Khi xã hội chưa dành nhiều lựa chọn với việc học nghề, thì việc trường nghề nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp sẽ đóng vai trò quyết định trong việc thu hút học sinh đến với nghề.
Điểm thi cao vẫn chọn học nghề
Với mục tiêu tăng cường hiểu biết cho học sinh, sinh viên (HSSV) về ngành nghề và cơ hội việc làm, đồng thời tăng cường sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung vừa tổ chức Chương trình giao lưu giữa tân HSSV với doanh nhân thuộc các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại chương trình giao lưu, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung đã trao 5 suất học bổng toàn phần cho 5 sinh viên có điểm thi tốt nghiệp THPT từ 18 điểm trở lên nhập học tại trường trong năm học 2020. Với sự hỗ trợ này, các sinh viên không phải chi trả học phí trong 3 năm học tập tại trường.
Với 24,3 điểm (khối A) đạt được trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Nguyễn Văn Cần ở xã Xuân Bình (TX Sông Cầu) dễ dàng trúng tuyển vào bất kỳ một trường đại học công lập top trên, song nam sinh này chọn học nghề Điện công nghiệp tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung. Cần cho biết: “Khi em quyết định học cao đẳng tại một trường địa phương, bạn bè em đều ngạc nhiên, còn với em việc chọn học cao đẳng đã được xác định ngay từ đầu tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, với mục tiêu đơn giản là rút ngắn thời gian học tập và sớm có việc làm”.
Cùng mục tiêu như Cần, các tân sinh viên Phạm Minh Phúc ở thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) 22,6 điểm; Ngô Thúc Hào ở phường 1 (TP Tuy Hòa) 21 điểm; Nguyễn Khánh Hưng ở TP Kon Tum 19,45 điểm; Lê Thị Thao ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) 18,05 điểm, lần lượt chọn học các nghề Công nghệ ô tô, Điện lạnh, Cơ khí và Kế toán cũng được nhận học bổng toàn phần của trường. Tân sinh viên Nguyễn Khánh Hưng chia sẻ: “Qua tìm hiểu, em biết lao động có tay nghề về lĩnh vực cơ khí luôn rất thiếu nên em không ngại khó khi từ Kon Tum xuống Tuy Hòa thuê nhà trọ học nghề, dù điểm thi của em thừa sức vào đại học”.
Điều đặc biệt ở 5 sinh viên “từ chối vào đại học để học nghề” này là hoàn cảnh gia đình các em không quá khó khăn để phải chọn học nghề như nhiều người thường nghĩ. Các em chọn học nghề chỉ đơn giản đây là con đường ngắn nhất để tự lập, theo đuổi nghề nghiệp mình yêu thích. “Một khi đã chọn học nghề em sẽ cố gắng rèn thật vững tay nghề. Nếu đã cứng tay nghề thì lo gì không có chỗ làm việc”, tân sinh viên Phạm Minh Phúc tự tin nói.
Hiểu nghề sẽ yêu nghề đã chọn
Tại chương trình giao lưu, gần 1.000 tân HSSV vừa nhập học khóa 43 của Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung năm 2020 được các doanh nhân thuộc các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh như Công ty CP Viễn thông FPT chi nhánh Phú Yên, Công ty TNHH Năng lượng Nam Thành Phát, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina… thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, về nhu cầu nguồn nhân lực và các tiêu chuẩn lựa chọn, tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Điểm nổi bật của chương trình là phần tư vấn hướng nghiệp quá trình học nghề có sự tương tác giữa chuyên gia, doanh nghiệp và HSSV. Nội dung tư vấn nêu rõ được tâm tư của nhà tuyển dụng, đồng thời chỉ rõ cho sinh viên những kỹ năng quan trọng cần có trong quá trình học cũng như lúc phỏng vấn và khi làm việc. Từ những chia sẻ kinh nghiệm thực tế và những lời khuyên của doanh nghiệp, giúp các tân HSSV khóa mới sẽ có định hướng cụ thể và rõ ràng hơn cho tương lai, chủ động trong học tập và trau dồi các kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Long Vina, cho hay: Học ngành nghề nào cũng vậy, các em cần có mục tiêu, kế hoạch học tập cụ thể, bắt đầu từ việc hình thành kiến thức ngay từ khi trên lớp và chuẩn bị kỹ càng kỹ năng làm việc với nghề đã chọn. Một khi các em hiểu rõ năng lực của mình, hiểu rõ nghề mình học thì thành công sau này của các em sẽ rất cao. Công ty luôn “rộng cửa” chào đón các em thực hành, thực tập cũng như tuyển dụng vào làm việc khi các em tốt nghiệp.
Tại chương trình giao lưu, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho biết luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho sinh viên thực tập, làm việc. Hy vọng sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ giúp HSSV không chỉ có kiến thức hàn lâm mà còn có kỹ năng làm việc thực tế, giúp người học định hướng nghề nghiệp tốt hơn, chuẩn bị kỹ càng cho hành trang sau khi ra trường của mình.
Sự gắn kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp ngày càng có sự mở rộng cả chiều rộng và chiều sâu, chặt chẽ và lâu dài. Hiện hầu hết các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đều cam kết với người học về việc làm sau khi ra trường. Theo đó, HSSV tốt nghiệp được nhà trường giới thiệu việc làm hoặc doanh nghiệp đến liên hệ tuyển dụng đều có công việc ổn định, thu nhập khá. Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp và tạo việc làm cho người lao động, sự liên kết này được kỳ vọng sẽ đem lại những bứt phá mới cho giáo dục nghề nghiệp.
Ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp)
THS NGUYỄN VĂN ĐỨC, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG MIỀN TRUNG: Đào tạo cái xã hội cần chứ không phải cái mình có
Vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo rất quan trọng đối với cơ sở đào tạo nghề vì môi trường sản xuất kinh doanh sẽ hỗ trợ cho người học kinh nghiệm làm việc và góp phần điều chỉnh chương trình đào tạo của nhà trường. Thực hiện phương châm “Nhà trường đào tạo cái xã hội cần chứ không phải đào tạo cái trường có”, những năm gần đây, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung đẩy mạnh hợp tác gắn kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm phục vụ công tác đào tạo lý thuyết và thực hành, thực tập nâng cao trình độ, bổ sung nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp khi sinh viên tốt nghiệp.
Hiện tại, hơn 150 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đặt mối quan hệ với nhà trường nên nhà trường tự tin cam kết đảm bảo 100% HSSV sau khi tốt nghiệp đều có việc làm.
Chương trình giao lưu giữa các doanh nhân với tân HSSV đầu khóa là một hoạt động trong khuôn khổ gắn kết chặt chẽ, hợp tác sâu rộng giữa nhà trường với các doanh nghiệp cho các chương trình đào tạo của trường, cũng như cầu nối trao đổi giữa HSSV với doanh nghiệp, doanh nhân.
Thông qua chia sẻ của doanh nghiệp sẽ giúp cho người học có định hướng nghề nghiệp tốt hơn, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp khi học nghề.
ÔNG NGUYỄN NHƯ CHÂU, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH NĂNG LƯỢNG NAM THÀNH PHÁT (TP TUY HÒA): Đào tạo gắn thực hành sẽ chủ động trong cung cấp nhân lực
Tôi là cựu HSSV nghề Điện công nghiệp của Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung. Học nghề và tôi đã thành công với nghề. Từ kinh nghiệm của mình tôi muốn gửi gắm đến các tân HSSV, đó là trình độ kiến thức chuyên môn là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Ngoài kiến thức, các bạn phải nâng cao kỹ năng sống của bản thân.
Đây là điều kiện quan trọng nhưng lại thường rất thiếu đối với người học hiện nay. Từ khả năng giao tiếp – thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý thời gian, đến khả năng sáng tạo và đổi mới… đó luôn là những yếu tố mà các bạn cần phải rèn luyện và trải nghiệm ngay từ trong quá trình học tập.
Còn về phía doanh nghiệp, trước yêu cầu cạnh tranh về nguồn nhân lực, buộc các doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ hợp tác thường xuyên với nhà trường, đồng thời cũng khiến các cơ sở đào tạo phải chú trọng hơn đến nhu cầu của thị trường, nhu cầu của doanh nghiệp, để đào tạo nhân lực đáp ứng ngay được với vị trí công việc được tuyển dụng. Khi các trường đào tạo nghề kết hợp với doanh nghiệp từ đầu vào tới đầu ra, đào tạo gắn thực hành sẽ chủ động cung cấp nhân lực tốt nhất cho doanh nghiệp.