Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung tiền thân là Trường Trung học chuyên nghiệp Địa chất 2, thành lập ngày 01/08/1978 theo Quyết định số 281-QĐ/TC của Tổng cục Địa chất.
Ngày 21/12/1991, Trường được đổi tên thành Trường Trung học Kỹ thuật Công nghiệp Tuy Hòa theo quyết định số 575/CNNg-TC của Bộ Công nghiệp nặng.
Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa được thành lập trên cơ sở Trường Trung học Kỹ thuật Công nghiệp Tuy Hòa theo quyết định số 5073/QĐ-BGD&ĐT ngày 09/9/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quyết định số 3339/QĐ-BCN ngày 13/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương).
Và đến ngày 6/2/2018 Trường chính thức được đổi tên thành Trường Cao Đẳng Công Thương miền Trung theo Quyết Định số 122/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động Thương Binh & Xã hội.
Với chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, bên cạnh những thành tựu lớn lao là sự kiên cường, đoàn kết của cán bộ viên chức cùng nhau vượt qua khó khăn thách thức, đồng lòng xây dựng một MITC vững mạnh. Toàn bộ quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường được tái hiện cụ thể qua 4 giai thoại:
- Nơi khởi nguồn nhịp đập
“Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Câu thơ đầy tính triết lý nhưng cũng thực tế đến vô cùng của nhà thơ Hoàng Trung Thông như thể viết cho chúng tôi, những người tiên phong dựng nghiệp trên mảnh đất nắng gió Trung bộ để xây dựng ngôi trường Trung học chuyên nghiệp Địa chất 2.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam thống nhất một nhà, nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp cán bộ kỹ thuật phục vụ cho việc tìm kiếm, thăm dò khoáng sản ở phía Nam, Tổng cục Địa chất quyết định thành lập thêm trường Trung cấp Địa chất.
Thầy Nguyễn Thanh – Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường, cùng 05 giáo viên thành lập Ban trù bị, đi vào miền Nam tìm cơ sở để thành lập trường |
Tổng cục giao cho thầy Nguyễn Thanh làm trưởng ban, cùng 05 giáo viên thành lập Ban trù bị, khăn gói đi vào miền Nam tìm cơ sở để thành lập Trường.
Những bữa cơm độn sắn, những gian khó dọc dài dải đất miền Trung khắc nghiệt đến tận phương Nam xa xôi không ngăn trở bước chân ngững người tìm đường năm ấy. Như thể là mối duyên lành, mảnh đất “Đất lành chim đậu” – thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Phú Yên) được các thầy lựa chọn để thành lập trường Trung học chuyên nghiệp Địa chất II, nơi khởi nguồn của ngôi nhà lớn MITC.
Vị trí trường là cồn cát sân bay Chóp Chài xưa ngổn ngang phế liệu chiến tranh, hoang sơ nắng gió. Ngày đầu thành lập, lớp học là mái tranh vách nứa, bàn ghế hỏng xin từ các đơn vị bạn về sửa chữa để dùng. Đỉnh Chóp Chài như một trong những chứng nhân cho từng bước đi nhọc nhằn buổi ban sơ của Trường. Nhưng cơ sở vật chất như thế cũng là tạm ổn so với ngày ấy. Thử thách kế tiếp là tìm người học cho mùa tựu trường đầu tiên. Dấu chân những người thầy lại in trên mọi nẻo đường đất nước tìm người học. Và kết quả mùa tuyển sinh đầu tiên được 100 học sinh gồm 3 lớp: Thủy văn, Địa chất và Khoan thăm dò.
Tất cả là thành quả của những nỗ lực không mệt mỏi với tinh thần “Tất cả cho tuyển sinh” của những người thầy tâm huyết, luôn coi việc Trường như việc nhà, xem sự nghiệp giáo dục là trọng trách vinh quang mà Đảng và Nhà nước giao phó. Đó là chiến thắng của tinh thần Đoàn kết, sẻ chia vượt qua khó khăn-xem tập thể là nhà.
Mùa tuyển sinh đầu tiên được 100 học sinh gồm 3 lớp: Thủy văn, Địa chất và Khoan thăm dò
- Ba lần vượt “bão”
Những năm đầu gian khó, thử thách có lúc gần như đẩy trường tới bờ “vực thẳm”, có giai đoạn tưởng chừng trường phải giải thể, sáp nhập, thế nhưng bằng niềm tin và ý chí sắt đá, chúng ta đã chèo lái đưa con thuyền MITC vượt qua sóng gió.
Những năm 80 của thế kỷ XX, trong bối cảnh tuyển sinh ngành Địa chất gặp nhiều khó khăn, đời sống cán bộ giáo viên vô cùng thiếu thốn, trường nhiều năm tuyển sinh chỉ đạt 25-30% chỉ tiêu của Nhà nước giao. Số lượng CBVC gần bằng số lượng học sinh có mặt trong trường. Trong một cuộc họp về đào tạo của Tổng cục Địa chất, có 6/7 Cục, Vụ đề nghị giải tán trường.
Về phía nhà trường, với niềm tin phải gây dựng và tiếp tục phát triển, chúng ta đến các Liên đoàn của ngành đang hoạt động ở phía Nam, xin ý kiến. Tất cả lãnh đạo các Liên đoàn địa chất đều kiến nghị với Tổng cục bằng văn bản, đề nghị không giải tán trường Địa chất 2. Trong cuộc họp với đồng chí Tổng cục trưởng, có đại diện các Cục, Vụ, nhà trường đã trình bày ý kiến của các Liên đoàn. Cuộc họp kết thúc nhanh chóng với niềm vui vô hạn khi đồng chí Trần Đức Lương kết luận: Trường Địa chất 2 không bị giải thể.
Đến khi sáp nhập Tổng cục Địa chất với Bộ Công nghiệp nặng, lại có ý kiến sáp nhập trường với trường Dầu khí ở Bà Rịa Vũng Tàu, tuy nhiên sau khi đồng chí Trần Đức Lương, lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng làm việc với đồng chí Trần Lum, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, thế là trường một lần nữa được đứng vững.
Lần thứ ba, Bộ Công nghiệp nặng sắp xếp lại mạng lưới trường. Vụ tổ chức cán bộ dự kiến đưa trường về Cục địa chất và chuyển thành Trường đào tạo nằm cạnh Liên đoàn 5. Nhà trường đề nghị Cục Địa chất và đồng chí Giã Tấn Dĩnh, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, một lần nữa Trường vượt qua cửa hẹp, tiếp tục đứng vững cùng ngọn Chóp Chài hiên ngang …
Ngày 21/12/1991, Trường được đổi tên thành Trường Trung học Kỹ thuật Công nghiệp Tuy Hòa theo quyết định số 575/CNNg-TC của Bộ Công nghiệp nặng
Trong thập niên 90, nhu cầu nhân lực địa chất bắt đầu bão hòa, việc thay đổi từ trường đào tạo đơn ngành sang đa ngành là nhu cầu cấp thiết. Được sự ủng hộ của Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép đổi tên trường từ Trung học Chuyên nghiệp Địa chất II thành Trung học Kỹ thuật Công nghiệp Tuy Hòa và mở rộng ngành nghề đào tạo. Từ trường đào tạo đơn ngành trong lĩnh vực địa chất, giờ đây đã trở thành trường đào tạo đa ngành trong nhiều lĩnh vực khác như: cơ khí, điện, hóa phân tích, kế toán, tin học, …
Trong giai đoạn này, quy mô đào tạo của Nhà trường tăng từ hơn 100 học sinh lên đến hàng ngàn. Đây cũng là một bước đệm vững chắc để nâng cấp thành trường cao đẳng ở giai đoạn tiếp theo. Từ chính niềm tin, sự năng động, tình yêu nghề của các thế hệ cán bộ viên chức đã giúp trường vượt qua những tháng ngày gian khổ để xây dựng và phát triển ngôi trường MITC thân yêu.
- Vững bước đi lên
“Khi lượng đã đủ, thì ắt sẽ có sự thay đổi về chất”. Sự phát triển của trường Trung học kỹ thuật Công nghiệp Tuy Hòa đòi hỏi phải mở rộng nâng cấp quy mô nhà trường. Năm 2005, trong xu thế phát triển chung của cả nước, nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trở nên cấp thiết đối với tỉnh Phú Yên và các tỉnh trong khu vực. Với nền tảng cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ nhà giáo đã được chuẩn bị qua nhiều năm, việc nâng cấp thành trường cao đẳng mở ra cơ hội lớn để Nhà trường phát triển hà hội nhập. Đề án nâng cấp trường từ trung cấp lên cao đẳng đã được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý nâng cấp thành trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, tiến hành đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ cao đẳng và các trình độ thấp hơn.
Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa được thành lập trên cơ sở Trường Trung học Kỹ thuật Công nghiệp Tuy Hòa theo quyết định số 5073/QĐ-BGD&ĐT ngày 09/9/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Như cá gặp nước, quy mô ngành nghề và số lượng học sinh, sinh viên liên tục tăng qua các năm, có thời điểm lưu lượng học sinh, sinh viên nhà trường đạt gần 10.000 với gần 40 ngành đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp.
Từ lúc khởi đầu, Nhà trường phải nhờ cơ sở vật chất của cơ quan quân sự, sau chuyển về 261 Nguyễn Tất Thành với diện tích 2,3 ha, với sự phát triển nhanh chóng trường đã được tỉnh cấp thêm 13,3ha (năm 2005). Hiện nay, Trường có 2 cơ sở đào tạo với diện tích 15,6 ha, gần 50.000m2 diện tích xây dựng.
Thời cơ luôn đi kèm với thách thứ, đó là yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của học sinh, sinh viên tốt nghiệp, sự cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đào tạo, sự khẳng định uy tín và vị thế của nhà trường trong sự vận động, phát triển kinh tế xã hội của địa phương và khu vực.
Từ năm 2015, sự thay đổi về cơ chế cùng nhiều yếu tố khách quan khác, thời điểm này con đường vào Đại học trở nên khá dễ dàng dẫn tới số lượng học sinh, sinh viên theo học bậc Cao đẳng sụt giảm, Nhà trường bước vào một giai đoạn khó khăn mới, công tác tuyển sinh đặt lên hàng đầu, với mục tiêu phải duy trì, đạt chỉ tiêu hàng năm, đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo. Mặc dù có những khó khăn, thử thách, nhưng với truyền thống vượt khó và tinh thần ý chí, nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo, CBGV, Nhà trường đã vươn lên một tầm cao mới và quyết tâm hoàn thành sứ mệnh đã đặt ra.
- Vươn mình ra khơi
Thế giới bước vào kỷ nguyên 4.0, kỷ nguyên của kết nối, hội nhập và phát triển, tiếp tục những cơ hội và thách thức mới cho hệ thống giáo dục cả nước nói chung và công tác đào tạo của nhà trường nói riêng. Chúng ta dừng lại, chúng ta sẽ tự đào thải. Vận dụng tối đa nguồn lực sẵn có nhà trường quyết tâm đưa con thuyền MITC ra khơi, vươn mình hòa cùng dòng chảy thế giới.
Năm 2017, quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp có sự thay đổi, theo đó, các trường cao đẳng (trừ các trường đào tạo giáo viên) được chuyển sang quản lý thống nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Nhìn nhận tầm quan trọng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của đất nước, các cơ quan quản lý tập trung đầu tư các trường theo hướng ngành nghề trọng điểm và chất lượng cao. Trường được vinh dự đứng vào Top các trường cao đẳng chất lượng cao Việt Nam đến năm 2025. Triển khai đào tạo 7 ngành trọng điểm cấp độ Quốc tế, Asean, Quốc gia. Chất lượng đào tạo của Trường, thành công của người học luôn được Trường quan tâm đặt lên hàng đầu trong các nội dung của kế hoạch chiến lược phát triển. Việc thay đổi tên gọi của trường để tương xứng với quy mô, năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Tháng 3 năm 2018 đánh dấu mốc son khi Trường chính thức đổi tên thành Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung.
Ngày 6/2/2018 Trường chính thức được đổi tên thành Trường Cao Đẳng Công Thương miền Trung theo Quyết Định số 122/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động Thương Binh & Xã hội
Quy mô đào tạo với hơn 4000 học sinh, sinh viên, nhà trường mở rộng hợp tác với các đối tác CHLB Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc trong đào tạo ngành nghề và hỗ trợ du học, xuất khẩu lao động. Đặc biệt chương trình chất lượng cao, chuẩn Quốc tế chuyển giao từ CHLB Đức cho ngành Cắt gọt kim loại đang được triển khai thí điểm sẽ góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước.
Các chương trình khởi nghiệp, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp được tổ chức hàng năm, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia, là nơi ươm mầm cho những dự án khởi nghiệp; chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội; Đào tạo STEAM góp phần tạo nên diện mạo mới của MITC đó là giá trị cốt lõi của nhà trường: CHẤT LƯỢNG – CHUYÊN NGHIỆP – SÁNG TẠO – TRÁCH NHIỆM – HỘI NHẬP.
Suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển, với những câu chuyện, những giai thoại chân thực, tất cả đều xuất phát từ niềm tin, từ nội tại, từ tình yêu với ngôi trường Cao đẳng Công Thương miền Trung. Bao khó khăn không làm chùn bước các thế hệ cán bộ, giáo viên nhà trường, chính những thử thách đó càng tiếp lửa cho truyền thống, cho ý chí vượt khó, vươn lên của nhà trường; để đến hôm nay, nhìn lại những thành quả to lớn, đó là cả một niềm tự hào và là nền tảng để chúng ta vững tin xây dựng thương hiệu MITC vươn ra biển lớn.
* THÔNG TIN LIÊN HỆ
Tên bằng tiếng Việt: Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung;
Tên giao dịch quốc tế: MIENTRUNG INDUSTRY AND TRADE COLLEGE;
Tên viết tắt: MITC;
Trụ sở chính: 261 Nguyễn Tất Thành, phường 2, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Cơ sở 2: 01, Đường Nguyễn Hữu Thọ, phường 9, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
– Điện thoại: 0257.38.28.248
– Fax: 0257.38.28.156
– HotLine: 086.929.1168
– Website: Mitc.Edu.vn
– E-mail: Support@Mitc.edu.vn
* Ngày truyền thống của Trường: ngày 15 tháng 10
* Bộ chủ quản: Bộ Công Thương.
Trường có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.