Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, được tổ chức vào ngày 21 tháng 6 hàng năm, là dịp để tôn vinh các nhà báo và người làm báo, những người đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nghề báo và truyền thông ở Việt Nam. Đây cũng là dịp để nhắc nhở các nhà báo về trách nhiệm của họ đối với xã hội và cộng đồng.
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, chúng ta cùng có dịp ôn lại những lời dạy của Bác về công việc cũng như phẩm chất cần có của một nhà báo chân chính. Những lời dạy quý báu ấy của Bác vẫn còn mang tính thời sự sâu sắc, cho mỗi nhà báo, mỗi bạn viết tự soi mình vào để có những bài viết sắc sảo, mang tính chiến đấu cao.
Hình ảnh Bác Hồ đọc báo Nhân Dân tại chiến khu Việt Bắc
Chữ và nghĩa
Bác Hồ rất siêng đọc báo, ngoài nội dung tư tưởng, chính trị, Người còn rất quan tâm chăm sóc chữ và nghĩa của các nhà báo.
Vào những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi bình luận sự kiện Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam nước ta, có nhà báo đã viết trên Báo Nhân dân: “Thế là đế quốc Mỹ đã lao đầu vào cuộc chiến tranh xâm lược…”. Đọc đến đây, Bác gạch chân chữ “lao đầu” và thêm vào bên lề “Không những chúng “lao đầu” mà còn lao cả “đít” nữa!”.
Mùa Xuân năm 1966, quân giải phóng liên tiếp thắng những trận lớn như: Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Plây Me, Đà Nẵng… Một nhà báo hứng khởi hạ một câu bình luận: “Đó là những trận đánh lịch sử tuyệt đẹp”. Bác lẳng lặng gạch bỏ chữ “tuyệt đẹp”, thay vào đó chữ “lớn” với ghi chú bên lề “Một trận đánh chết nhiều người sao gọi là “tuyệt đẹp”?”.
(Theo “Giai thoại nhà văn Việt Nam” – NXB Khoa học xã hội, 1996).
Bài học quý báu, thiết thực
Bài học cho chúng ta ở đây: Đã là một viên chức thì cần phải siêng năng đọc báo chí. Dù bận trăm công ngàn việc nhưng Bác Hồ vẫn dành thời gian đọc báo, nắm tình hình về mọi mặt của khắp mọi miền đất nước.
Viên chức, người lao động trường Cao đẳng Công Thương miền Trung đọc sách lúc giải lao sau những giờ làm việc căng thẳng
Trường Cao đẳng Công thương miền Trung (CĐCTMT) không chỉ là một trường đào tạo nghề nghiệp mà còn là một đơn vị có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, đào tạo kiến thức và định hướng cho các sinh viên, mà còn mở rộng ra đến việc xây dựng phẩm chất nghề nghiệp và phát triển kỹ năng thực hành cho sinh viên qua những bài viết và truyền thông.
Từ những mẩu chuyện và bài học từ Bác Hồ, cũng như từ kinh nghiệm của các trường đào tạo như Cao đẳng Công thương miền Trung, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc truyền tải thông tin và công tác báo chí trong xã hội ngày nay. Việc áp dụng những bài học này sẽ giúp chúng ta xây dựng một môi trường truyền thông chất lượng và có ích hơn cho cộng đồng.
Ngô Thị Hằng
Phòng QLCL và NCKH