Cách đây 48 năm, hòa cùng khí thế cách mạng tiến công của toàn miền Nam trong mùa Xuân năm 1975, quân và dân Phú Yên phối hợp cùng bộ đội chủ lực tấn công tiêu diệt làm tan rã toàn bộ cánh quân địch rút lui từ Tây Nguyên xuống, làm nên chiến thắng vang dội trên Đường số 5, tiến đến giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 1/4/1975, góp phần đẩy nhanh tốc độ, giải phóng Sài Gòn vào ngày 30/4/1975.

Từ đầu tháng 3/1975, theo chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn, các tỉnh miền Trung Trung bộ cũng triển khai cuộc tiến công, chuẩn bị giải phóng các thành phố, thị xã khi có thời cơ. Trên tinh thần đó, cùng với khí thế sục sôi của cả nước, Phú Yên phối hợp với chiến trường trọng điểm của Quân Khu, đêm ngày 10 và ngày 11 tháng 3, bộ đội và du kích các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Sông Cầu đồng loạt tiến công địch ở nhiều nơi như: Phước Nhuận, La Hai, Bến Đá, Hòa Lợi, Tuy Phong Bảy, An Mỹ, An Chấn, chi khu Phú Tân, Phú Sơn, từng bước làm chủ các vùng mới mở ra; sau đó đến chiến thắng ở cứ điểm Núi Tranh (xã Hòa Quang), tiến đến giải phóng 3 xã Hòa Định Đông, Hòa Định Tây và Hòa Quang (Tuy Hòa 2).

Chiều ngày 17 tháng 3, Sở chỉ huy tiền phương nhận được điện thông báo cùng mệnh lệnh của Quân Khu: Toàn bộ quân địch ở Tây Nguyên đang rút xuống Phú Yên theo Đường số 7. Tỉnh Phú Yên phải kiên quyết chặn đánh tiêu diệt địch, thu xe, pháo và cho tiểu đoàn 96 bôn tập lên tây Củng Sơn chặn đánh dịch, không cho chúng cụm lại Củng Sơn.

Sau khi nhận được điện thông báo và mệnh lệnh của Quân Khu, Sở chỉ huy tiền phương và Sở chỉ huy chiến dịch cơ bản đều nhận định: quân địch từ Tây Nguyên rút xuống quân số đông và nhiều xe, pháo, nhưng tinh thần rất hoang mang, dao động. Chúng sẽ theo Đường số 5 xuống Phú Lâm chứ không tiếp tục đi theo Đường số 7. Do các đơn vị ô hợp, sau khi thất bại ở Tây Nguyên nên hỗn loạn về tổ chức, đây là thời cơ để ta tiêu diệt và thu nhiều phương tiện chiến tranh.

Từ việc đánh giá đúng đắn tình hình địch, đêm 18 và ngày 19 tháng 3, các lực lượng vũ trang ta đã tiêu diệt một loạt các chốt điểm, cứ điểm, quét sạch địch ở 5 xã (Hòa Phong, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Hòa Đồng, Hòa Tân); đánh lui các đợt phản kích của địch từ thị xã Tuy Hòa lên; làm chủ đoạn Đường số 5 dài 10 km, tạo địa bàn, thế trận vững chắc để tiêu diệt địch rút chạy từ Tây Nguyên xuống.

Trưa ngày 19 tháng 3, hơn 2 vạn quân ngụy và hơn 2.000 xe quân sự từ Tây Nguyên theo Đường số 7 kéo xuống đông quận lỵ Củng Sơn. Từ đây địch không tiếp tục đi theo Đường số 7 mà bắc cầu dã chiến vượt sông Ba qua Đường số 5 để xuống thị trấn Phú Lâm.

Trước tình hình quân địch từ Tây Nguyên đã xuống đến Hòn Kén, Sở chỉ huy tiền phương lệnh cho các đơn vị nhanh chóng tổ chức trận địa phục kích trên địa đoạn từ cầu Tổng lên cầu Đồng Bò. Bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân địa phương và tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường, chỉ trong vòng 7 ngày (từ ngày 19 đến ngày 25 tháng 3), quân và dân Phú Yên đã làm nên chiến thắng lịch sử Đường số 5, đập tan ý đồ co cụm chiến lược đưa quân ngụy từ Tây Nguyên về giữ đồng bằng miền Trung; tiến đến giải phóng thị xã Tuy Hòa và giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên vào ngày 01 tháng 4 năm 1975.

48 năm qua, chiến thắng Đường số 5 lịch sử mãi là niềm tự hào lớn lao, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Yên phát huy tinh thần đoàn kết, anh dũng và sáng tạo, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách của một địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề, từng bước vươn lên đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương.

(Sưu tầm).