Trong ngày hôm nay 6/5, tại cơ sở 2, trường Cao đẳng Công Thương miền Trung đang diễn ra đợt Tập huấn sử dụng phần mềm mô phỏng quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyển giao từ trường Quản lý Skolkovo, LB Nga cho các cơ sở giáo dục nghề nghệ trên địa bàn tỉnh Phú Yên và Bình Định.
Đợt tập huấn lần này có sự tham gia của 30 cán bộ quản lý cấp cao đến từ 4 trường: Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung, Trường Cao đẳng Nghề, Trường Cao đẳng Y, Trường Cao đẳng Cơ Điện- Xây Dựng& Nông Lâm Trung Bộ (Bình Định). Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trở lại, tất cả người tham dự đều được rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt bằng máy tự động tại cổng trường và tuân thủ mang khẩu trang trong suốt quá trình tập huấn diễn ra.
Phát biểu tại buổi tập huấn, TS. Trần Kim Quyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công Thương miền Trung nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc ứng dụng phần mềm vào thực tế. Theo đó, phần mềm giúp các trường giải quyết nhiều nội dung như phân tích nhu cầu của thị trường lao động; giới thiệu các sản phẩm đào tạo mới ra thị trường; điều chỉnh các chương trình, quy trình đào tạo và hỗ trợ đào tạo; thực hiện các chương trình đào tạo; xây dựng mối quan hệ đối tác, theo dõi và giám sát kết quả… Từ đó giúp lãnh đạo, cán bộ quản lý các trường có những kỹ năng cần thiết trong việc quản lý, điều hành nhà trường hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của mỗi trường nói riêng và cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói chung.
Tại đợt tập huấn, mỗi trường sẽ làm việc theo nhóm 5 người, mỗi người sẽ đóng vai trò như một hiệu trưởng, dựa trên các kịch bản dữ liệu mô phỏng như: số lượng sinh viên hiện có, số sinh viên đầu vào, nguồn tài chính, các ngành nghề hiện có, nhu cầu xã hội,… để đưa ra các quyết định về chỉ tiêu tuyển sinh, các ngành tuyển sinh trong năm tới,…. Phần mềm sẽ đưa ra đánh giá về các quyết định trên, đồng thời đưa ra những nhận xét và phản hồi, giúp nhà quản lý chủ động, đưa ra những quyết định chuẩn xác nhất khi gặp các tình huống tương tự trong thực tế.
Phần mềm mô phỏng các hoạt động quản lý cơ sở GDNN là một đề xuất sáng tạo cho việc nâng cao chất lượng quản lý cơ sở GDNN, góp phần đảm bảo mục tiêu của dự án toàn cầu về “Tăng cường kỹ năng làm việc thúc đẩy thương mại theo Chiến lược đào tạo của G20” do Liên bang Nga tài trợ thực hiện nhằm triển khai chương trình phát triển kỹ năng nghề tại Việt Nam với mục tiêu làm cầu nối giữa hoạt động đào tạo với tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm bền vững.
Theo kế hoạch, đợt tập huấn bao gồm 4 buổi làm việc, mỗi đội sẽ phải hoàn thành 6 bài tập mô phỏng trước khi kết thúc vào buổi chiều ngày mai 7/5/2021.
Bảo Hậu
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG MIỀN TRUNG – KHỞI ĐẦU GIẤC MƠ NGHỀ NGHIỆP