Nguồn gốc và ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam
1. Nguồn gốc của Ngày Pháp luật Việt Nam
Ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ban hành. Tư tưởng lập hiến, giá trị dân chủ, nhân quyền và mô hình về tổ chức nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các bản Hiến pháp sau này và toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam.
Ngày 20/6/2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Xuất phát từ vai trò của pháp luật, ý nghĩa của Hiến pháp năm 1946 – Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với những giá trị về tư tưởng pháp quyền, quyền lực thuộc về Nhân dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và thực tiễn triển khai mô hình “Ngày Pháp luật”; kết hợp với tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, Luật phổ biến giáo dục pháp luật đã quy định ngày 09 tháng 11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 8) – Ngày Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thông qua Hiến pháp năm 1946.
2. Ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam
Ngày pháp luật góp phần xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với pháp luật,tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, tạo lập kỷ cương, phép nước góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch; ghi nhận, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho mỗi cá nhân và hài hòa lợi ích trong xã hội. Qua việc tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân. Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách, ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ cương, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng nếp sống văn hoá. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, kỷ cương, phép nước.
3. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho HSSV tại trường Cao đẳng Công Thương miền Trung
Cùng với tập trung nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ và thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, mang lại hiệu quả thiết thực. Hàng năm, Nhà trưởng triển khai cho HSSV viết bản cam kết không vi phạm các quy định về ANTT, ATGT.
Vào đầu năm học, toàn bộ HSSV nhà trường tham gia học tập “Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa”. Thông qua đó, HSSV được lực lượng chức năng phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường và các quy định pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng thông tin trên internet, mạng xã hội, tác hại của các trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự bảo vệ, ý thức tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc….
Bên cạnh đó, Nhà trường tăng cường tổ chức các chương trình, phong trào, hoạt động ngoại khóa cho HSSV: Chương trình “Chào đón Tân HSSV”; “Ngày hội khởi nghiệp”; Hội thi Tiếng hát HSSV năm 2023; Hội thao HSSV năm 2023; Cuộc thi mẫu ảnh MITC 2022, đóng góp, ủng hộ các quỹ từ thiện, vì người nghèo, ủng hộ bão lụt, phong trào tình nguyện, mùa hè xanh, tham gia hiến máu nhân đạo; các hoạt động văn thể, ký giao ước thi đua thực hiện “chi đoàn, chi hội, không vi phạm pháp luật và mắc vào tệ nạn xã hội và ma tuý”… Thông qua các hoạt động đã thu hút đông đảo HSSV vào các hoạt động lành mạnh, tránh xa tệ nạn xã hội…
Trong chương trình đào tạo tất cả các ngành học, ngoài các môn học nâng cao trình độ và tay nghề cho HSSV, nhà trường còn xây dựng hệ thống các môn học về phát triển kỹ năng mềm để giảng dạy cho HSSV, thông qua các môn học giúp các em có thêm kiến thức về kỹ năng sống, hoàn thiện bản thân, nâng cao ý thức chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam, HSSV nhà trường luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân trong thực thi pháp luật vì tương lai của mỗi người và tiền đồ của đất nước là hết sức cần thiết. Sự ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực hơn nữa của HSSV nhà trường là góp phần lan tỏa hơn nữa ý nghĩa của ngày Pháp luật Việt Nam, góp phần xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, vì một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguyễn Thị Linh ( Sưu tầm và viết)