Năm 1948, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Y tế Thế giới. Hội nghị này đã quyết định bắt đầu từ năm 1950 lấy ngày 7 tháng 4 hàng năm làm ngày Sức khỏe Thế giới (World Health Day).
Ngày Sức khỏe Thế giới truyền cảm hứng cho hành động trên phạm vi toàn cầu, là một trong tám chiến dịch y tế toàn cầu chính thức của WHO. Ngày tạo dấu ấn khơi dậy các hoạt động nâng cao nhận thức và học hỏi trên các phương tiện truyền thông. Đồng thời ngày này là một dịp để chúng ta học thêm những điều mới từ các chủ đề khác nhau mỗi năm của Ngày Sức khỏe Thế giới. Cũng là dịp để hướg xã hội hành động về một chủ đề sức khỏe cụ thể được toàn thế giới quan tâm.   
Thực hiện chủ đề trên, WHO kêu gọi người dân toàn cầu tham gia các chiến dịch, thực hiện các hoạt động cụ thể, thiết thực bảo vệ hành tinh, bảo vệ sức khỏe của chúng ta, như: Ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch như dầu, than và khí đốt tự nhiên; bảo vệ cơ thể bạn và môi trường không có thuốc lá; làm sạch không khí, nước và thực phẩm của chúng ta; quy hoạch tốt hệ thống giao thông công cộng, bao gồm cả lối đi riêng dành cho người đi bộ, đạp xe đảm bảo an toàn, từ đó có thể cải thiện chất lượng không khí, giảm thiểu biến đổi khí hậu và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho con người.
Các quyết định về chính trị, xã hội và thương mại của con người đang thúc đẩy cuộc khủng hoảng khí hậu và sức khỏe. Hơn 90% người dân hít thở không khí không tốt cho sức khỏe. Một trái đất đang nóng lên, chứng kiến ​​muỗi gây bệnh truyền nhiễm lan rộng hơn và nhanh hơn bao giờ hết. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, suy thoái đất và khan hiếm nước đang khiến người dân nhiều nơi trên thế giới phải di dời và ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Sự ô nhiễm và rác thải nhựa được tìm thấy ở đáy đại dương sâu nhất, những ngọn núi cao nhất và đã xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người. Các hệ thống sản xuất thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến chiểm tỷ lệ cao, không lành mạnh đang thúc đẩy làn sóng béo phì, gia tăng ung thư và bệnh tim mạch, đồng thời tạo ra một phần ba lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Hiện nay dịch sốt xuất huyết đang gia tăng, thường trực nguy cơ xâm nhập của một số dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi, môi trường ô nhiễm, gia tăng các bệnh như ung thư, hen suyễn, tim mạch, vào Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2023, WHO tập trung sự chú ý toàn cầu vào các hành động cấp bách cần thiết để giữ cho con người và hành tinh khỏe mạnh và thúc đẩy phong trào kiến ​​tạo xã hội tập trung vào hạnh phúc.
Theo ước tính của WHO mỗi năm có hơn 13 triệu ca tử vong trên khắp thế giới là do các nguyên nhân môi trường có thể tránh được. Điều này bao gồm cả cuộc khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa sức khỏe lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt. Khủng hoảng khí hậu dẫn đến khủng hoảng sức khỏe.
Với lối sống hiện đại ngày nay, bệnh tật có xu hướng trẻ hóa. Những bệnh tưởng chừng chỉ có ở người cao tuổi thì ngày nay lại xuất hiện ở những bệnh nhân ở độ tuổi rất trẻ. Vì vậy, nâng cao ý thức tăng cường bảo vệ sức khỏe ngay từ khi còn trẻ không phải là một điều xa xỉ, đặc biệt là sức khỏe hệ miễn dịch. Chăm sóc sức khỏe hệ miễn dịch chính là chăm sóc sức khỏe một cách chủ động. Khi hệ miễn dịch ở trạng thái tốt nhất, cơ thể sẽ được bảo vệ trước hầu hết những tác nhân có hại cả bên trong và bên ngoài cơ thể. Nhất là với lứa tuổi sinh viên, hệ miễn dịch vẫn còn rất khỏe mạnh, cân bằng và có khả năng phục hồi những thương tổn một cách nhanh chóng. Hơn hết, là những chủ nhân tương lai của đất nước, việc học sinh – sinh viên ý thức được vấn đề bảo vệ sức khỏe chủ động có thể góp phần lớn trong việc tuyên truyền và thay đổi ý thức của mọi người, mọi thế hệ về việc bảo vệ sức khỏe bản thân. Hệ miễn dịch yếu, sức khỏe yếu là một hạn chế lớn ngăn cản tuổi trẻ theo đuổi những hoài bão cá nhân.


Hưởng ứng ngày Sức khỏe Thế giới 2023, mỗi cán bộ viên chức, học sinh – sinh viên MITC đều có thể chung tay, thay đổi từ những hành vi nhỏ nhất có lợi cho sức khoẻ để hướng tới xây dựng một xã hội hạnh phúc, khỏe mạnh bền vững, cụ thể là:
 – Đi bộ hoặc sử dụng xe đạp khi đi làm ít nhất một ngày một tuần.
 – Tắt đèn và các thiết bị điện khi không sử dụng.
 – Hạn chế thức ăn nhanh và đồ uống không tốt cho sức khỏe.
 – Bỏ thói quen hút thuốc lá.
 – Hạn chế dùng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lông khó phân hủy để chứa, đựng thực phẩm, đồ uống và đồ dùng.
**Cộng đồng chung tay vì sức khỏe và sự phát triển bền vững của xã hội.

Lâm Bảo Châu sưu tầm và viết