Đó là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Công điện 1300/CĐ-TTg mới đây. Theo đó để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động phục hồi, phát triển nền kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân, các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước tiếp tục phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tích cực, hiệu quả, không chủ quan, lơ là.
Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.
Tính đến 9h00 ngày 25/9/2020, theo thống kê của worldometers.info:
*Thế giới: 32.401.660 người mắc; 987.156 người tử vong, 23.919.041 người khỏi bệnh.
215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
– Việt Nam đứng thứ 165/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 7/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
* Việt Nam: 1069 ca mắc COVID-19
Trong đó:
– Số ca điều trị khỏi: 991 ca.
– Số ca tử vong: 35 ca
Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay
|
Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng
|
Số TH đang được cách ly tập trung
|
Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế
|
378
|
691
|
15.239
|
6.603
|
1. Tính đến 9h ngày 25/9: Việt Nam có tổng cộng 378 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
+ Từ 18h ngày 24/9 – 6h sáng 25/9: ghi nhận 0 ca mắc mới.
2. Số ca bình phục trong 24h qua: 0 ca.
3. Số ca tử vong tới nay: 35 ca.
4. Số ca tiến triển tốt:
– Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 4 ca.
– Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 14 ca.
-Số ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2: 12 ca
5. Số người cách ly: 21.842 người.
– Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.653 người.
– Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 13.586 người.
– Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 6.603 người.
6. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 378 ca
7. Số ca mắc mới liên quan tới Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca
8. Nhận xét:
– Đến 9h sáng ngày 25/9, toàn thế giới đã vượt quá 32 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 987.000 người đã tử vong, dịch bệnh đã xuất hiện ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện đã có gần 24 triệu người khỏi bệnh.
Hiện nay, Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với hơn 7.000.000 ca nhiễm và hơn 200.000 ca tử vong. Ở châu Á, số ca nhiễm tại Ấn Độ tiếp tục tăng trong ngày 24/9, ghi nhận 85.919 ca nhiễm mới và 1.144 ca mới tử vong do COVID-19 trong 24h qua. Tổng số ca nhiễm và tử vong tại Ấn Độ hiện là 5.816.010 ca và 92.317 ca.
– Tại Việt Nam, trong 1 ngày qua không ghi nhận thêm ca mắc mới nào. Đến nay, đã 23 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới tại cộng đồng. Việt Nam được cộng đồng quốc tế ngợi khen, cách tiếp cận của Việt Nam với đại dịch COVID-19 mang lại hiệu quả cao với chi phí thấp. Nhiều chuyên gia từ các trường đại học trên thế giới đã nghiên cứu về cách thức Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19. Việt Nam đã sử dụng chiến thuật đơn giản nhưng hiệu quả và đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho đồng bào dân tộc ở Hà Giang.
Mặc dù đã cơ bản kiểm soát các ổ dịch, tuy nhiên tại các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm vẫn còn, tại nhiều địa phương, vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân đối với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người…
Vũ trường, karaoke được mở lại tại Đà Nẵng: Từ 0h ngày 25/9, vũ trường, quán bar, karaoke, massage… là những dịch vụ cuối cùng ở thành phố được mở trở lại sau gần 2 tháng đóng cửa vì COVID-19. UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu chủ các cơ sở dịch vụ trên phải cam kết thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh
*Về công tác chỉ đạo, điều hành
Chiều 24/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay. Tại cuộc họp các chuyên gia cảnh báo 4 nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 ở nước ta. Đó là đối tượng nhập cảnh trái phép, đối tượng nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm túc quy định cách ly, giám sát y tế; nguồn bệnh lưu hành trong cộng đồng; một số mặt hàng nhập khẩu được sản xuất hoặc vận chuyển qua các nước có dịch bệnh. Trong đó, Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định nguy cơ lây nhiễm lớn nhất từ đối tượng nhập cảnh hợp pháp, không thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, giám sát y tế.
Theo đó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần:
– Rà soát, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch trong các hoạt động kinh tế – xã hội, bảo đảm rõ quy trình, thủ tục, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong thực hiện phòng, chống dịch, nhất là đối với các cơ sở y tế và quản lý người nhập cảnh khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế.
– Kịp thời hỗ trợ điều trị các ca bệnh nặng vượt quá khả năng ứng phó của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các bộ, ngành, địa phương.
– Hướng dẫn cụ thể việc bảo đảm an toàn các cơ sở y tế, có tiêu chí đánh giá an toàn đối với từng khoa, phòng và cả cơ sở y tế; tăng cường việc đăng ký khám bệnh qua mạng; siết chặt việc thực hiện phân luồng người đi lại giữa các khoa trong nội bộ cơ sở y tế; có phương án xét nghiệm, kết nối giữa các bệnh viện trong việc tiếp nhận, xét nghiệm, giới thiệu xét nghiệm người bệnh khi có biểu hiện bệnh COVID-19; hết sức chú trọng bảo đảm an toàn cho bệnh nhân nặng điều trị tại cơ sở y tế. Từng khoa, phòng thuộc cơ sở y tế, cơ sở y tế đều phải kiểm tra, đánh giá hàng ngày về mức độ bảo đảm an toàn của khoa, phòng, cơ sở y tế.
Người đứng đầu cơ sở y tế, cơ quan chủ quản của cơ sở y tế chịu trách nhiệm về kết quả phòng, chống dịch tại cơ sở y tế và địa bàn phụ trách.
Để tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Y tế khuyến cáo tiếp tục thực hiện các giải pháp như: Chỉ đạo các địa phương xây dựng các phương án tổ chức cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm COVID-19 và cách ly theo dõi sức khỏe phù hợp đối với nhóm đối tượng nhập cảnh khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, cộng đồng thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng, chống dịch trong tình hình mới, thực hiện tốt thông điệp 5K: Khẩu trang-khử khuẩn-khoảng cách-không tụ tập-khai báo y tế.
Các kịch bản, phương án ứng phó thường xuyên được cập nhật, sẵn sàng; phù hợp, hiệu quả với tình huống dịch bệnh; phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, nhà máy xí nghiệp…; tăng cường khám bệnh, chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, hướng dẫn đơn vị tuyến dưới khám bệnh, chữa bệnh.
Cùng với đó, Bộ Y tế đề nghị đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, cung ứng sinh phẩm xét nghiệm, chẩn đoán nhanh, vắc-xin trong nước; chủ động tiếp cận nguồn vắc-xin phòng COVID-19 trên thế giới; tiếp tục quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh qua biên giới, tổ chức thực hiện cách ly theo hướng dẫn của ngành Y tế…
* Về công tác điều trị, xét nghiệm:
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 991 bệnh nhân COVID-19/1.069 ca mắc. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 4 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 14 ca, số ca âm tính lần 3 là 12 ca.
Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này Việt Nam không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng. Số ca tử vong ở nước ta là 35 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.