Nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh HIV/AIDS (01/12), chúng ta hãy cùng tìm hiểu những thông tin căn bản về căn bệnh thế kỉ này, định nghĩa, đường lây truyền, cách phòng tránh, thuốc điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV để kịp thời phát hiện và chữa trị đúng phương pháp.
Dải băng đỏ là biểu tượng toàn cầu cho tình đoàn kết với những người nhiễm HIV và những người bị bệnh AIDS.
1. HIV/AIDS – Là căn bệnh thế kỷ, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem như là đại dịch khi số lượng người mắc phải và tử vọng ngày càng cao vì không có thuốc đặc trị. Năm 1981 tại Los Angerles – Mỹ, lần đầu tiên trên thế giới con người phát hiện ra vi rút HIV. Cho đến nay trên Thế giới có khoảng 60 triệu người nhiễm HIV/AIDS và trong số đó có hơn 30 triệu người đã tử vong do AIDS.
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến tháng 8/2023, Việt Nam có khoảng 249.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 230.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống, chủ yếu tập trung ở độ tuổi 16 đến 39 tuổi.
Việc chủ quan về những biện pháp an toàn đối với HIV sẽ ngày càng làm tăng nguy cơ lây bệnh. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và tuân thủ điều trị, người nhiễm HIV có thể sống hòa nhập chung với cộng đồng như một người khỏe mạnh bình thường
– HIV : là tên gọi của 1 loại vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người.
– AIDS: là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người do virus HIV gây nên. AIDS là tên viết tắt của 4 từ tiếng pháp: Acquired, Immuno, Deficiency, Syndrome (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải).
2. HIV gây hại cho con người như thế nào?
Khi xâm nhập vào cơ thể con người, HIV tấn công tàn phá hệ miễn dịch của cơ thể, làm cho cở thể cơ thể dễ bị mầm bệnh tấn công gây nhiều chứng bệnh nguy hiểm và tử vong.
3. HIV/AIDS nguy hiểm như thế nào?
– Nhiễm HIV là suốt đời.
– Bệnh nhân AIDS tử vong là chắc chắn.
– HIV lây lan âm thầm và rất nhanh.
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán nhiễm HIV
4. Ai có thể nhiễm HIV?
– Tất cả mọi người không phân biệt màu da, nam nữ, già trẻ đều có thể mắc bệnh.
– Nhóm nguy cơ cao:
+ Những người có quan hệ tình dục bừa bãi.
+ Hành nghề mại dâm không có cách tự bảo vệ
+ Những người đồng tính luyến ái.
+ Những người truyền máu đã nhiễm HIV.
+ Những người là vợ, chồng, con hay tình nhân của đối tượng trên.
5. Ba đường lây truyền HIV:
– Đường máu: Dùng chung các dụng cụ xuyên chích qua da với người nhiễm HIV.
– Đường tình dục: Khoảng 70-80% tổng số người nhiễm HIV trên thế giới là bị lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục không an toàn.
– Mẹ truyền sang con.
6. Phòng ngừa lây truyền vi rút HIV:
– Không dùng chung các vật dụng cá nhân như: bàn chải đánh răng, dao cạo râu, cắt móng tay.
– Dùng bơm tiêm riêng và áp dụng các biện pháp bảo vệ khi tiếp xúc với máu, dịch cơ thể, thực hiện truyền máu an toàn.
– QHTD an toàn, sử dụng BCS chất lượng và đúng cách.
– Phụ nữ chuẩn bị mang thai hay mang thai trong 3 tháng đầu phải xét nghiệm HIV để biết trình trạng của mình càng sớm càng tốt, để được bác sĩ tư vấn kịp thời.
– Không phân biệt đối xử, kì thị với người nhiễm HIV trong cộng đồng.
7. Có thuốc điều trị HIV/AIDS không? Hiện nay chưa có thuốc đặc trị dứt điểm HIV.
Thuốc ARV (tên tiếng Anh: Antiretroviral viết tắt là ARV– tức thuốc kháng HIV) là thuốc kháng HIV là nhóm gồm nhiều loại thuốc khác nhau có men sao chép ngược có khả năng ức chế sự nhân lên của vi rút, duy trì nồng độ vi rút trong máu ở mức thấp nhất có thể.
Thuốc ARV không phải là thuốc chữa khỏi dứt điểm căn bệnh HIV, mục tiêu của ARV là:
– Kiểm soát và ức chế sự phát triển của vi rút HIV.
– Cải thiện hệ thống miễn dịch của bạn.
– Làm chậm hoặc ngưng các triệu chứng HIV.
– Ngăn ngừa sự lây truyền HIV cho người khác.Hiện nay thuốc sử dụng rộng rãi trong cả điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV.
Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ kê đơn dùng thuốc và phối hợp thuốc phù hợp. Để điều trị HIV có hiệu quả cần phải dùng thuốc đúng theo quy định, không bỏ sót liều.
Có thể khẳng định phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội, từng gia đình và mỗi cá nhân. Học sinh – sinh viên MITC cần phải trang bị cho mình đầy đủ các kiến thức về HIV/AIDS bằng cách tham gia đầy đủ các buổi tuyên truyền về các tệ nạn xã hội; có lối sống lành mạnh, tự chủ trong các mối quan hệ bạn bè; không sa vào những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm nhằm góp phần đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS.
Các bạn hãy nhớ lấy thông điệp: “Kiên quyết bài trừ tệ nạn ma túy xâm nhập học đường vì một tương lai tươi đẹp của chính chúng ta”!
Lâm Bảo Châu sưu tầm và viết