Sau hơn 80 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng, ngày 30-11 Bộ Y tế có thông báo khẩn ghi nhận ca bệnh lây từ người đang trong quá trình tự cách ly.

Lịch trình phức tạp
Theo thông tin UBND quận Tân Bình gửi UBND TP.HCM về trường hợp bệnh nhân nam tên D.V.H., ngày 15-11 sau khi bay từ Nhật Bản về TP.HCM, bệnh nhân cùng tổ bay về khu cách ly ở phường 2, quận Tân Bình. 
Tại đây, H. ở cùng 1 đồng nghiệp. Kết quả xét nghiệm ngày 15 và 18-11 của cả 2 đều âm tính. Đồng nghiệp của H. đã được xét nghiệm lần 3 ngày 28-11 và vẫn có kết quả âm tính.
Riêng H., sau khi có kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 18-11 đã di chuyển về một khu khác cùng quận tiếp tục cách ly. Tuy nhiên, đến ngày 28-11 khi xét nghiệm lần 3 thì H. có kết quả dương tính với COVID-19.
Hồi cứu lịch trình của bệnh nhân D.V.H., quận Tân Bình cho biết khi về địa điểm tự cách ly, bệnh nhân H. ở cùng 2 người khác, 1 trong 2 người lại chuyển về địa điểm khác ở cùng mẹ và 3 em từ 20-11. 
Ngày 20-11, H. có gặp mẹ (hiện ở huyện Hóc Môn, TP.HCM) đến đưa thức ăn, cả 2 mẹ con đều đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Ngày 21-11, bệnh nhân H. có tiếp xúc với chị đang sống ở địa chỉ khác.
Bệnh nhân D.V.H. đã được đưa đến Bệnh viện dã chiến Củ Chi từ ngày 28-11. Tài xế chở bệnh nhân 2 thời điểm ngày 18 và 28-11 được đưa đi cách ly tại Trường Thiếu sinh quân Củ Chi, phong tỏa khu vực bệnh nhân sống và xét nghiệm 21 người có tiếp xúc với bệnh nhân. 
Trong số này có trường hợp sống cùng phòng bệnh nhân ở nơi bệnh nhân cách ly sau ngày 18-11 đã có kết quả dương tính với COVID-19 và là bệnh nhân 1.347.
Kết quả điều tra dịch tễ ban đầu của bệnh nhân 1.347 cho thấy trong thời gian từ ngày 18 đến 25-11, bệnh nhân 1.347 đã đi dạy tại Trung tâm Anh ngữ KEY English (59 Nguyễn Bá Tuyển, phường 12, quận Tân Bình) và chi nhánh khác ở quận 10, tới quán cà phê và quán karaoke. 
Tổng số tiếp xúc gần (F1) theo điều tra ban đầu là 38 (đã cách ly, lấy mẫu xét nghiệm), trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) là 154 (trong đó có 62 người ở quận Tân Bình và 92 người ở quận 10).
Qua báo cáo nêu trên cho thấy bệnh nhân D.V.H. tự cách ly chưa đúng quy định: có tiếp xúc với nhiều người và người đến ở chung với bệnh nhân trong thời gian cách ly đã bị lây bệnh (bệnh nhân 1.347), sau đó lại có tiếp xúc với người khác… (các tổ bay được tự cách ly sau 72 giờ cách ly tập trung và có 2 kết quả xét nghiệm âm tính).

 Người dân đều tự ý thức và đeo khẩu trang ở những nơi tiếp xúc đông người – Ảnh: DUYÊN PHAN

Không để lây nhiễm trong khu cách ly
Chiều 30-11, sau khi nhận thông tin có ca dương tính lây nhiễm từ người cách ly, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan, kết nối đầu cầu Sở Y tế TP.HCM để chỉ đạo triển khai khẩn cấp tất cả biện pháp phòng chống dịch nhằm khoanh vùng và kiểm soát lây nhiễm với trường hợp này.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo Sở Y tế TP.HCM khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp F1, F2 của các ca bệnh trên, thực hiện biện pháp cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp này. 
Cùng đó, bộ trưởng yêu cầu Sở Y tế TP.HCM thông báo khẩn với người dân đã đến những địa điểm mà bệnh nhân có mặt (như nơi dạy học, quán cà phê, quán karaoke) cần liên hệ ngay cơ quan y tế gần nhất.
TP.HCM phải tiến hành phong tỏa tạm thời các địa điểm mà bệnh nhân đã đến và thực hiện biện pháp tiêu độc khử trùng.
Lỗ nhỏ, đắm tàu lớn!
Có thể nhận thấy khi Bộ Y tế công bố ca lây nhiễm khi cách ly tối qua, mọi người đều cảm thấy khó hiểu. Quy định rõ ràng hạn chế tiếp xúc, thậm chí “đóng cửa” trong thời gian cách ly nhưng bệnh nhân lại tiếp xúc với đồng nghiệp.
Trong quá trình tự cách ly tại nhà trọ, bệnh nhân không hề được giám sát mà lại được tự do tiếp xúc trực tiếp với 3 người gồm: mẹ đẻ và 2 người bạn. Thậm chí, 1 trong 2 người bạn ấy còn tới sống cùng.
Với 1 người từ vùng dịch tễ về (Nhật Bản), khi chưa thể kết luận”sạch COVID-19“, nguy cơ từ việc phát tán nguồn lây rõ ràng là cực lớn. Và hậu quả đã đến.
Khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Việt Nam chủ động có ngay “hướng dẫn cách ly tại nhà, nơi lưu trú” nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ra cộng đồng.
Trong đó, có rất nhiều quy định về thời gian cách ly, trách nhiệm của người cách ly và người thân có người cách ly, cơ quan y tế và các cơ quan địa phương…
Thế nhưng, xem ra mọi quy định này chưa được thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Còn có sự lơ là, chủ quan và kể cả thiếu trách nhiệm với cộng đồng.
Trong khi mọi người đang từng ngày chung sức, mong đẩy lùi dịch bệnh và được thế giới đánh giá cao, đừng để một “lỗ nhỏ” gây “đắm tàu lớn”…
Lơi lỏng khu cách ly tự nguyện
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 30-11, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cũng lo ngại nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng từ những ca nhập cảnh là rất cao.
Theo ông Hạnh, trước đây hầu hết người nhập cảnh về cách ly tại khu cách ly của quân đội, tuân thủ nghiêm quy định trong thời gian cách ly.
Tuy nhiên, gần đây số cách ly tự nguyện tăng cao, tại Hà Nội hiện số cách ly tự nguyện là 1.500 người, trong khi cách ly tại khu của quân đội chỉ 300 người.
“Các khu cách ly tự nguyện rất đa dạng, từ khu lưu trú, có khách sạn 5 sao, 3 sao… đối tượng đa dạng nên nguy cơ cũng rất cao. Gần đây Hà Nội đã thành lập 5 đoàn thanh tra về công tác chống dịch, cơ bản các khu cách ly tự nguyện đã thực hiện nghiêm nhưng vẫn còn “lỗi” về xử lý rác, ghi chép thông tin sức khỏe…” – ông Hạnh nói.
Ông Hạnh cho rằng nếu không thực hiện cách ly đúng chuẩn, nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng không hề nhỏ, trong khi số mắc trên thế giới tăng cao, kéo theo số người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm dương tính cũng tăng theo.
Theo Báo Tuổi Trẻ

TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG MIỀN TRUNG – KHỞI ĐẦU GIẤC MƠ NGHỀ NGHIỆP

Đăng ký trực tuyến