Khởi nghiệp đang là chủ đề nhận được nhiều quan tâm tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh quốc gia hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới. Khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo sự tăng trưởng kinh tế, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao và đa dạng của xã hội, tạo ra nhiều việc làm cho cộng đồng và xã hội.
Đối với trường Cao Đẳng Công Thương Miền Trung, xác định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những hoạt động quan trọng nhằm xây dựng môi trường học tập năng động, nâng cao chất lượng đào tạo, hỗ trợ việc làm sau khi ra trường cho người học, nên ngay từ đầu, nhà trường đã thành lập Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp và Đổi mới sáng tạo, đây là nền tảng cơ bản cực kỳ quan trọng quyết định đến sự thành công của cả chương trình.
Trung tâm bước đầu đã kết nối thành công ba nhà: nhà hoạch định chính sách, nhà trường và doanh nghiệp. Hiện trung tâm đã hình thành mạng lưới với 20 chuyên gia cố vấn cao cấp, 50 chuyên gia chuyên ngành, 20 doanh nhân xuất sắc.
Đây được xác định là nguồn nhân lực hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của trung tâm trong việc tư vấn, định hướng, xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm cho các cá nhân, nhóm khởi nghiệp. Qua đó góp phần cùng các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức và các sở, ban ngành tạo nên được hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp trong khu vực.
Trong tháng 10 và 11/2020 vừa qua, dự án khởi nghiệp: Trồng và kinh doanh hoa cúc lưới theo công nghệ cao của tác giả Nguyễn Thị Lan Trinh, sinh viên năm 2 của trường Cao Đẳng Công Thương Miền Trung vinh dự đạt giải nhất vòng bán kết khu vực Nam Trung Bộ và giải khuyến khích vòng chung kết diễn ra vào ngày 23-24/11/2020 tại TP Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2020.
Startup Kite là hoạt động nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kích thích óc sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh; thúc đẩy việc ứng dụng kiến thức, kỹ năng được trang bị trong nhà trường vào cuộc sống; đồng thời kết nối các dự án có tính khả thi cao với các nhà đầu tư.
Startup Kite 2020 được tổ chức ba vòng: Vòng sơ tuyển, bán kết và chung kết. Vòng bán kết diễn ra tại các khu vực trên cả nước, gồm: Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Tại mỗi khu vực, ban tổ chức chọn ra 3 ý tưởng để tham dự vòng chung kết. Tại vòng thi này, các thí sinh/ nhóm thí sinh tham gia thuyết trình và phản biện với Ban giám khảo là đại diện các doanh nghiệp trong khu vực để bảo vệ ý tưởng của mình.
Đang là sinh viên năm 2 ngành Công nghệ thực phẩm, nhưng Nguyễn Thị Lan Trinh đã nuôi dưỡng ước mơ làm giàu từ trồng và kinh doanh hoa cúc lưới theo công nghệ cao. Nữ sinh viên được nhận học bổng toàn phần của Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, chia sẻ: Hoa cúc lưới được trồng chủ yếu ở Đà Lạt nên việc vận chuyển một quãng đường xa đến nơi tiêu thụ sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, hạn chế sức mua của người tiêu dùng. Việc trồng hoa này tại địa phương sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội, góp phần mạnh mẽ vào sự phát triển làng hoa của địa phương. Dự án đã thuyết phục hoàn toàn ban giám khảo và xuất sắc đạt giải nhất và đại diện cho khu vực Nam Trung Bộ tham gia vòng chung kết toàn quốc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tại vòng thi quyết định Chung kết, 37 đội thi cùng tranh tài trên nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, du lịch, cơ khí – công nghệ ứng dụng, kinh doanh thương mại, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo và tự động hoá… Các đội thi cùng thuyết phục, thương thuyết với nhà đầu tư để huy động vốn, đồng thời cũng xử lý những tình huống do Ban giám khảo đưa ra. Tại vòng này, nhà đầu tư có quyền đưa ra quyết định “có” hoặc “không” đầu tư, tương tự thí sinh cũng có quyền đồng ý hoặc từ chối nhận đầu tư. Dự án Trồng và kinh doanh hoa cúc lưới theo công nghệ cao của tác giả Nguyễn Thị Lan Trinh, vinh dự được nhận giải khuyến khích, một động lực to lớn cho em được bước tiếp con đường mình đã chọn.
Ngoài ra, tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên GDNN năm 2020 còn có gần 50 gian hàng trưng bày đến từ 40 trường cao đẳng, trung cấp nhằm giới thiệu về trường và các dự án khởi nghiệp. Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung tham gia với gian hàng trưng bày các sản phẩm khoa học công nghệ do trường trực tiếp nghiên cứu và sáng chế trong thời gian qua. Trường vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng LĐ-TB-XH: là một trong 29 đơn vị có thành tích xuất sắc trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên GDNN năm 2020.
Thêm vào đó, cũng trong chương trình này, tại hội thảo: Kết Nối Nguồn Nhân Lực Hỗ Trợ Học Sinh Sinh Viên Giáo Dục Nghề Nghiệp Thời Kỳ 4.0, thầy Trần Kim Quyên, hiệu trưởng nhà trường cũng đã có bài báo cáo tham luận về kết nối và hỗ trợ cho học sinh sinh viên Nhà trường khởi nghiệp, được đánh giá rất cao tại buổi hội thảo.
Về phía nhà trường, cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp là một hoạt động thường niên từ 4 năm qua và đã nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực từ HSSV trên địa bàn tỉnh, cũng như sự hỗ trợ nhiều mặt cả về vật chất lẫn tinh thần từ các doanh nghiệp và các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Chính sự quan tâm, đồng hành đó đã giúp cuộc thi trở nên sôi nổi hơn, củng cố thêm niềm tin, khích lệ, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão của các em để phát huy sự sáng tạo, biến ý tưởng thành hiện thực.
Trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục đồng hành cùng các em học sinh sinh viên để tạo thêm nhiều sân chơi hơn nữa cho sinh viên khởi nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động thực tiễn hiện nay.
Ảnh Nhật Tiến