Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học tên Nguyễn Tất Thành, Hoạt động cách mạng lấy tên Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, ở một đất nước thuộc địa, có nhiều dân tộc.
Trong quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, dân tộc ta đã hình thành và phát triển nền văn hóa dân tộc rực rỡ, mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, ý chí đấu tranh bất khuất, tinh thần nhân ái, khoan dung và ý thức cộng đồng, đoàn kết dân tộc. Chính nền văn hóa ấy cùng với những ảnh hưởng tích cực của văn hóa phương Đông đã hun đúc nên nhân cách Hồ Chí Minh và góp phần to lớn vào sự hình thành và sự phát triển tư tưởng của Người.
Chứng kiến sự thất bại trên con đường giải phóng dân tộc, của các vị yêu nước tiền bối và cảnh đời nô lệ của người dân mất nước, dưới ách thực dân Pháp tàn bạo, tháng 6/1911, người thanh niên ưu tú của dân tộc Việt Nam – Nguyễn Ái Quốc quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua gần 10 năm bôn ba nhiều châu lục, gắn với phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc, với chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước và giải phóng dân tộc duy nhất đúng đắn.
Mùa Xuân năm 1930, Người đã chủ trì hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Đông Dương, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Với việc thành lập Đảng cùng với sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đồng lòng, chung sức làm nên những chiến thắng vang dội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc mình kết thúc bằng cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi hoàn toàn đưa Tổ quốc ta về một mối và mở ra một kỷ nguyên mới đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, từ đây toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng nhau đoàn kếttrong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để tưởng nhớ công ơn của Bác, tháng 5 lịch sử, cả nước ta đang ra sức thi đua lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – vị Cha già, Người lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới. Người cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, mang lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Là lãnh tụ tối cao, nhưng Bác Hồ luôn gần gũi nhân dân. Hằng năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình. Vì Người sợ tốn thời giờ, tiền bạc của nhân dân, trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân dân còn khó khăn, gian khổ.
Đúng ngày 19/5, Bác thường đi làm việc, thăm hỏi một nơi khác để tránh những nghi lễ phiền phức tốn kém. Có năm, vào dịp ngày sinh của mình, Bác sang công tác ở bên Trung Quốc. Một số đồng chí ở đây biết ngày sinh của Bác nên chuẩn bị chúc thọ, Người đã nói: “Tôi sang đây vào dịp này là để tránh việc chúc thọ trong nước. Vì vậy, tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ tôi ở đây”.Vào một dịp ngày sinh năm khác, Bác sang Trung Quốc với ý nghĩa như Người đã viết trong thư gửi bà Ðặng Dĩnh Siêu – Cán bộ cao cấp của Ðảng Cộng sản Trung Quốc: “Tôi đi Trung Quốc lần này có mục đích và yêu cầu thật đơn giản, đó là đi du lịch, đi để tránh “chúc thọ”, “tránh tặng quà”,…
Một lần vào ngày sinh của mình, Bác vắng nhà. Bác giao cho những người phục vụ, bảo vệ tổ chức đánh bắt cá tại ao cá mà Người vẫn hằng ngày chăm sóc, để biếu các cụ già, các cháu bé, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, cho anh chị em trong cơ quan phục vụ Bác cải thiện bữa ăn. Việc này vừa thể hiện sự quan tâm chăm lo của Bác đối với mọi người, vừa là để cảm ơn mọi người tận tụy công tác chăm lo cuộc sống hằng ngày của Bác.
Vào những dịp sinh nhật mình, Bác cũng thường viết thư, gửi điện cảm ơn đồng bào, đồng chí, các cơ quan đoàn thể trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho Người những tình cảm thân thiết. Bác làm thơ nói về tuổi tác thay vì những lời cảm tạ. Mỗi bức thư, mỗi dòng thơ tuy nói về ngày sinh của mình, nhưng lại là tình cảm, trách nhiệm của Bác đối với non sông đất nước và đồng bào, đồng chí : “Trung với Ðảng, hiếu với dân”, và thể hiện đường lối lãnh đạo của Ðảng ta đối với sự nghiệp cách mạng, của dân tộc ở trong từng thời điểm lịch sử.
Những ngày này gợi nhớ tới dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 42 năm trước (19/5/1968), năm sức khỏe của Bác giảm sút. Ðó là vào lúc 9h ngày 10/5/1968, Bác viết câu mở đầu vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để gửi lại cho đời sau: “Năm nay, tôi vừa 78 tuổi, vào lớp người “trung thọ”. Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khoẻ có kém so với vài năm trước đây…”. Bởi vậy, sinh nhật năm nay, Bác không vắng nhà. Và như những năm trước, Bác tập trung cho công việc suy nghĩ, sửa chữa vào bản Tài liệu dặn lại cho đời sau. Năm nay, Bác viết thêm vào bản Di chúc, dặn việc phải làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi là hàn gắn vết thương chiến tranh, chỉnh đốn Ðảng; chăm lo đời sống của nhân dân sau chiến tranh.
Sự từ chối lễ nghi phiền phức của vị Chủ tịch nước, lãnh tụ tối cao của Ðảng, trong dịp kỷ niệm ngày sinh của mình thể hiện sự khiêm tốn, giản dị, đó là bản chất của người đầy tớ của nhân dân. Nhân cách ấy, sự cao thượng ấy càng làm cho hình ảnh Bác Hồ trở nên cao đẹp và là tấm gương mẫu mực về đức tính khiêm tốn, giản dị và đạo lý làm người cao đẹp nhất.
Tuy Bác đã đi xa, nhưng mỗi người dân Việt Nam, bạn bè của nhân dân Việt Nam đều cùng chung một tình cảm: Bác Hồ không mất. Bác Hồ vẫn đời đời sống cùng non sông, đất nước và bạn bè khắp nơi. Vì vậy, vẫn như có Bác Hồ, hằng năm tới dịp tháng 5 là toàn thể nhân dân ở khắp các miền quê Việt Nam và cả bạn bè năm châu vẫn nô nức tổ chức kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ. Ôn lại những bài học quý giá, những việc làm trong sáng của Người trong dịp kỷ niệm Ngày sinh của Người, sẽ là dịp chúng ta soi chung tấm gương lớn, gương mẫu; học và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác.
(Sưu tầm!)