Xanh hóa đào tạo nghề nhằm đáp ứng định hướng phát triển nền kinh tế xanh, công nghiệp xanh đang là xu thế của thế giới cũng như Việt Nam. “Xanh hóa” trong môi trường giáo dục nghề nghiệp có tác động rất lớn đối với việc thu hút nguồn tuyển dụng, tạo việc làm bền vững cho sinh viên mới ra trường.
Nằm trong top các trường Cao đẳng được đầu tư trọng điểm, hướng tới trường cao đẳng chất lượng cao của cả nước, trong nhiều năm qua, trường Cao đẳng Công Thương miền Trung đã thực hiện chương trình lồng ghép mô hình đào tạo nghề xanh, gắn với an toàn lao động theo chuẩn quốc tế, góp phần thu hút người học nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho HSSV mới ra trường.
Xanh hóa trong khuôn viên cơ sở 2 trường Cao đẳng Công Thương miền Trung
Trong những năm qua, trường Cao đẳng Công Thương miền Trung luôn đặt mình vào vai trò của khách hàng- những doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh Phú Yên và cả nước, nhằm đào tạo những kỹ năng lao động mà doanh nghiệp, thị trường đang cần ở người lao động để tạo ra những sản phẩm xanh, xây dựng hình mẫu doanh nghiệp thân thiện với môi trường.
Tiêu chí 5S của Nhật Bản là tiêu chuẩn hình mẫu được nhà trường áp dụng cho toàn bộ hoạt động của nhà trường nhằm xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp và thân thiện, an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp. Khi áp dụng mô hình này, môi trường làm việc, học tập tại MITC thực sự trong lành, sạch sẽ, ngăn nắp. Học sinh sinh viên phát huy tính tự giác, năng động, học tập và làm việc chuyên nghiệp, có ý thức tốt về giữ gìn môi trường sống, luôn có ý thức bảo vệ tài sản cá nhân cũng như tài sản chung của nhà trường rất tốt.
Các bạn sinh viên khoa Tin học – Kinh tế trong Lễ tốt nghiệp
Đặc biệt, nhà trường coi trọng đào tạo nghề xanh gắn với an toàn lao động. Cụ thể, nhà trường đã trang bị hệ thống an toàn tuyệt đối trong giảng dạy; bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ giảng viên, học sinh sinh viên về an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong từng thao tác công việc theo chuẩn quốc tế. Nội dung đào tạo giảm thiểu các kỹ năng chân tay, hạn chế các yếu tố độc hại, rủi ro, chú trọng đào tạo ý thức, tác phong công nghiệp, kỹ năng mềm theo chuẩn của Nhật Bản,…
“Xanh hóa” trong môi trường giáo dục nghề nghiệp có tác động rất lớn đối với việc thu hút nguồn tuyển, tạo việc làm bền vững cho người lao động. Điều đó có ý nghĩa quan trọng nhằm giúp thế hệ trẻ nhận thức được bản chất phức tạp, nguy hiểm của ô nhiễm môi trường, vấn đề an toàn lao động gắn với năng suất công việc… Đầu ra tốt cũng sẽ tạo hiệu ứng ngược lại cho nguồn tuyển dụng, nhà trường dễ dàng hơn trong việc thu hút người học nghề. Đó là lợi ích hai chiều của bền vững của việc xanh hóa trong đào tạo nghề tại trường Cao đẳng Công Thương miền Trung trong những năm qua.
Bảo Hậu