Tính đến sáng 6-5 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận thêm gần 20.000 ca nhiễm virus corona chủng mới. Thành phố lớn đầu tiên của Brazil áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn dịch COVID-19 lan rộng. Tại Việt Nam không có ca nhiễm mới.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Indonesia dốc toàn lực chống dịch trong tháng 5-2020

Tổng thống Indonesia Joko Widodo yêu cầu các bộ trưởng trong nội các dùng “mọi biện pháp” cần thiết để đảm bảo dịch COVID-19 hạ nhiệt trong tháng này và số ca nhiễm giảm xuống thấp vào tháng 7-2020. Tuyên bố được đưa ra sau khi Indonesia chứng kiến số ca nhiễm mới trong ngày cao kỷ lục với 484 ca ngày 5-5.

Ông Widodo cũng chỉ thị các bộ trưởng đảm bảo gói kích thích kinh tế sẽ rót vào những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, dựa trên dữ liệu GDP của quý I năm nay.

Thái Lan ngày 6-5 thông báo chỉ có thêm 1 ca mắc COVID-19 mới – một phụ nữ trở về từ Nga, và 1 trường hợp tử vong. Nước này hiện có 2.989 ca bệnh, trong đó 2.761 người đã hồi phục, và 55 ca tử vong.

20 ngày Việt Nam không có ca mới lây nhiễm trong cộng đồng

Cập nhật lúc 6h ngày 6-5 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết 12 giờ qua Việt Nam không có ca nhiễm mới. Ngoài ra trong 20 ngày qua, Việt Nam không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng.

Tổng số ca nhiễm hiện tại vẫn là 271, trong đó 232 ca đã khỏi và ra viện, chỉ còn 39 ca đang điều trị. Trong số 39 ca này, hiện tại 9 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 2 lần trở lên.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 34.097, trong đó 245 người cách ly tập trung tại bệnh viện.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

COVID-19 có thể khiến thêm 1,4 triệu người chết vì bệnh lao

Các biện pháp phong tỏa trên toàn cầu chống COVID-19 đang đe dọa làm tăng mạnh số ca mắc lao phổi có thể giết chết thêm 1,4 triệu người đến 2025, chuyên gia phòng chống lao cảnh báo.

Lao phổi là bệnh truyền nhiễm giết người nhiều nhất thế giới với 1,5 triệu người chết trong năm 2018, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Kể từ khi có thuốc chống lao, việc đối phó với căn bệnh này tập trung chủ yếu vào việc xét nghiệm và điều trị càng nhiều càng tốt.

Tuy nhiên các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội hiện tại đang hạn chế việc xét nghiệm các nhóm người có nguy cơ cao và điều trị người mắc lao.

“COVID-19 gây khó khăn rất lớn cho chúng tôi. Càng nhiều người không được chẩn đoán và điều trị thì chúng ta càng có nhiều vấn đề trong những năm tới” – hãng tin AFP dẫn lời Lucica Ditiu, lãnh đạo tổ chức Stop TB Partnership.

Các mô hình dự đoán của Đại học Imperial College London (Anh) – dựa trên các dữ liệu bệnh lao tại những nước có tỉ lệ mắc lao cao là Ấn Độ, Kenya, Ukraine – cho thấy nếu thế giới phong tỏa trong 3 tháng và “hồi phục” trong 10 tháng, sẽ có thêm 6 triệu ca mắc lao phổi và 1,4 triệu người chết đến 2025.

WHO mới đây cho biết tỉ lệ phát hiện bệnh lao tại Ấn Độ đã giảm 75% trong giai đoạn phong tỏa và lo ngại khả năng bùng phát lao tại quốc gia tỉ dân này.

Anh vượt Ý về số ca tử vong vì COVID-19

Theo hãng tin AFP ngày 6-5, Anh đã vượt qua Ý khi ghi nhận đến 32.000 ca tử vong và trở thành quốc gia đứng thứ nhì về thiệt hại nhân mạng do COVID-19 trên toàn cầu. Mặc dù có sự chênh lệch so với AFP, con số do trang worldometers.info đưa ra cũng cho thấy Anh đang có nhiều ca tử vong hơn Ý, theo đó Anh có 29.427 ca tử vong còn Ý 29.315 ca.

Mỹ vẫn là nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất với 72.271 ca.

Quan chức y tế Mexico cho biết nước này đã ghi nhận thêm 1.120 ca nhiễm mới cùng 236 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 26.025 ca và 2.507 ca tử vong, theo Reuters. Tuy nhiên số ca xét nghiệm COVID-19 của Mexico khá thấp. Chính phủ nước này ngày 3-5 từng nói rằng số ca nhiễm thật sự của Mexico phải trên 104.000 ca, theo một mô hình thống kê.

Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia sáng 6-5 cho biết nước này chỉ ghi nhận thêm 2 ca nhiễm virus corona chủng mới và 20 ca nhiễm không triệu chứng trong ngày 5-5. Tổng số ca COVID-19 ở Trung Quốc là 82.883 ca và 4.633 người tử vong.

Hong Kong phát khẩu trang ngăn virus cho dân

Chính quyền Hong Kong cho biết sẽ phát loại khẩu trang đặc biệt có khả năng khống chế các loại vi khuẩn, virus thông thường và các chất gây hại khác. Loại khẩu trang này gồm nhiều lớp và có phủ một lượng nhỏ đồng để bảo vệ mũi và miệng khỏi các giọt bắn, có thể tái sử dụng 60 lần trước khi cần thay màng lọc.

Việc phát khẩu trang diễn ra trong bối cảnh Hong Kong chuẩn bị nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19 và 6 tháng sau khi đặc khu này thông qua luật cấm khẩu trang để đối phó với làn sóng biểu tình.

Hàn Quốc có số ca nhiễm mới thấp nhất trong 78 ngày

Từng là điểm nóng dịch COVID-19 của thế giới, Hàn Quốc không ghi nhận thêm ca lây nhiễm cộng đồng nào và có số ca mới thấp nhất trong 78 ngày qua khi trong ngày 5-5 chỉ có thêm 2 ca nhiễm mới, đều có nguồn gốc từ nước ngoài. Ngoài ra thêm 50 trường hợp hồi phục, nâng tỉ lệ hồi phục toàn quốc lên 86,4%.

Trong khi đó Nhật Bản có thêm 123 ca bệnh mới và 22 ca tử vong trong ngày 5-5, trong đó thủ đô Tokyo chiếm gần một nửa với 58 ca. Số ca bệnh tại nước này tăng mạnh trong tuần qua, lên đến 289 ca ngày thứ bảy 2-5 trước khi giảm dần vào đầu tuần này.

Mỹ thêm gần 20.000 ca nhiễm mới

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 5-5 cho biết nước này có thêm 19.138 ca nhiễm mới và 823 ca tử vong, đưa tổng số ca COVID-19 toàn quốc lên 1.171.510 ca và 68.279 người qua đời vì dịch bệnh.

Trong khi đó, theo trang worldometers.info đến 5h30 ngày 6-5 (theo giờ Việt Nam), Mỹ hiện có 1.235.458 ca nhiễm và 72.149 ca tử vong.

Thống đốc bang Texas Greg Abbott ngày 5-5 cho biết tiệm nail, hớt tóc và làm đẹp của bang có thể sẽ mở cửa lại vào ngày 8-5. Các phòng tập gym và tòa nhà văn phòng sẽ chính thức mở cửa từ ngày 18-5 với một số hạn chế nhất định.

Thông báo của ông Abbott được đưa ra trong bối cảnh bang Texas đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế đã áp đặt để ngăn dịch COVID-19 lây lan, theo Reuters.

Thống đốc Abbott cũng nói thêm rằng các doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ các quy tắc cụ thể về lực lượng lao động, như giảm số lượng chỗ ngồi trong văn phòng xuống còn 25% và yêu cầu người lao động thực hành giãn cách xã hội như cách nhau 2m.

Trong một diễn biến liên quan, các hãng hàng không Mỹ đang “đốt” hơn 10 tỉ USD mỗi tháng và chở trung bình ít hơn 20 hành khách trên mỗi chuyến bay nội địa vì tác động của dịch COVID-19.

Ngay cả sau khi đã cho nằm đất hơn 3.000 chiếc máy bay, tương đương gần 50% phi đội máy bay thương mại đang hoạt động tại Mỹ, thì các hãng hàng không của Mỹ, bao gồm 4 hãng hàng không lớn nhất nước, cũng chỉ chở trung bình 17 hành khách trên mỗi chuyến bay nội địa và 29 hành khách trên mỗi chuyến bay quốc tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tham quan cơ sở sản xuất khẩu trang tại bang Arizona vào ngày 5-5-2020 – Ảnh: REUTERS

Brazil thêm gần 7.000 ca nhiễm mới

Bộ Y tế Brazil ngày 5-5 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 6.935 ca nhiễm và 600 ca tử vong mới, nâng tổng số ca COVID-19 toàn quốc lên 114.715 ca và 7.921 ca tử vong. Các ca nhiễm mới tăng gần 6,4% so với chiều 4-5 trong khi số ca tử vong tăng gần 8,2%.

Sao Luis cũng đã trở thành thành phố lớn đầu tiên của Brazil bắt đầu lệnh phong tỏa vào ngày 5-5 để hạn chế sự lây lan của virus corona chủng mới. Theo đó, chính quyền thành phố cấm người dân ra khỏi nhà trừ khi thật cần thiết.

Hãng tin Reuters cho biết lệnh phong tỏa tại Sao Luis sẽ kéo dài đến 14-5.

Cho đến nay, Brazil là quốc gia bị dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nhất tại châu Mỹ Latin.

Colombia kéo dài thời hạn phong tỏa thêm 2 tuần 

Tổng thống Colombia Ivan Duque ngày 5-5 cho biết biện pháp phong tỏa đang áp dụng ở nước này sẽ được kéo dài thêm 2 tuần nữa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, theo Reuters. Cho đến nay, Colombia đã ghi nhận hơn 8.600 ca nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh COVID-19, dẫn đến cái chết của 378 người. 

Lệnh cách ly toàn quốc được chính phủ ông Duque ban hành từ ngày 24-3 và đã được gia hạn 2 lần. Dù quyết định kéo dài lệnh cách ly thêm 2 tuần nhưng ông Duque cho biết một số khu vực trong ngành công nghiệp và một số cửa hàng bán lẻ nhất định, như ôtô hay nội thất, có thể bắt đầu mở cửa trở lại.

Theo báo Tuoi trẻ Online