Ngày 1 và 2/10, tại TP Tuy Hòa, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đây là một trong các hoạt động theo nhiệm vụ thuộc Đề án 844 của Bộ KH-CN. Đồng thời trường cũng được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) chọn tổ chức Hội thi Khởi nghiệp cấp vùng Nam Trung Bộ – Startup Kite 2020.
Đây là dịp để kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp và doanh nghiệp sáng tạo kết nối thị trường, tiếp cận các nhà đầu tư. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng nhà trường xung quanh vấn đề này.
* Ông có thể cho biết rõ hơn về nội dung và mục đích của hội thảo lần này?
Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần này là dịp để kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực miền Trung – Tây Nguyên, và kết nối các thành phần trong hệ sinh thái bao gồm các chuyên gia, mentor, nhà đầu tư, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách; tạo sân chơi cho học sinh sinh viên (HSSV), thanh niên trong khu vực phát huy các ý tưởng khởi nghiệp, tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp và doanh nghiệp sáng tạo kết nối thị trường, tiếp cận với các nhà đầu tư.
Trong hai ngày, với các hoạt động như trưng bày gian hàng của các nhóm, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hội nghị kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hội nghị kết nối học viên, giảng viên nguồn, chuyên gia, mentor; hội nghị kết nối đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp cấp khu vực Nam Trung Bộ – Startup Kite 2020 hứa hẹn sẽ đem đến những cơ hội thật sự cho HSSV, các nhóm, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
* Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung tổ chức nhiều năm qua có ý nghĩa hết sức đặc biệt trong việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, tạo cầu nối hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động GD-ĐT, khởi nghiệp. Theo ông, việc tham gia sân chơi này của HSSV trên địa bàn tỉnh như thế nào?
Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp là một hoạt động thường niên của nhà trường và đã nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực từ HSSV trên địa bàn tỉnh, cũng như sự hỗ trợ nhiều mặt cả về vật chất lẫn tinh thần từ các doanh nghiệp và các đơn vị trong và ngoài tỉnh.
Chính sự quan tâm, đồng hành đó đã giúp cuộc thi trở nên sôi nổi hơn, củng cố thêm niềm tin, khích lệ, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão của các em để phát huy sự sáng tạo, biến ý tưởng thành hiện thực.
Qua 4 năm tổ chức đã có hơn 100 dự án tham gia tranh tài, càng về gần đây, số lượng dự án tham gia càng nhiều và có sự đầu tư cơ bản tốt về chất lượng, đặc biệt năm nào, các dự án đạt giải từ cuộc thi này cũng lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia và lọt vào các dự án được chú ý trên toàn quốc và đã kêu gọi được vốn đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý tưởng đã được hiện thực hóa thì vẫn còn không ít ý tưởng gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai, chưa có nhiều mô hình khởi nghiệp thành công.
Rất nhiều dự án của HSSV tham gia cuộc thi nhưng chưa có chiều sâu, trong quá trình tham gia các em vẫn còn khá thụ động. Nhưng điều đó là bình thường khi tỉ lệ thành công của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay đang rơi vào khoảng 10%.
Tham gia vào các phong trào Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp không có nghĩa là các em đều sẽ hiện thực hóa ý tưởng và khởi nghiệp thành công, mà cuộc thi sẽ giúp cho các em có những bước tiến trưởng thành và nhanh chóng làm chủcuộc đời mình, đồng thời rèn luyện các kỹ năng cần thiết nhằm ứng biến với tình hình thị trường lao động trong thời đại công nghệ mới.
* Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1665/QĐ-TTg phê duyệt đề án Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025. Sau gần ba năm triển khai, ông đánh giá thế nào về việc thực hiện đề án này trong các cơ sở đào tạo nói chung, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung nói riêng?
– Mục tiêu của đề án là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho HSSV trong thời gian học tập tại các nhà trường. Đồng thời tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp.
Có thể nói trong những năm gần đây, các cơ sở đào tạo đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho HSSV, nhiều dự án tham gia các cuộc thi khởi nghiệp các cấp và đạt giải, được tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp thành công, biến ý tưởng thành hiện thực.
Tuy nhiên để hiệu quả hơn nữa thì đề án cần được các cơ sở đào tạo triển khai đồng bộ, các trường phải có sự kết nối thực sự sâu rộng với doanh nghiệp, với các nhà đầu tư, các chuyên gia, với các bộ, ngành; làm sao để đến năm 2025 chúng ta sẽ xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện.
Tôi tin rằng chỉ có sự “kết nối” mới tạo ra một sức mạnh lớn, đưa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trở thành một phong trào rộng khắp và mang tới hiệu quả thực sự cho HSSV, để các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã có những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo và được hỗ trợ triển khai ngay vào thực tế, biến ước mơ thành hiện thực. |
Đối với Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, xác định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những hoạt động quan trọng nhằm xây dựng môi trường học tập năng động, nâng cao chất lượng đào tạo, hỗ trợ việc làm sau khi ra trường cho người học, nên ngay từ đầu, nhà trường đã thành lập Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp và Đổi mới sáng tạo, đây là nền tảng cơ bản cực kỳ quan trọng quyết định đến sự thành công của cả chương trình.
Trung tâm bước đầu đã kết nối thành công ba nhà: nhà hoạch định chính sách, nhà trường và doanh nghiệp. Hiện trung tâm đã hình thành mạng lưới với 20 chuyên gia cố vấn cao cấp, 50 chuyên gia chuyên ngành, 20 doanh nhân xuất sắc.
Đây được xác định là nguồn nhân lực hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của trung tâm trong việc tư vấn, định hướng, xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm cho các cá nhân, nhóm khởi nghiệp. Qua đó góp phần cùng các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức và các sở, ban ngành tạo nên được hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp trong khu vực.
* Vậy để giúp sinh viên khởi nghiệp thành công, theo ông cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý cần có những giải pháp gì?
Từ những ý tưởng tiềm năng ban đầu của HSSV, để hỗ trợ hiện thực hóa là cả một quá trình, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cùng với các doanh nghiệp tại địa phương.
Đối với các cơ quan quản lý, cần tạo cơ chế thông thoáng về chủtrương, chính sách, quy trình nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các cá nhân, các nhóm, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trong quá trình triển khai cần định hướng phối hợp giữa các đơn vị, tập trung các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, kết nối chặt chẽ, tránh sự rời rạc giữa các đơn vị với mục tiêu chung là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện, khơi dậy phong trào khởi nghiệp rộng khắp.
Đối với các cơ sở đào tạo, cần đưa hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trở thành hướng đi nhất quán, coi đây là một trong những kỹ năng đào tạo cần thiết cho HSSV, có thể đưa hẳn các giáo trình khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, như các giáo trình “Hướng dẫn kỹ năng lập dự án kinh doanh” nhằm giúp HSSV biết cách nhận thức về kinh doanh, hình thành, sàng lọc và lựa chọn ý tưởng kinh doanh;
“Khởi sự doanh nghiệp” là cơ sở giúp HSSV khi có dự án mong muốn thành lập doanh nghiệp có những kiến thức căn bản về thành lập doanh nghiệp.
Thường xuyên tổ chức các hội thảo giúp các em hình thành nên các ý tưởng sáng tạo và các kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp thành công; đồng thời qua đó kết nối chuyên gia hỗ trợ tư vấn chiến lược, kết nối nhà đầu tư để các em có thể tiếp cận với các nguồn vốn, kết nối giữa các chủdoanh nghiệp đã thành công chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp với các em.
* Xin cảm ơn ông!