Trong những năm qua, các hành vi vi phạm về sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo, vũ khí, vật liệu nổ trong nhân dân vào các dịp trước, trong và sau tết ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Trên thực tế đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm do sản xuất, đốt pháo trái phép, mỗi vụ tai nạn xảy ra là nỗi đau về thể xác, tinh thần cho bản thân người vi phạm và cả gia đình, người thân. Nhằm giúp CBVC – NLĐ, HSSV và các bậc phụ huynh biết cách phân biệt “pháo hoa” và “pháo nổ” thế nào để không vi phạm pháp luật, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những nội dung sau:
l. Pháo hoa là gì?
Theo định nghĩa tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP thì Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, đặc biệt là không gây ra tiếng nổ.
Một số sản phẩm pháo hoa không có thuốc pháo nổ như: Que, nến khi châm lửa đốt phụt ra các tia sáng đủ màu sắc,…
2. Pháo nổ là gì?
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 3 Nghị định 137 thì “Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động xung kích thích cơ, nhiệt, hóa, hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Như vậy, pháo nổ ở đây bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ.
Ảnh Pháo hoa | Ảnh Pháo nổ |
3. Người dân được sử dụng loại pháo nào?
Người dân chỉ được phép sử dụng loại pháo hoa không gây ra tiếng nổ, nhưng chỉ được sử dụng trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ….
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
4. Chế tài xử lý đối với hành vi sản xuất, mua bán và đốt pháo trái phép
Nghị định 144/2021/NĐ-CP phạt tiền đến 10.000.000 đồng đối với hành vi: sử dụng các loại pháo mà không được phép.
Nghị định 98/2020/NĐ-CP: Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận pháo nổ mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Phạt đến 200.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất pháo mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ Luật hình sự năm 2015: có thể phạt tù 15 năm đối với hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ; có thể phạt tù đến 10 năm đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển pháo nổ.
Trường hợp mua, sử dụng pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép kinh doanh thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Mọi tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh, xử phạt nặng và truy tố trước pháp luật; trẻ em dưới 16 tuổi vi phạm thì bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và xử phạt theo quy định.
Chào xuân mới 2024, Nhà trường yêu cầu mỗi CBVC – NLĐ, học sinh sinh viên, các bậc phụ huynh hiểu rõ các hành vi nghiêm cấm trên và nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng chống các loại pháo, vũ khí, vật liệu nổ là góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hoá, văn minh. Quyết tâm xây dựng trường học an toàn, mừng Đảng, mừng xuân, đón chào năm mới vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm./.
Lâm Bảo Châu sưu tầm và viết