Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta sớm nhận ra được vai trò, sức mạnh của thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng, trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước. Chính vì vậy, Bác đặc biệt quan tâm đến việc chăm lo đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ học sinh, sinh viên. Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên Đán năm 1946 Bác đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Nếu mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, thì tuổi trẻ là lứa tuổi đáng sống nhất của cuộc đời mỗi người. Tuổi trẻ là tuổi của hoài bão, là tuổi với bao ước mơ và khát vọng cống hiến sức mình, tích cực tiếp thu những tri thức của nhân loại, lao động, sáng tạo và cống hiến cho xã hội.
Để bày tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Bác, nhân dịp kỉ niệm 134 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2024), chúng ta hãy cùng nhau ôn lại những lời dạy quý báu mà Bác dành cho học sinh sinh viên.
“… Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội.
Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “đời sống mới”.
Đời sống mới là:
– Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ.
– Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm.
– Việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ.
– Việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa”
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 167)
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”.
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 95)
“…Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”
– Thanh niên cần phải có tinh thần và gan dạ sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính trực.
Những điều nên chống: Thanh niên cần phải chống tâm lý tư lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt ủy mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang.
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang 454-455)
“Người ta thường nói: Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Để thật xứng đáng là người chủ của một nước xã hội chủ nghĩa, thanh niên ta quyết tâm thực hiện mấy điều sau đây:
– Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà.
– Phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường. Phải chống tham ô, lãng phí.
– Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.”
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, trang 106)
…Thanh niên ta có vinh dự to thì cũng có trách nhiệm lớn. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chớ phô trương hình thức, chớ kiêu ngạo tự mãn. Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là học tập, lao động, sinh hoạt theo đúng đạo đức của thanh niên xã hội chủ nghĩa…
(Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, 20/12/1961, Sđd, tập 10, trang 489)
“Đảng, Chính phủ và Bác rất chú ý đến thanh niên. Bác vui lòng khen ngợi những cố gắng của thanh niên… Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt”. Bác dặn dò thanh niên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng, Bác nói: “Đạo đức cách mạng có thể tóm tắt trong mấy điểm:
– Trung thành: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp.
– Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, “gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người”.
– Khiêm tốn: Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ.”
(Bác nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên – Lao động Việt Nam toàn miền Bắc, ngày 22/9/1962)
Thấm nhuần lời dạy của Người, các bạn học sinh sinh viên trường Cao đẳng Công Thương miền Trung không ngừng phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt. Với triết lý đào tạo “Giáo dục khai phóng, gắn kết thực tiễn, năng lực sáng tạo”, Nhà trường đã xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo định hướng giáo dục khai phóng, HSSV của trường sẽ có nhiều thành công, bước tiến mới, góp phần mang đến nguồn lao động có chất lượng cao cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác hằng mong đợi.
Nguyễn Linh ( Sưu tầm và viết)