Gần đây, tình trạng trẻ vị thành niên, học sinh hút thuốc lá đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân các em, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn bè và người xung quanh.
I. Vậy, thuốc lá điện tử là gì?
Thuốc lá điện tử là loại mô phỏng hình dạng và chức năng của thuốc lá thông thường, hoạt động bằng cách sử dụng thiết bị điện tử có hệ thống pin sạc làm nóng dung dịch lỏng hòa tan. Chất lỏng sau khi được đốt cháy sẽ biến thành một luồng khói có hương thơm và có chứa nicotine để người sử dụng hít vào luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống thuốc lá thật.
Thuốc lá điện tử hiện nay len lỏi vào trường học bằng cách giả dạng son môi, USB, bút, hoặc dạng hình khẩu súng…với nhiều hương vị hấp dẫn như vani, nước hoa, gà rán, hoa quả (chuối, xoài, dâu, cam, táo, nho), kẹo (như kẹo anh đào, kẹo bông gòn, kẹo chocolate, bạc hà)… Nó được ví như “cạm bẫy hương vị”.
Hầu hết tất cả các loại thuốc lá điện tử đều chứa nicotine |
II. Tác hại của thuốc lá điện tử
1. Thuốc lá điện tử rất có hại cho sức khỏe của cả người hút và những người xung quanh
– Ảnh hưởng đến miệng: Những người sử dụng thuốc lá điện tử thường có triệu chứng miệng khô, cổ họng ngứa và ho; nguyên nhân là do hấp thụ chất nicotine có thể xảy ra ở lớp lót trong của miệng hoặc đường hô hấp trên.
– Ảnh hưởng đến phổi: Một trong những thành phần chính trong chất lỏng của thuốc lá điện tử thường là propylene glycol (vốn được sử dụng để tạo khói trong các rạp hát, sân khấu) và chất glycerin.Có những lo ngại cho rằng các hạt nano nguy hiểm từ thuốc lá điện tử cho thể xâm nhập vào phổi, gây ra chứng viêm phổi hoặc nhiễm trùng phổi.
– Ảnh hưởng đến tim: Nicotine trong điếu thuốc nhanh chóng kích thích tuyến thượng thận, làm cơ thể tiết ra hormone adrenaline, hệ quả là gây tăng huyết áp và nhịp tim.
– Ảnh hưởng đến não:Khi nicotine đi vào não, nồng độ Dopamine- một chất truyền thần kinh tăng lên.Tuy không được coi là một chất gây ung thư nhưng nicotine lại gây nghiện.
– Ảnh hưởng đến Thai nhi:Nicotin có thể gây hại cho thai nhi nếu bà mẹ hút thuốc lá điện tử trong quá trình mang thai. Không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển của phổi và não em bé, chất này còn khiến trẻ em sinh non, nhẹ cân và thậm chí là chết lưu.
– Khi hút thuốc lá điện tử thường xuyên có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 5 – 15 lần so với những người hút các loại thuốc lá thông thường.
2. Đối tượng sử dụng có nguy cơ bị dụ dỗ, lôi kéo vào mục đích xấu: Việc học sinh lạm dụng thuốc lá điện tử dễ có nguy cơ bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo vào mục đích xấu.
Thứ nhất, các đối tượng lôi kéo sử dụng để trục lợi, khi đã nghiện rồi thì bắt buộc phải mua tinh dầu ma túy.
Thứ hai, khi nạn nhân đã nghiện thì các đối tượng sẽ khống chế tinh thần, ép buộc tham gia vào các hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Thứ ba, sau khi sử dụng và gây ảo giác, các bạn nữ có thể bị lạm dụng tình dục; các bạn nam có thể bị lôi kéo vào những hành vi xấu, gây rối trật tự, đi gây án hình sự…
3. Ngoài ra các em học sinh chưa đủ tuổi để sử dụng theo quy định của luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
III. Để ngăn chặn thuốc lá điện tử tiếp cận với lứa tuổi học sinh – sinh viên và học sinh không trở thành “miếng mồi” cho tội phạm vai trò của gia đình và nhà trường rất quan trọng.
1. Đối với nhà trường: Nhà trường luôn cấm các em sử dụng thuốc lá điện tử, việc học sinh lén lút sử dụng sẽ vi phạm nội quy, có nguy cơ bị đuổi học. Đẩy mạnh giáo dục thường xuyên nhằm giúp học sinh nhận thức được các chất gây nghiện và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện. Tăng cường các hoạt động ngoại khóa và các công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.
Đồng thời nhà trường cũng kêu gọi: “Cán bộ, công chức, viên chức và tất cả mọi người hãy bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho những người xung quanh và tạo môi trường không khói thuốc lá. Đừng hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, người già và phụ nữ mang thai, đừng mời hoặc nhận thuốc lá từ bạn bè, đồng nghiệp. Không hút thuốc lá tại cơ quan, công sở, trường học, cơ sở y tế và các địa điểm công cộng khác. Và hãy giảm thuốc lá, tiến tới cai nghiện thuốc lá; kiên quyết nói không với thuốc lá khi chưa từng hút, hãy để môi trường xung quanh không khói thuốc lá…”
2. Đối với gia đình, cha mẹ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trong các hoạt trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt. Phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường. đặc biệt quan tâm nhắc nhở các con nêu cao cảnh giác, không nhận đồ vật từ người lạ, nhất là đồ ăn, hút, ngửi…. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.
Từ những tác hại trên, Nhà trường luôn mong các em không sử dụng, không lôi kéo, rủ rê người khác tham gia hút hít, không vận chuyển, không mua bán tàng trữ chất gây nghiện. Không hút thuốc vì sức khỏe của chính bạn và những người thân yêu./.
Lâm Bảo Châu sưu tầm và viết