(Bài viết được thực hiện qua nội dung trò chuyện của Báo Dân Việt và Ông Hoàng Nam Tiến)
Hàng triệu đứa trẻ / năm được đúc khuân
Anh Hoàng Nam Tiến này, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một trong những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Có rất nhiều sản phẩm, ứng dụng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo đã thay đổi xã hội. Là người từng giữ nhiều vị trí cấp cao ở Tập đoàn công nghệ FPT, anh thấy sự thay đổi đó rõ ràng như thế nào?
– Tôi xin bắt đầu bằng một câu chuyện của chính tôi. Cách đây mấy tháng tôi đến một trường THCS ở Hà Nội và trình bày trước một trăm giáo viên và học sinh lớp 9. Trước mặt họ tôi đã dùng Chat GPT. Tất cả bài tập liên quan đến Ngữ văn, Toán học, Địa lý, kể cả Giáo dục công dân… mà thầy cô giao cho học sinh về nhà làm, tôi làm trong một vài phút.
Một ví dụ khác, các bạn sinh viên bậc đại học có gửi cho tôi những bài tập lớn của họ, liên quan đến marketing, quản trị, tài chính, kế toán… và chúng tôi dùng công cụ Chat GPT. Thường tôi sẽ ưu tiên bằng tiếng Anh, nhưng gõ tiếng Việt cũng được. Tất cả những bài tập ấy, chúng tôi chỉ cần không quá 10 phút.
Có bài tập lớn là xây dựng kế hoạch kinh doanh để bán sản phẩm A. Tôi gõ Chat GPT và ngay lập tức hiện lên một bài phân tích SWOT (Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức) về thị trường rất đầy đủ.
Sau đó chúng tôi chuyển sang trình bày bằng Midjourney. Tôi ghi âm giọng mình, cùng vài bức ảnh đẹp, chuyển sang D-ID (nền tảng tạo ra video từ AI – PV). Ngay lập tức phần mềm chuyển các dữ liệu này sang video trình bày, với hình ảnh của tôi, môi mấp máy, trình bày đẹp mắt. Mất 10 phút… Dĩ nhiên, còn nhiều vấn đề về thông tin nhưng với sự cải thiện của công nghệ, độ chính xác của sản phẩm sẽ ngày càng tăng.
Tôi xin kể tiếp một ví dụ nữa. Tôi vào một trường đại học ở Đà Nẵng, trước sự chứng kiến của 100 giảng viên, trong đó có khoảng 20 giảng viên khoa Marketing và hàng trăm sinh viên, tôi hỏi các thầy cô cho tôi xem giáo án dạy marketing của trường, đẩy lên màn hình.
Tôi gõ trên Chat GPT “cho tôi một giáo trình dạy marketing, thời lượng 180 phút, cho đối tượng là sinh viên năm thứ nhất”. Lập tức màn hình hiện lên giáo trình trong vòng 10 giây. Tôi gõ thêm “tôi cần chi tiết hơn kế hoạch cần triển khai, chi tiết hơn cách đánh giá về chương trình marketing, cho tôi chi tiết hơn các biểu mẫu về các chi phí, cách triển khai dự án gồm thời gian, ai chịu trách nhiệm…”.
Tôi hỏi các thầy cô đã trực tiếp nhìn thấy, hãy đánh giá xem giáo trình của Chat GPT so với giáo trình của trường mình thế nào? Các thầy cô cho rằng, ít nhất có mấy điểm mới mà giáo trình tiêu chuẩn của nhà trường chưa có, ví dụ như thấu cảm khách hàng, kinh tế trải nghiệm, vai trò cá nhân hoá từng khách hàng… Chưa hết, khi tôi đẩy nội dung sang Canva (một công cụ thiết kế đồ họa trực tuyến), chuyển thành một video hay slide thuyết trình, công cụ này cho ra những sản phẩm ấn tượng.
Bạn có thấy gì không?
Công nghệ đã đánh vào điểm yếu của con người là: Khả năng đọc, tổng hợp, khả năng phân tích, mà bất kỳ một học sinh nào, một giảng viên nào, một nhà khoa học nào đều không thể nhanh hơn máy. Như vậy cách học truyền thống của chúng ta là thầy giảng, học trò nghe, cố gắng hiểu và cố gắng trình bày lại có còn phù hợp nữa không? Cách học từ xưa mang tính chất nhồi nhét, tức là học sinh càng biết nhiều, đọc nhiều thì càng tốt, có ý nghĩa gì nữa không?
Câu chuyện anh vừa kể khiến tôi nghĩ rằng, thế giới đang thay đổi chóng mặt và nếu chúng ta không thay đổi cách thức giáo dục thì sẽ không theo kịp thời đại?
– Sẽ cực kỳ thách thức. Sự thật đấy đang diễn ra nhanh một cách khủng khiếp. Như vậy học sinh, giáo viên, giảng viên phải thay đổi. Nếu như trước đây giáo viên, giảng viên là những người lái đò thì ngày nay, họ phải là những người hướng dẫn (mentor), người huấn luyện viên (coaching)…
Theo anh, đâu là những thách thức đối với những người làm giáo dục trong thời gian tới?
– Jack Ma nói rất hay: “Chúng ta có nên cố gắng nhớ thêm nhiều thông tin hay không? Không, vì điều đó không còn cần thiết nữa. Hãy cố gắng học những gì đòi hỏi chúng ta phải sáng tạo”.
Vậy thì, giáo dục không thể là “nhà máy đúc” được. Trước đây, thế hệ học sinh như chúng tôi là thầy giảng, trò nghe. Những người học chuyên Toán như chúng tôi thường cố gắng giải bài toán khác với cách giải của thầy, nhưng số lượng đó không nhiều. Có nhiều thế hệ như vậy.
Nhưng tôi cho rằng thế hệ Z là nạn nhân của giáo dục “nhà máy đúc”. Để đảm bảo chất lượng giáo dục, người ta có Văn mẫu, Toán mẫu, Ngữ văn mẫu… Học sinh cứ học thuộc như thế. Điều đó đã làm cho 50 học sinh ở một lớp nói giống hệt nhau, 300 học sinh cùng khối của một trường nói giống nhau. Hàng triệu học sinh cùng lứa trên cả nước này trả lời cùng một câu hỏi giống hệt nhau. Đó là điều tôi rất lo lắng cho thế hệ Z, tiếp theo là gen Alpha.
Nhưng khi AI ra đời và phát triển, nếu nhìn nhận như một cơ hội, chúng ta sẽ cần đổi mới cách dạy và tư duy của nhà giáo rất nhiều. Khi các thông tin chung đều được công nghệ xử lý, vai trò truyền thụ kiến thức của thầy cô giáo không còn quan trọng nữa. Khi ấy, thầy cô có thể cá nhân hóa việc dạy cho từng học trò, hướng dẫn học trò có được khả năng phản biện, tư duy sáng tạo…với công cụ hỗ trợ là AI.
Hãy hình dung một lớp học có AI sẽ thế nào? Mỗi giáo viên, giảng viên bây giờ đang phải chấp nhận một sự cạnh tranh toàn cầu. Tôi lấy ví dụ, một bài học cho sinh viên marketing, các em có thể ngay lập tức lên Coursera (Nền tảng các khoá học và chứng chỉ online – PV), đăng ký vào lớp học marketing hàng đầu thế giới, của những trường đại học hàng đầu thế giới. Giảng viên là những người viết sách chuyên ngành với những bài giảng cực kỳ hay, phụ đề cực kỳ chuẩn.
Học trên Coursera còn hay hơn nữa là cứ 3 phút máy dừng lại nghe, vài phút lại hỏi. Cả buổi sẽ có luôn bài kiểm tra xem bạn có qua được môn đấy không ngay lập tức. Và 40 học sinh chứ hàng trăm học sinh, hay hàng ngàn học sinh, AI sẽ cho ra các kết quả khác đến từng học sinh. Có giáo viên nào làm được điều đó không?
Vậy từ quan điểm cá nhân, anh có cho rằng, AI ra đời là lợi thế của bất kỳ giáo viên, giảng viên nào nếu biết sử dụng nó?
– Chính xác. Họ phải làm sao để biến tất cả công cụ của AI trở thành phương tiện của mình. Bill Gates vừa rồi đã nói: Hãy biến tất cả công cụ AI đã có và sẽ có trở thành Agents của mình. Tôi nghĩ là nên dịch là “con sen” của mình. Chúng ta hãy khiến những công nghệ đó không đe doạ được mình mà trở thành người phục vụ mình, “con sen” của mình. Các bài giảng từ những người nổi tiếng nhất thế giới phải là công cụ giáo dục của mình.
Ví dụ, giáo viên, giảng viên hãy giao cho học sinh, sinh viên hãy học ngay khoá này ở trên Coursera, xem ngay tài liệu ở trên video này, đọc ngay tài liệu này, mua quyển sách này và hãy đọc ngay tóm tắt trên Chat GPT. Sau đó hãy trình bày theo quan điểm của mình là cần phải làm gì. Thay vì sợ, giáo viên, giảng viên sẽ làm chủ được, chinh phục được công nghệ.
Giáo dục ngày nay phải 5 chiều tạo ra những công dân toàn cầu
Như vậy khái niệm “thầy” cũng có nhiều thay đổi trong thời hiện đại. Và một người – có thể là mới chuyển sang làm giáo dục một thời gian ngắn như anh, sẽ không thấy đó là một thách thức, khi mà những người làm giáo dục nhiều thế hệ trước đó là những nhà khoa học, những giáo sư có tên tuổi?
– Bây giờ là thời đại của Big Data. Dữ liệu và thông tin đã không còn gì bí mật cả. Cùng một chủ đề có thể lấy được rất nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, so sánh được kết quả, tìm ra được những điểm mâu thuẫn, chỉ ra được những điểm khác biệt và đưa ra quan điểm của mình.
Một bạn trẻ hiện nay có thể truyền đạt thông tin hiệu quả, hiểu sâu nhiều vấn đề vì lợi thế tiếp cận dữ liệu. Bởi với Chat GPT, chúng tôi có thể tập hợp được cả ngàn tài liệu cùng chủ đề đó từ bất cứ thứ tiếng nào. Lúc này các bài toàn phân tích tổng hợp, đưa ra nhận định, rồi so sánh quan điểm của mình với những quan điểm đang tồn tại trở nên vô cùng dễ dàng, và điều đó tạo ra thách thức mới cho người giáo viên.
Trước đây, nền giáo dục của ta dựa trên nền giáo dục một chiều: thầy giảng – trò ghi chép. Nhưng tôi nghĩ rằng, giáo dục ngày nay gồm 5 chiều:
Một là, “Không thầy đố mày làm nên”, điều đó luôn vô cùng đúng. Nhưng thầy ngày hôm nay đã khác thầy ngày xưa. Thầy ngày hôm nay có thể là sếp của mình. Ông ấy rất giỏi về lĩnh vực chuyên môn, ông ấy có bao nhiêu năm kinh nghiệm, có nhiều trải nghiệm “xương máu”… Cái đó không AI nào có thể thay thế được.
Vậy thì hãy học từ sếp, học từ các Guru – tôi hay gọi là học từ những người giỏi nhất thế giới. Thế nên làm ở lĩnh vực nào, tôi cũng tìm xem những thầy nào giỏi nhất trên thế giới về lĩnh vực ấy, từ những người viết sách, hoặc người nào đứng top 10 thế giới. Tôi sẽ tìm đủ mọi cách để làm sao gặp được, một vài tiếng ở bên cạnh để học. Giá trị vô cùng.
Hai là, “Học thầy không tày học bạn”. Những bạn bè mình trên từng lĩnh vực, chúng ta hãy học từ những người đó.
Ba là, “Con hơn cha là nhà có phúc”. Hãy học từ những người trẻ hơn. Người trẻ hơn bây giờ họ có quá nhiều thứ mà mình không biết. Điều này khác hẳn quan điểm trước đây là cứ già hơn là hiểu biết hơn. Thầy của tôi mới nhất chỉ 22 tuổi, dạy tôi về sử dụng AI.
Bốn là tự học (self leaning) – đó là điều hiển nhiên. Giờ phải thêm một điều nữa là tự huấn luyện (self coaching). Bởi vì ai cũng biết là học không dẫn đến thành công, chỉ có làm mới dẫn đến hy vọng thành công.
Thứ năm là học cùng AI. Bây giờ AI trở thành người thầy vĩ đại của tất cả mọi người. Cần thông tin gì đều có ngay lập tức. Tất nhiên, kèm theo những kiến thức ấy là những trải nghiệm, là cảm xúc, là những xương máu, mồ hôi thì AI không có.
Vì vậy, những nhà giáo dục ngày hôm nay việc cần làm là đi học, kể cả giáo sư, ở bất kể lĩnh vực nào. Còn nếu vẫn cứ mang những sách vở, kiến thức cũ, bọn trẻ sẽ không nghe đâu.
Theo anh, học sinh, sinh viên ngày nay cũng phải thay đổi cách thức học như thế nào?
– Cách học trước đây mang tính chất là tất cả sinh viên biết càng nhiều càng tốt, đọc càng nhiều càng tốt. Tôi lấy ví dụ từ chính tôi. Tôi là người được đi học ở một trường đại học danh giá trên thế giới. Một buổi tối tôi được giao đọc 5 cuốn sách để mai phải trình bày và việc đọc liên tục, ghi chép rồi xây dựng bài giảng trong một buổi tối là điều không tưởng.
Với một người bình thường, khả năng đọc một cuốn sách với tốc độ trung bình là 300 từ/phút. Tôi đọc tốc độ trên 900 từ/phút, khá nhanh so với nhiều người. Nhưng sắp tới, chuyện đọc nhanh của tôi là vô nghĩa. Bất kỳ quyển sách nào tôi muốn, chỉ cần gõ Chat GPT: cho tôi tóm tắt 1500 từ (khoảng 5 trang-PV), hoặc cho tôi kỹ hơn về chủ đề nào đó, kỹ hơn về chương nào đó”. Và wow, tóm tắt xuất hiện trong vòng 10 giây. Như vậy năng lực đọc sách của Chat GPT cực nhanh.
Chưa hết, sắp tới đây, công nghệ còn có những bước tiến vượt bậc nữa. Tháng 6 vừa qua, tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép cho cấy chip trên não người. Nếu như vậy, toàn bộ kiến thức được tự động ghi nhớ, toàn bộ việc học thế nào trong 12 năm được lưu trữ lại nhanh chóng và là điều không còn xa.
Neuralink đang đi đầu, sau đó là Google, Apple, và Meta… Và việc cấy chíp vào não người sẽ đi vào cuộc sống vào năm 2025. Như vậy chúng ta sắp tới sẽ có một thế hệ mà người ta không khen là người này giàu quá, người này đại gia, mà là người này đã “cấy chíp”.
Những điều như anh vừa nói, sẽ khiến cho mọi thứ vốn được coi là vô cùng khó trước đây bỗng trở nên đơn giản hơn rất nhiều?
– Chúng tôi hay tự gọi mình là “ngoan cố” – tức là ngoan ngoãn và cố gắng, là nạn nhân của “nhà máy đúc”. Thời ngày xưa qua rồi. Ngày nay các bạn phải trang bị tư duy độc lập, năng lực phản biện. Ngày xưa là việc quan trọng nhất của nhà trường là trang bị kiến thức thì ngày hôm nay là trang bị khả năng tự học, tự nghiên cứu phát triển. Ngày xưa làm sao để là con ngoan trò giỏi, là người có ích cho xã hội thì ngày hôm nay, ngoài những việc đó, các bạn phải thực sự trở thành những công dân toàn cầu để thực hiện được mong ước của Bác Hồ là “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Giáo dục Việt Nam cần phải làm gì để có thể thích ứng với sự thay đổi chóng mặt này?
– Tôi nghĩ rằng bất kỳ quốc gia nào, cá nhân nào không thay đổi để bắt kịp với sự phát triển vượt bậc của AI cũng sẽ bị tụt hậu. Các bạn có thể theo dõi sự phát triển trí tuệ nhân tạo ở chính các con, các cháu của mình qua những vấn đề mà chúng quan tâm, thực sự rất vượt trội.
Vì vậy chúng ta phải thực sự ý thức rằng sự phát triển trong vòng từ 1 năm tới đối với học sinh lớp 12 và 3 năm tới đối với học sinh lớp 10; 7 năm nữa với học sinh cấp 2, 12 năm nữa với học sinh cấp 1 thì thực sự xã hội lúc đó cần những gì ở những con người như vậy?
Họ phải thực sự trở thành những công dân toàn cầu, nghĩa là những phẩm chất, kỹ năng quan trọng nhất của công dân toàn cầu mà trong tương lai đòi hỏi thì giáo dục phải đáp ứng chuyện ấy. Bây giờ chúng ta phải thay đổi, đó là giáo dục cho học sinh, sinh viên khả năng tự học, tự nghiên cứu. Bởi tất cả kiến thức bây giờ, khi chúng ta học, chưa ra trường đã bị lạc hậu rồi.
Điều thứ 2 là phải có phẩm chất, kỹ năng, tư duy sáng tạo, tư duy độc lập, khả năng phản biện. Nếu không trang bị cho học sinh, sinh viên những phẩm chất, kỹ năng mà tương lai đòi hỏi, họ sẽ bỏ cuộc vì không đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới, thậm chí bị kẻ xấu lợi dụng bởi các công cụ và ứng dụng AI.
Làm thế nào để giáo dục được thế hệ Z
Anh là người đi nhiều, học ở trường đại học danh tiếng trên thế giới, được làm việc với nhiều đối tác khắp nơi trên thế giới, anh thấy có sự khác biệt giữa giới trẻ Việt Nam, từ nông thôn tới thành thị với giới trẻ trên thế giới không? Anh nhận thấy thế hệ trẻ ở Việt Nam đang thiếu điều gì?
– Chúng ta cứ hay nói bây giờ bọn trẻ thờ ơ, không có mục tiêu, không có mục đích. Chính vì người lớn nói quá máy móc, giáo điều, cũ, thậm chí những điều cả thế giới họ đã bỏ đi rồi thì thế hệ trẻ không nghe đâu.
Càng ngày tôi càng thấy các bạn trẻ Việt Nam không khác gì so với thế hệ trẻ toàn cầu. Thậm chí, nhiều vấn đề các bạn hiểu rất sâu.
Làm thế nào để giáo dục “Thế hệ Z”? Họ sinh ra trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin, kỹ thuật số. Họ làm việc theo nhóm và tính cộng đồng rất cao, tiếp cận với kỹ thuật số rất nhanh, rồi quan điểm sống, cách ăn mặc hay kiếm tiền, tiêu tiền cũng khác. Theo anh, bí quyết nằm ở đâu?
– Tôi đưa ra một ví dụ. Ở Tập đoàn FPT chúng tôi đặt ra vấn đề là thế hệ Gen Z quá khác biệt so với các thế hệ trước. Có khoảng 48% lao động làm ở FPT là thế hệ Z, vậy làm sao để thay đổi và có chương trình đào tạo thế nào cho phù hợp với doanh nghiệp của mình? Tôi nói luôn là chính mình phải thay đổi để phù hợp với thế hệ Z.
Với thế hệ Z, chúng ta đừng cố dạy chúng. Mà bố mẹ phải làm gương. Đừng bao giờ lên giọng ra đường con phải thế này, đối xử phải thế này, gặp người già phải thế này… Ví dụ bố mẹ khi có khách có chào hỏi không, có bắt tay không, khi về có tiễn ra cửa không, bố mẹ có đọc sách không…? Nếu không làm thì tại sao con làm điều ấy?
Tôi thấy rất tiếc hiện nay nhiều đứa trẻ không dám ra đường, bởi vì từ bé đã được bố mẹ đưa đến trường. Đó là điều vô cùng thiệt thòi về việc chuẩn bị cho cuộc đời của con sau này. Mình cứ bao bọc thì sau này làm sao con có thể tự chủ, phát huy trong môi trường như vậy.
Vậy, trẻ con phải có trải nghiệm xã hội, ngay từ lúc còn bé nhất. Bố mẹ mỗi lần đi từ thiện, đi phượt phải mang con đi theo, đừng nghĩ nó yếu, đừng nghĩ trẻ không có cảm xúc. Rồi việc học rất quan trọng, học từ môi trường, đó cũng là cách rèn trí lực, tâm lực, thể lực.
Gen Z rất khác. Nếu thế hệ trước thấy hỏng thì sẽ cố gắng sửa chữa, nhưng thế hệ Z thấy hỏng sẽ vứt đi. Vậy nên thế hệ Z rất dễ bỏ cuộc. Nhưng tôi luôn khuyên bọn trẻ là: Hãy chuyển nghề nghiệp cũng được, nhưng hãy ra đi trong vinh quang, đừng bao giờ để bị sếp chửi, đừng bao giờ bị đánh giá kém, đừng bao giờ bị trù dập, mà hãy bỏ việc mà đi.
Đi ra toàn cầu với tiếng đàn bầu trong tim
Tôi đang tò mò là vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT hấp dẫn anh như thế nào và sẽ hấp dẫn được anh trong bao lâu?
– Ngay từ khi còn làm ở FPT, tôi đã luôn luôn đi dạy. Tôi trở thành giảng viên của Viện Quản trị & Công nghệ FSB từ năm 2016 khi tôi đang là Chủ tịch HĐQT FPT Software. Việc đi dạy của tôi thực sự là niềm đam mê thật sự. Thứ hai là truyền thống gia đình. Ba tôi là một chiến tướng, cứ khi ông buông tay súng thì ông cầm tay phấn. Vậy nên truyền thống gia đình đã ngấm trong con người tôi.
Anh có cho rằng mình là một người khác biệt hay không?
– Tôi là một người bình thường như nhiều người bình thường: Một người đi làm kinh doanh, một người đi làm phần mềm, một người đi làm viễn thông, một người kinh doanh bất động sản, một người đi làm giáo dục. Tất cả không có gì đặc biệt. Cái khác là tôi tự cho phép mình được trải nghiệm nhiều như người bình thường. Không phải cái gì tôi làm cũng thành công. Tôi nhớ tôi làm 10 việc, chỉ thành công khoảng 4-5 việc. 4-5 việc còn lại thì có cái khác biệt, có cái chưa thành công.
Anh thích được gọi mình là một nhà giáo dục hay nhà kinh doanh? Công việc nào với anh thú vị hơn?
– Từ lâu tôi đã yêu cầu không được giới thiệu tôi là doanh nhân nữa rồi. Nickname của tôi giờ là “Giáo Tiến”. Tất cả công việc của tôi đều mang một điểm chung, đó là được làm việc với rất nhiều cá nhân quái kiệt xuất chúng, đam mê táo bạo và luôn đổi mới. Vì vậy, tôi luôn thấy công việc của mình thú vị và chủ động kiến tạo sự thú vị ấy ở mỗi vị trí mình làm. Nếu việc không thú vị với tôi, tôi bỏ ngay.
Là người có nhiều ý tưởng táo bạo, anh sẽ giúp cho Tổ chức giáo dục FPT có nhiều bước phát triển trong tương lai như thế nào? Anh sẽ làm điều gì khác biệt để giúp cho Đại học FPT nói riêng, và nền giáo dục Việt Nam nói chung?
– Tôi thực sự mong muốn đóng góp nhỏ bé cho sự thay đổi trong nền giáo dục này. Vì tôi ý thức rất rõ ràng tôi là thế hệ trưởng thành, học hành cũng không tệ, sau này làm được việc nhờ vào nền giáo dục trước đây, vì vậy tôi không phủ nhận nền giáo dục trước đây.
Xung quanh tôi những người giỏi như anh Trương Gia Bình, anh Bùi Quang Ngọc, anh Nguyễn Thành Nam… đều trưởng thành từ nền giáo dục trước đây, nhưng họ cũng đều giống nhau, đều cố gắng vượt lên. Ông Lý Quang Diệu nói đại ý rằng, sự thay đổi của một quốc gia, phải bắt đầu từ sự thay đổi của giáo dục. Vì sao?
Nếu sang Nhật học, các bạn sẽ biết ngay từ thời Minh Trị, các bạn trẻ đã được hưởng chế độ giáo dục – đào tạo với tầm nhìn xa từ 30 đến 50 năm. Khi mình ý thức được nền giáo dục của mình là một chiều, ý thức được “nhà máy đúc” 1 triệu người mỗi năm, ý thức được Văn mẫu, Toán mẫu ảnh hưởng kinh khủng thế nào, thì mình sẽ thay đổi. Tất nhiên người ta nói rằng “thành Rome không thể xây trong một ngày”. Mỗi người sẽ thay đổi, thay đổi từng chút một.
Tôi rất ý thức được việc giáo dục cả tâm lực, trí lực, thể lực quan trọng như nhau, không coi trọng cái nào hơn. Một trong những thay đổi rất nhỏ mà chúng tôi đang làm là đưa chương trình giáo dục võ thuật vào trong tiết thể dục. Thay vì học tiết thể dục, học sinh của FPT học võ Việt Nam (Vovinam), để học đạo, rèn luyện thể lực, bảo vệ chính mình, bảo vệ những người xung quanh.
ĐH FPT cũng đã quyết định tất cả sinh viên ra trường đều phải biết chơi một nhạc cụ dân tộc, có thể là đàn bầu, sáo, nhị, trống… Môn đó được đánh giá ngang với môn Toán, ngang với tất cả các môn chuyên ngành, không có sẽ không được tốt nghiệp.
Học nhạc không phải để học cho vui. Chúng tôi luôn có một câu: “Sinh viên FPT ra thế giới với tiếng đàn bầu trong tim”. Trong mỗi sinh viên khi bước ra toàn cầu, chúng tôi mong muốn “phải có một cái gì là chất của Việt Nam”.
Vậy mỗi người trong số chúng tôi sẽ có một chút đóng góp. Ví dụ tôi hướng dẫn 1.000, sau đó 10.000 bạn trẻ đến tận Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… làm việc. Họ sẽ làm việc với các hãng lớn như Boeing, Airbus, Sony, Toyota…
Theo đánh giá của anh, chúng ta có thể kỳ vọng gì vào thế hệ trẻ Việt Nam trong thời gian tới?
– Thế hệ trẻ sẽ làm nên một điều gì đó khác biệt và thay đổi. Tôi rất có niềm tin vào chuyện đó. Các em sống trong môi trường mở, cạnh tranh toàn cầu, và vì thế sẽ có những năng lực vượt bậc so với thế hệ trước.
Tôi hy vọng đóng góp năng lực của mình vào sự đổi thay ấy, có thể là một bài giảng, một cuốn sách… hy vọng có ích cho các bạn trong 5 – 7 năm về sau.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
(Nguồn Báo dân Việt – TH tổng hợp)