửa chữa. Anh đã từng bước đi lên với đôi tay nghề vững chắc.
Khi tiềm lực tài chính và nguồn nhân lực đã đủ, tháng 07/2011, anh quyết định thành lập công ty do anh làm Giám đốc và lấy tên là Công ty TNHH điện máy Trang Trúc Mai chuyên buôn bán thiết bị máy móc vật liệu điện, máy xây dựng phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, thiết bị khí nén thủy lực… cung cấp cho thị trường toàn tỉnh Thái nguyên và các tỉnh lân cân khu vực miền núi phía Bắc. Về phần dịch vụ, anh vẫn duy trì nền tảng ngành Điện: sửa chữa và quấn các loại động cơ điện và dụng cụ điện cầm tay khác. Công ty anh có 12 công nhân chuyên làm nhiệm vụ này. Anh nói nhẹ nhõm mà nghe thấm thía: “anh đi lên từ ngành kỹ thuật nên anh không bao giờ từ bỏ nó vì vậy vẫn kinh doanh buôn bán và duy trì sửa chữa kỹ thuật”. Chỉ 4 năm gần đây vì công tác quản lý bận rộn nên anh mới ngừng việc tự tay sửa chữa các thiết bị điện và giao hoàn toàn cho nhân viên.
Liên lạc với anh qua điện thoại thôi nhưng cái cách anh nói chuyện về trường lớp, về các thầy cô xưa nghe ấm áp trìu mến lắm bởi đó là một phần ký ức của anh, là nơi cho anh khởi nguồn một nghề nghiệp góp phần cho tương lai rạng rỡ của anh. Anh bảo anh vẫn còn thuộc bài dân ca “Than thân” của người Phú Yên, vẫn nhớ lắm Núi Nhạn giữa lòng phố thị, Đá Bia mây phủ vẫn hiện hình trong nỗi nhớ… như Chế Lan Viên đã viết “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Phần nhiều những thầy cô dạy anh nay đã ở tuổi hưu trí nhưng ký ức về anh sinh viên Thái Nguyên vẫn còn đậm nét lắm bởi tính cách mạnh mẽ và ý chí học tập của anh.
Anh nói thật khiêm tốn: “anh thấy mình cũng bình thường thôi mà, rất nhiều các bạn cựu sinh viên khác hơn anh xa”. Tôi nghĩ thước đo sự thành đạt không hoàn toàn nằm ở giá trị thặng dư anh tạo ra. Nhiều khi sự thành đạt nằm ở việc nuôi dưỡng khát vọng và khả năng thực hiện khát vọng đổi đời bằng nền tảng tri thức, đôi tay chăm chỉ và ý chí cầu tiến. Và qua đây một lần nữa chứng minh thêm cho chúng ta thấy rằng “không nhất thiết phải có một tấm bằng đại học mới có thể khởi nghiệp để đi tới con đường thành công”.
Anh Thư