Mỗi dịp Tết đến, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm lại tăng mạnh. Đây cũng là thời điểm mà hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) được tung ra thị trường. Nhưng thực phẩm lưu trữ càng lâu giá trị dinh dưỡng càng giảm, dù chúng ta có bảo quản đúng cách. Hiện nay các siêu thị, chợ bán lẻ đều đã mở cửa phục vụ người dân rất sớm vì vậy chúng ta chỉ cần mua đủ thực phẩm dùng trong khoảng 3 ngày khi chợ, siêu thị đóng cửa, không cần thiết phải mua quá nhiều thực phẩm.
Để chọn được thực phẩm tươi sống đảm bảo vệ sinh an toàn chúng ta nên mua thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nơi bán có điều kiện bảo quản mát hoặc bảo quản lạnh các loaị thực phẩm, tránh xa các nguồn gây ô nhiễm từ môi trường (ví dụ như bụi bẩn, gần cống rãnh nước thải, bãi rác…). Khi mua hàng cũng cần quan sát các chi tiết như màu sắc, mùi, độ chắc của thực phẩm… Chọn thịt heo, bò có màu hồng hoặc đỏ tự nhiên, không có mùi lạ, sờ tay không thấy nhớt, ấn nhẹ thấy thịt có tính đàn hồi vừa phải (mặt miếng thịt lõm xuống sau đó trở lại như cũ nhanh trong vòng 3-5 giây). Chọn cá có mắt trong, vẩy dính chắc vào da, ấn vào có tính đàn hồi nhẹ, mang cá hồng, không có mùi lạ. Chọn rau củ tươi, không úa, không to bất thường, khoai không nẩy mầm.
+ Thực phẩm sống sau khi sơ chế, làm sạch, nên chia thành từng phần đủ dùng trong các lần ăn để vào các hộp, bao bảo quản thực phẩm và cất vào ngăn lạnh tủ lạnh (phần làm đông đá).
+ Rau củ sau khi làm sạch phần lá già úa, bao kín trong bao nylon dành bảo quản thực phẩm và cất vào ngăn mát tủ lạnh.
+ Thực phẩm chế biến sẵn bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đá tùy theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Ngoài ra trong dịp Tết, các gia đình sum họp hay đi ăn uống bên ngoài. Do đó, nếu thức ăn, nước uống không đảm bảo an toàn vệ sinh thì dễ gây rối loạn tiêu hóa như ói, tiêu chảy. Đặc biệt ở trẻ em, do các em chưa có nhận thức rõ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Để hạn chế các bệnh này thì mọi người cần phải ăn chín uống sôi tại gia đình. Nếu sử dụng thức ăn bên ngoài, nên tìm chỗ sạch sẽ, đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm.
Và đặc biệt đối với các em HSSV tuyệt đối không uống nước lã, nước đá mất vệ sinh; không ăn các loại thực phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ như: ô mai, các loại kẹo xanh đỏ phẩm màu loè loẹt … Và thực hiện rửa tay bằng xà phòng vào các thời điểm như: trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; sau khi chơi hoặc cầm nắm vào đồ vật nơi công cộng (tay vịn cầu thang, tay nắm cửa); sau khi ho, hắt hơi.
Mọi người cần sáng suốt lựa chọn những thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân và gia đình mình. | Bảo quản đúng cách sẽ giúp thực phẩm tươi lâu hơn. |
Để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng chúng ta cần tuân thủ 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm sau:
1. Chọn thực phẩm an toàn: Chọn thực phẩm tươi; rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên rửa sạch gọt vỏ trước khi ăn.
2. Nấu chín kỹ thức ăn: Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°.
3. Ăn ngay sau khi nấu:Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe.
4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín: Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
5. Nấu lại thức ăn thật kỹ: Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, phải được đun kỹ lại.
6. Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống: Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn.
7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn:Nếu tay có vết thương hãy băng kỹ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn.
8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn: Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác: Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn… Đó là cách bảo vệ tốt nhất.
10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.
Khi mắc bệnh tiêu chảy, nôn ói nên cho bệnh nhân uống nhiều nước như Oresol, nước khoáng để bù lượng nước mất. Nếu bệnh nhân không giảm ói, hay tiêu chảy, hoặc có dấu hiệu nặng hơn như sốt cao, vã mồ hôi, mệt, tay chân lạnh,… đó là những dấu hiệu của ngộ độc thức ăn nặng, mất nước. Nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị sớm.
Để ăn Tết vui và duy trì được sức khỏe tốt nên chọn thực phẩm an toàn, vệ sinh. Chế biến các món ăn vừa đủ lượng dùng trong gia đình. Khi ăn các món giàu năng lượng và chất bột đường như bánh chưng, bánh tét, thực phẩm giàu chất béo, chất đạm như thịt kho hột vịt, chả giò nên ăn kèm rau xanh, dưa giá. Các món ăn chơi nhiều đường như mứt kẹo, bánh… nên ăn sau bữa chính.
Bước sang năm mới, mến chúc Thầy Cô, các em học sinh – sinh viên và gia đình có những ngày Tết sum họp vui vẻ, an lành, hạnh phúc và vạn sự như ý!
Lâm Bảo Châu sưu tầm và viết