TRẮC ĐỊA VÀ NHỮNG BƯỚC NGHỀ VỮNG CHẮC

Trong đợt đầu nhập học của tân sinh viên khóa 40, tôi có dịp tiếp xúc em Phạm Nhật Hồng, chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật Trắc địa. Được biết lý do em chọn ngành này vì được sự định hướng của người cậu hiện đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Tò mò về “người dẫn đường”, tôi hỏi thăm và được biết người cậu tên Nguyễn Văn Hải, là cựu sinh viên của trường chuyên ngành Kỹ thuật Trắc địa. Liên lạc được với Hải và biết thêm một câu chuyện đời đáng trân trọng.

            Nguyễn Văn Hải sinh năm 1983 tại Nam Định, là con trai út trong gia đình có 4 người con. Cuộc sống miền Bắc những năm ấy vô cùng khó khăn; năm 1990, sau nhiều trăn trở, người bố quyết định đưa cả gia đình về Tuy Hòa, Phú Yên (khi ấy còn là thị xã) để lập nghiệp mưu cầu một sự đổi thay. Bố của Hải khi đó là công nhân lái xe phân khu sửa chữa cầu đường Phú Yên. Sự bươn chải nhọc nhằn của người cha cũng không đưa gia đình thoát cảnh khó khăn. Nhưng cũng chính từ sự khốn khó ấy đã rèn giũa cho Hải tính tự lập và sự mạnh mẽ, gan góc.Tốt nghiệp Trung học phổ thông, Hải có ý định nhập ngũ, một cách để đỡ một gánh nặng gia đình, để được rèn luyện bản thân nhưng vì nhiều lý do Hải không trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Hải đậu vào trường Đại học kỹ thuật Đà Nẵng chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng cầu đường, một ngành mà chàng trai gốc Nam Định rất yêu thích. Cầm giấy báo nhập học trên tay, cảm giác sung sướng chen lẫn nỗi lo về những ngày sắp tới. Người cha không đồng ý cho con vào Đại học vì ông không đủ khả năng tài chính đảm bảo cho con những năm giảng đường. Cái cảm giác phải từ bỏ khát vọng nó đau đớn và giằng xé vô cùng. Bằng nghị lực tuổi trẻ, Hải quyết định phải học bằng mọi giá dù có xung đột với bố. Những năm Đại học, Hải phải bươn chải nhiều việc để trang trải mọi chi phí học tập như làm công nhân cầu đường, nhân viên giao hàng, bốc vác…

          Nhưng dường như đã quá sức với chàng trai trẻ, đến năm học thứ 4 thì Hải buộc phải nghỉ vì không còn khả năng chi phí học hành. Nghỉ học, Hải đi làm vệ sĩ chuyên nghiệp 2 năm ở công ty Nam Thiên Long. Sự tự lập từ khi còn bé luôn khiến Hải hầu như chủ động trong mọi suy nghĩ và tự quyết định cuộc đời mình. Sau 2 năm làm vệ sĩ, đến năm 2005, Hải làm việc cho Công ty TNHH Tư Vấn Khảo Sát Thiết Kế Miền Trung trong vai trò phụ thiết kế nhờ những năm học ngành Xây dựng cầu đường. Trong thời gian làm việc tại đây, Hải được tiếp xúc và biết về nghề Trắc địa. Một lần nữa, Hải quyết định phải đi học. Nguyễn Văn Hải chọn học tại trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (nay là trường Cao đẳng Công Thương miền Trung) , hệ Trung cấp chuyên nghiệp, ngành Công nghệ kỹ thuật Trắc địa. Hải cho biết “học phí 1 khóa học Trắc địa (2 năm) bằng học phí 1 học kỳ ở Đại học ngành Cầu đường mà mình đã học và phải học để có cái nghề thực thụ, bài bản; học để đa dạng công việc và để thay đổi cuộc sống”.

         Vừa làm vừa học, đến năm 2009, Hải tốt nghiệp Trung cấp. Cũng trong năm này, Hải kết hôn với người bạn học cùng trường chuyên ngành Hóa phân tích. “Mình cưới vợ khi trong tay chỉ có 6 triệu đồng. Đám cưới nghèo nhưng tràn đầy hạnh phúc”. Hải may mắn có người vợ biết yêu thương, thông cảm và sẻ chia. Năm 2010 Hải trở ra Bắc làm việc cho Công ty CP Công Nghệ Nguyễn Kim ở Hà Đông – Hà Nội. Nhưng làm việc tại đây không bao lâu thì Hải trở lại Tuy Hòa với người vợ trẻ mới cưới và ứng tuyển vào Công ty TNHH Thiện Tín có trụ sở ở phường 2. Hải muốn nâng cao trình độ kiến thức ngành nghề nên anh quyết định học liên thông Cao đẳng chuyên ngành Kỹ thuật trắc địa khóa 33 tại trường CĐCN Tuy Hòa (nay là trường Cao đẳng Công Thương miền Trung). “Mình rất thích học, vợ mình cũng hiểu được điều này nên khuyến khích nhiều lắm. Lại bắt đầu quãng đường vừa học vừa làm. Thấy gia đình thiếu thốn, nhiều lúc chỉ muốn lo làm việc kiếm tiền nhưng vợ mình lại động viên cố gắng hoàn thành việc học”. Năm 2012, Hải tốt nghiệp Cao đẳng liên thông ngành Công nghệ kỹ thuật Trắc địa và về đầu quân cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bản Thái trụ sở ở Hà Đông – Hà Nội, một lần nữa lại xa gia đình nhưng đi xa có thể có thu nhập cao hơn nên phải chấp nhận. Giai đoạn này, Hải là Trắc Địa chính hướng dẫn thi công gói số 5 dự án hầm đường bộ qua đèo Cả, thi công cầu số 2 (tại thôn Hảo Sơn) và cầu số 3 (tại Vạn Giã, Vạn Ninh, Khánh Hoà). Đến cuối năm 2014, Hải lại quay về làm việc tại Phú Yên để theo học lớp liên thông Đại học Trắc Địa bản đồ do trường Đại học khoa học Huế liên kết đào tạo tại trường CĐCN Tuy Hòa. Một lần nữa, Hải lại là sinh viên dưới mái trường đầy kỉ niệm này. Năm 2016, Hải tốt nghiệp Đại học sau rất nhiều những nỗ lực, những vất vả, khó khăn, Hải chia sẻ: “Nhiều lúc nghĩ lại không hiểu sao mình có thể bước được đến nấc thang như ngày hôm nay”. Đến tháng 2/2017, Hải chuyển qua làm việc tại công ty TNHH Xây Dựng Phùng Thịnh ở Sài Gòn. Hải là một trong những phụ trách Trắc địa chính của công ty. “Cố một thời gian nữa rồi về cùng với vợ con bắt đầu một cuộc sống mới. Mình đang dần hoàn thiện giấc mơ về học vấn, về nghề nghiệp, về một mái ấm thực sự cho vợ con…”.
Hải nói mình và trường dường như là “duyên” với nhau. Mình đi lên từng bậc học tại trường rồi cưới vợ cũng người cùng trường. Nơi đây cho mình một cái nghề, một nhân cách, mình đi khắp nơi và vẫn tự hào cựu sinh viên trường Cao đẳng Công Thương miền Trung.

Anh Thư