Chân dung người thành đạt từ tấm bằng Công nhân kỹ thuật
Khoa Cơ khí – Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung ra đời từ tiền thân là tổ Khoan-Cơ khí, trường Trung học Địa chất 2. Từ năm 1992 đến nay, có hơn 25 khóa với hàng ngàn học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường. Phần lớn các em làm việc ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn ở phía Nam: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu…, một số em làm việc ở các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên và Miền Bắc với cương vị Giám đốc doanh nghiệp, trưởng bộ phận, giáo viên, cán bộ, công nhân, nhân viên…
Trong quá trình giảng dạy, một số học sinh, sinh viên đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho Thầy Cô giáo. Nhiều học sinh học giỏi, vượt khó, chăm ngoan, đạo đức tốt, biết quan tâm đến người khác làm cho Thầy Cô rất tin tưởng và tự hào, trong số đó có em Nguyễn Sỹ Nguyên, quê quán huyện Tư Nghĩa- Quảng Ngãi, học sinh lớp CK95 (vào trường năm 1995). Tôi ấn tượng với cậu học trò có dáng thư sinh, khuôn mặt sáng láng ngồi ở dãy bàn gần cuối, phía trái lớp học. Nguyên sáng dạ, thông minh nhưng học chưa hết sức mình nên không phải là học sinh đứng đầu lớp, mãi sau này em tâm sự là em đậu đại học nhưng gia đình không có điều kiện nên học công nhân và bởi xung quanh mình, các bạn chơi nhiều hơn học nên em có phần nản chí, lơ là việc học. Tuy nhiên em sớm tự nhận ra rằng không thể để tình trạng này kéo dài nên thời gian rỗi, em tranh thủ học thêm Anh văn và vi tính, các môn này là thứ quá xa xỉ ở thời điểm 1995, khi mà cái đói, cái nghèo còn vây bủa và cái tư tưởng học những thứ đó để làm gì vẫn đang tồn tại.
Khi bạn bè mải chơi thì em lao vào học nên tốt nghiệp ra trường, em đã có chứng chỉ tin học và ngoại ngữ trong tay. Cơ may đã đến khi em trúng tuyển vào Công ty Hyundai Vinashin Co, Ltd của Hàn Quốc đóng tại Ninh Hòa – Khánh Hòa. Chính cái vốn ngoại ngữ đã mở ra cho em con đường mới, sau một thời gian ngắn làm việc, em được lãnh đạo công ty người Hàn Quốc tin tưởng giao cho làm công tác quản lý mà dưới em có nhiều kỹ sư tốt nghiệp từ các trường đại học có tiếng trong nước. Ban đầu em thấy lo lắng và có phần mặc cảm, nên em cố gắng miệt mài làm việc để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tế, và tiếp tục học Anh văn vào ban đêm.
Bước ngoặt đối với em khi công ty cho em sang Hàn Quốc học và em được cấp bằng kỹ sư. Ngẫm lại em thấy rằng bên cạnh sự may mắn thì cơ hội không dễ đến với người không có tinh thần cầu tiến, không chịu học.
Sau khi có bằng Kỹ sư và nhiều chứng chỉ Quốc tế về ngành đóng tàu, kiểm định tàu biển, nhiều cơ hội nghề nghiệp mở ra với em, em được đi học, đi công tác ở một số nước và được một “sư phụ” người Nhật đỡ đầu và truyền bá nhiều bí quyết, kinh nghiệm nghề nghiệp mà dù có nhiều tiền cũng không mua được ở bất cứ nơi nào, người nào.
Từ các đối tác làm việc, em học và khai thác được rất nhiều thứ: chuyên môn; cung cách làm việc chuyên nghiệp; tuyển chọn nhân sự; hạch toán tài chính… nhất là ở Công ty Bureau ở Việt Nam, là Công ty con của Bureau Veritas của Pháp (công ty cung cấp các dịch vụ kiểm định, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận hàng đầu thế giới, được thành lập từ năm 1828). Từ những bài học thực tế, em đúc kết thành kinh nghiệm và từng bước trưởng thành, kể cả bài học từ sự thất bại do mình chủ quan, coi thường đối tác, trong đó có đối tác nữ là người nước ngoài mà trình độ chuyên môn và thực tế của người ấy thuộc dạng bậc thầy của mình nhưng em lại nghĩ nông cạn là phụ nữ thì làm gì đạt trình độ gần như tột đỉnh về kiểm định chất lượng mối hàn công nghệ cao trong ngành tàu biển?
Một ngày giữa tháng 8 năm 2013, tôi đi du lịch ở Nha Trang, Cô giáo gặp lại trò cũ sau 15 năm kể từ ngày em tốt nghiệp. Bao nhiêu ký ức cũ lại tràn về. Thầy trò chúng tôi tay bắt mặt mừng vì trước đây thỉnh thoảng em có gọi điện thăm Thầy, Cô và qua thông tin từ bạn bè của em, tôi biết được em không ngừng phấn đấu và có bước tiến vững chắc trong sự nghiệp, nhưng ai cũng bận công việc nên chưa gặp nhau.
Ngẫu nhiên trong buổi gặp gỡ hôm đó, em nhận được Email hợp đồng từ Công ty Raffles Shipmanagement Services Pte Ltd , Singapore mời em làm việc về lĩnh vực quản lý dự án tàu biển Quốc tế với mức lương“khủng“(5.000 USD/tháng), trụ sở đặt tại Ninh Hòa, Khánh Hòa. Phải vượt qua nhiều đối thủ khác có kinh nghiệm và trình độ cao, em mới được chọn vào vị trí này. Phải làm việc với trọng trách cao và nhiều áp lực, thử thách nhưng em tin rằng em sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Em vui mừng mở cho tôi xem qua CV của em, với bằng Kỹ sư và rất nhiều giấy chứng nhận, giấy khen, biểu dương … do nước ngoài cấp bên cạnh bằng Công nhân Cơ khí bậc 3/7 của trường Trung học Kỹ thuật công nghiệp Tuy Hòa (nay là trường Cao đẳng Công Thương miền Trung) xem bản hợp đồng vừa được ký. Tôi chợt hiểu vì sao em đánh bại được nhiều ứng viên khác và trở thành người duy nhất được tuyển chọn.
Em chân thành kể rằng em rất quý tấm bằng Công nhân kỹ thuật – vì đó là nền móng vững chắc tạo lên những bước khởi đầu quan trọng trong cuộc đời em. Khi mới ra trường, làm quản lý và điều hành nhiều Kỹ sư và hàng trăm công nhân, em không hề giấu là em chưa tốt nghiệp đại học mà chỉ có bằng cấp Công nhân. Nhưng những gì em làm được, thể hiện được đã nói lên tất cả. Em luôn tự hào về ngôi trường Trung học Kỹ thuật công nghiệp Tuy Hòa (nay là trường Cao đẳng Công Thương miền Trung) và những Thầy Cô giáo đã chấp cánh ước mơ cho em.
Bằng sự nỗ lực và không ngừng học tập của bản thân, đến nay ở tuổi 40, em đã có khả năng chuyên môn, bề dày kinh nghiệm được các Công ty nước ngoài rào đón, trọng dụng và em hiện có một công việc mà nhiều người mơ ước. Ngoài việc lo cho gia đình riêng của mình ở Nha Trang, em còn phụng dưỡng cha mẹ già ở quê và giúp các em mình ăn học đến nơi đến chốn. Điều đáng quý là Nguyên rất gần gũi, cởi mở với bạn bè đã từng học chung một mái trường, có tinh thần dìu dắt, giúp bạn và thế hệ đàn em cùng trường trong công việc và cứu trợ lũ lụt ở quê em. Đó là điều mà tôi luôn nhắc nhở các em học sinh sinh viên bởi vì phần lớn các em được đến trường và trưởng thành từ các vùng nông thôn, từ sự hy sinh, từ những giọt mồ hôi mặn của mẹ cha đã đổ xuống ruộng đồng.
Th.S Đỗ Ngọc Xuân
Nguyên Giảng viên Khoa Cơ khí