Sốt xuất huyết, cảm lạnh, bệnh về da, … là các bệnh mùa mưa phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Các em HSSV hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về những căn bệnh xuất hiện trong mùa mưa và cách phòng ngừa hiệu quả nhất.
1. Bệnh sốt xuất huyết
– Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, thường bùng phát mạnh vào mùa mưa, ở những khu vực có nhiều ao nước đọng. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi Aedes Aegypti (muỗi vằn) truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh.
– Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết tương tự như cúm, kéo dài khoảng 2 – 7 ngày với các biểu hiện như: Sốt cao >39 0C, đau hốc mắt, đau cơ – khớp, nhức đầu, buồn nôn, ói mửa, phát ban da, sưng hạch bạch huyết.
– Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vacxin phòng bệnh
– Bạn có thể bảo vệ bản thân bằng cách định kỳ vệ sinh những vật dụng chứa nước như lọ hoa, bể chứa 1 lần/tuần để diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy. Ngoài ra, nên mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn kể cả ban ngày, sử dụng bình xịt muỗi, hương muỗi, vợt muỗi…


2. Cảm lạnh và cúm
Cảm lạnh và cảm cúm là những bệnh về hô hấp phổ biến, nhất là trong thời tiết ẩm thấp, mưa gió. Cả 2 bệnh lý này đều gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh. Trong đó, cảm lạnh gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau, chủ yếu ảnh hưởng đến mũi, họng, các xoang. Khi bị cảm lạnh, người bệnh thường sẽ bị ngạt mũi/sổ mũi, sốt nhẹ, ho có đờm, cơ thể nhức mỏi…
Đối với cảm cúm, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh có các triệu chứng điển hình như sốt cao, viêm họng, người ớn lạnh, ho khan, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, cơ thể suy nhược.
Để phòng bệnh cảm cúm và cảm lạnh, bạn nên nâng cao sức đề kháng bằng cách ăn uống đủ chất, bổ sung nhiều các loại rau củ và trái cây giàu vitamin C, tập luyện thể thao, uống đủ nước… Đừng để bị ướt mưa, khi bị ướt nhừ cơ thể chúng ta dễ bị lạnh và dễ mắc các bệnh về đường hô hấp vì vậy hãy luôn mang theo áo mưa khi đi ra ngoài và đảm bảo rằng mình đã chuẩn bị sẵn sàng trước mỗi trận mưa bất chợt. Bên cạnh đó, bạn nên tiêm vắc xin cúm mỗi năm để phòng ngừa bệnh cảm cúm hiệu quả nhất.
                                                                            Một số triệu chứng hay gặp của bệnh cúm
3. Các bệnh về da
Mưa kéo dài kết hợp với điều kiện môi trường ẩm ướt khiến viêm nhiễm da ở chân trong mùa mưa là bệnh da liễu phổ biến, đặc biệt ở những người có thói quen đi giày nhiều hoặc vệ sinh chân không sạch sẽ khi lội nước hoặc đi ngoài trời mưa về.
Da chân bị viêm nhiễm nhẹ thì gây bong da, ngứa đỏ, nặng thì gây mưng mủ, lở loét ảnh hưởng tới việc di chuyển. Dưới đây là 4 dạng viêm nhiễm da ở chân trong mùa mưa và cách phòng tránh mà bạn có thể tham khảo và chú ý:

Nước ăn chân là viêm nhiễm da ở chân trong mùa mưa phổ biến    Nấm da, nấm móng chân trong mùa mưa
 Các vết mụn mủ gây đau rát, khó khăn khi đi lại       Ghẻ chân kí sinh trùng Sarcoptes Scabies gây ra

 4.Hướng dẫn phòng tránh
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, khô ráo. Đặc biệt là vùng chân khi đi mưa về, hay đi qua những vũng nước bẩn. Trời mưa nên chuẩn bị dép hoặc ủng đi mưa riêng, không nên đi giày. Ngoài ra, bạn nên vệ sinh chân, các kẽ ngón chân sạch sẽ, giữ chân khô ráo hàng ngày. Bạn có thể ngâm chân vào nước muối để diệt khuẩn tốt hơn. Đặc biệt với người bị mụn mủ vùng da chân nên hạn chế tối da việc tiếp xúc với nước mưa. Đối với người đang điều trị nước ăn chân, nấm chân thì cần sử dụng thêm những loại thuốc chống nấm ví dụ như castellani, calcream, nizoral, dezor,… để chữa trị triệt để.
Vì sức khỏe của mỗi người và của cả cộng đồng. Nhà trường kêu gọi tất cả mọi người hãy quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng chống các bệnh vào mùa mưa đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết với khẩu hiệu: “ Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có sốt xuất huyết”.

Lâm Bảo Châu sưu tầm và viết