+ Công ty công nghệ sinh học Morderna (Mỹ) đã công bố dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Vaccine được tiêm vào cơ thể các tình nguyện viên từ giữa tháng 3, đến nay đã kéo dài được khoảng 2 tháng.
Theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ, cơ thể các tình nguyện viên đã hình thành kháng thể ngăn ngừa COVID-19. Nồng độ kháng thể vượt ngưỡng so với những người mà cơ thể tự hồi phục sau khi nhiễm virus.
Bác sĩ Tal Zaks, giám đốc bộ phận y tế của công ty Moderna, nói rằng vaccine sẽ xuất hiện đại trà kể từ tháng Giêng năm sau, nếu mọi chuyện suôn sẻ.
+ Tính đến 20h tối 19/5, Việt Nam ghi nhận 324 ca nhiễm COVID-19, tức không tăng ca nào trong 24h qua. Như vậy, đã qua 33,5 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Cùng ngày, bệnh nhân số 92, nam, 21 tuổi, quốc tịch Việt Nam điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh được công bố khỏi bệnh. Đây là bệnh nhân dương tính lại sau khi được công bố khỏi bệnh vào ngày 14/4, nâng tổng số ca được công bố khỏi bệnh tại Việt Nam lên 264 người.
+ Phát biểu tại kỳ họp trực tuyến Đại hội đồng Y tế Thế giới 73 diễn ra ngày 18-19/5, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế cho hay, trong thời gian qua, Việt Nam thực hiện xuyên suốt và hiệu quả 4 chiến lược: Ngăn ngừa – Phát hiện – Cách ly và Dập dịch với sự tham gia tích cực của chính quyền các địa phương để chỉ đạo và huy động các nguồn lực tại chỗ để phòng, chống dịch. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình lây lan của dịch bệnh, trong đó không ghi nhận trường hợp nào tử vong.
+ Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, nữ bệnh nhân 24 tuổi, chuyển lên từ BV số 2 Quảng Ninh là trường hợp có kết quả thay đổi âm tính, dương tính liên tục. Sau một quá trình điều trị, hiện bệnh nhân khỏe mạnh, không ho, không sốt, tự thở. Đến nay, bệnh nhân đã có 2 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, dự kiến có thể công bố khỏi bệnh trong vài ngày tới.
+ Sau hơn 2 tháng điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, đến nay biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân số 91 là phi công người Anh có cải thiện nhưng chưa có dấu hiệu hồi phục. Bệnh nhân được hỗ trợ hô hấp mở khí quản ngày thứ 26, ECMO ngày thứ 43. Bệnh nhân đang chờ kết quả cấy virus.
+ Sáng 19/5, Sở Y tế dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 được sử dụng phổ biến như phun thuốc khử khuẩn, sử dụng buồng kháng khuẩn toàn thân có những hạn chế, thậm chí gây nguy hiểm cho sức khỏe.
WHO cho biết, đã có công trình nghiên cứu chỉ ra rằng, việc sử dụng biện pháp phun xịt thuốc khử khuẩn như một giải pháp chính là không đúng vì không có hiệu quả trong việc loại bỏ các chất gây ô nhiễm môi trường.
+ Một người phụ nữ tối 13/5 đã nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam bằng đường bộ qua Kênh Đào – Châu Đốc, rồi bắt xe khách lên TP HCM. Sau khi nhận được thông báo, quận Tân Bình đã xác minh và cách ly tập trung người này, điều tra dịch tễ những người tiếp xúc.
Kết quả xét nghiệm lần 1 của người này và các trường hợp tiếp xúc gần là âm tính với COVID-19.
+ Khoảng 108 triệu người ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc đã bị phong tỏa trở lại vì nguy cơ đại dịch COVID-19 bùng phát lần hai, theo Bloomberg ngày 18/5.
Giới chức y tế Trung Quốc hiện vẫn chưa biết ổ dịch mới khởi phát như thế nào song họ nghi ngờ những trường hợp nhiễm virus có thể đã tiếp xúc với những người trở về từ Nga, một trong những điểm nóng COVID-19 của châu Âu.
+ Trung Quốc ngày 18/5 đã tăng thuế nhập khẩu thêm 80% đối với lúa mạch của Úc. Bộ trưởng Thương mại Úc, Simon Birmingham nói các quan chức nước này đang tích cực đàm phán với các đối tác quốc tế khác, đặc biệt là Indonesia, để bù đắp tổn thất ở thị trường Trung Quốc, đồng thời tính toán các biện pháp đáp trả.
+ Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/5 công bố trên mạng xã hội Twitter lá thư gửi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dọa sẽ cắt vĩnh viễn ngân sách và thậm chí rút khỏi tổ chức này nếu WHO không “cải cách đáng kể” trong 30 ngày tới.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo cho WHO các cải cách mong muốn, nhưng ông Trump không nêu rõ các cải cách cụ thể là gì.
+ Theo SCMP, 15 người ở Đông Java (Indonesia) đã dương tính với COVID-19 vào ngày 17/5, sau khoảng 2 tuần kể từ khi mở quan tài để tắm rửa cho thi thể bệnh nhân tử vong vì COVID-19.
Đám tang sau đó diễn ra một cách bình thường, không có các biện pháp đảm bảo an toàn. Ngôi làng sau đó đã bị phong tỏa.
+ Hôm 18/5, Trung Quốc đã công bố một kế hoạch mới có tên gọi “Hướng Tây” với mục tiêu phá thế cô lập về kinh tế, được cho là do một số nước phương Tây, dẫn đầu bởi Mỹ tạo ra.
Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ chuyển hướng phát triển kinh tế sang khu vực phía Tây rộng lớn, nhiều tài nguyên, thay vì các tỉnh phía Đông vừa phải chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Một loạt các dự án phát triển cơ sở hạ tầng mới cho khu vực phía Tây của nước này, bao gồm đường sắt Tứ Xuyên – Tây Tạng, các tuyến đường sắt cao tốc chạy dọc sông Dương Tử, nhiều sân bay và các dự án thủy lợi. Ngoài ra, Trung Quốc còn triển khai một dự án năng lượng mới, xây dựng những bể chứa dầu, khí đốt và khuyến khích những dự án công nghiệp chuyển hướng đầu tư sang khu vực phía Tây.
Thao báo 24h.com.vn