Mô hình sau khi tốt nghiệp THCS (lớp 9) không tiếp tục học lên cấp III mà chuyển sang học học trung cấp, cao đẳng dần được nhiều học sinh lựa chọn, bởi con đường này phù hợp với học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn muốn sớm lập nghiệp.
Học nghề để có việc làm
Nguyễn Trần Trung (18 tuổi) quê ở Lâm Hà (Lâm Đồng) ra Hà Nội học tại trường Cao đẳng điện tử – điện lạnh Hà Nội hệ trung cấp nghề điện lạnh. “Năm 2017, khi vừa tốt nghiệp trung học cơ sở, người anh họ đang làm tại doanh nghiệp tại Hà Nội có tư vấn cho em vào học thẳng hệ trung cấp. Em cũng suy nghĩ gần 2 tháng khi lựa chọn theo học hệ trung cấp liên thông này. Gia đình có 3 anh em, hoàn cảnh khó khăn, em lại là con trưởng nên quyết định học luôn hệ trung cấp để có thể vừa học, vừa đi làm. Đến năm 2018, em có học thêm tại trung tâm giáo dục thường xuyên vào buổi tối để sau này có điều kiện học tiếp lên cao đẳng, đại học”, Nguyễn Trần Trung chia sẻ.
Em Nguyễn Trần Trung vừa học vừa làm khi theo học tại trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội
Nhận xét việc tuyển sinh hệ trung cấp từ đối tượng học tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), thầy Phạm Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội cho biết: “Năm 2017, tuyển sinh hệ trung cấp tốt nghiệp THCS học tại trường là 19 học sinh, năm 2018 là 38 học sinh. Còn vừa học trung cấp và học tại trung tâm giáo dục thường xuyên năm 2018 là 173 học sinh. Thực tế cho thấy, việc lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS phụ thuộc lớn vào phụ huynh bởi thời điểm này các em mới 15 tuổi. Nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý muốn con có bằng tốt nghiệp lớp 12 (cả hệ THPT hoặc GDTX) để yên tâm sau này có điều kiện học tiếp lên đại học”.
Còn thầy Nguyễn Thành Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội cho biết: Mô hình học từ THCS chuyển qua học trung cấp đã có từ cách đây gần 20 năm. Thời điểm đó, trường trung cấp thuộc sở Giáo dục Đào tạo quản lý và có tên gọi là trung học nghề. Chương trình kéo dài từ năm 1994-2001, gồm 10 khóa đạo tạo, với hàng trăm học sinh. Theo đó, học sinh tốt nghiệp THCS chuyển qua học nghề kết hợp với văn hóa, tốt nghiệp sẽ có bằng trung cấp và có thể liên thông lên cao đẳng, đại học. Điển hình trong khóa học này có trường hợp thầy Nguyễn Quốc Hải, giờ đang là thạc sĩ công nghệ ô tô và đang giảng dạy tại trường.
Mô hình học THCS chuyển sang học trung cấp, liên thông cao đẳng, hay còn gọi là chương trình 9+ là hình thức phù hợp với những học sinh muốn chuyển sang học nghề để có việc làm ngay. “Sau 2 năm học, tốt nghiệp ra trường, học sinh hoàn toàn có thể đi làm với công việc phù hợp. Khi học hệ trung cấp, nếu học sinh nào muốn tiếp tục học tiếp có thể đăng ký học thêm 7 môn văn hóa theo quy định của Bộ GĐ – ĐT là có thể có bằng trung cấp và tham gia thi tốt nghiệp PTTH quốc gia để vào học đại học”, thày Nguyễn Thành Long chia sẻ.
Đứng ở góc độ người học, em Nguyễn Trần Trung chia sẻ: “Thực sự thì người học quan tâm rất lớn đến việc học liên thông từ việc học trung cấp lên cao đẳng và cả đại học. Tầm 15 tuổi lúc đó, tư vấn nghề nghiệp phụ thuộc rất lớn vào những lớp người đi trước. Sau này khi đi học, em có tham khảo một số tài liệu từ chính thầy cô và mạng xã hội, nhưng điều quan tâm nhất với người học là tính liên thông. Hiện nay theo em được biết là mới chỉ học liên thông đến cao đẳng, do đó em mới đi học thêm tại Trung tâm GDTX”.
Còn vướng do phân luồng
Theo thống kê, cả nước mỗi năm có khoảng 200.000 học sinh tốt nghiệp THCS không vào học trung học phổ thông, trong đó có không ít em bước luôn vào thị trường lao động. Đây là đối tượng cần quan tâm trong đào tạo tay nghề. Bên cạnh đó, theo thống kê của ngành giáo dục, năm học vừa qua, có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không học Đại học. Như vậy, nếu không phân luồng từ nhóm đối tượng này sẽ rất lãng phí nguồn lực xã hội vì phải mất thêm 3 năm nữa mới lựa chọn học nghề.
Với các nước có nền công nghiệp phát triển, học sinh học hết lớp 9 (THCS) có hai hướng rẽ: Thứ nhất, tiếp tục học THPT sau đó lên đại học và gia nhập thị trường lao động. Hướng thứ hai, học sinh gia nhập thị trường lao động sớm hơn; đó là tốt nghiệp THCS, học sinh sẽ lựa chọn đi học nghề, nên chỉ 18- 20 tuổi là có thể đi làm.
“Mô hình 9+ thực hiện theo Luật giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, học hết lớp 9, học sinh có quyền lựa chọn học nghề ngắn hạn trong thời gian 6 tháng đến 1 năm như chăm sóc sắc đẹp, nấu ăn, làm bánh và các em tham gia thị trường lao động ngay tại các trung tâm dạy nghề. Các em không phải làm những công việc độc hại và được pháp luật cho phép độ tuổi từ 15-18 tuổi. Lựa chọn thứ 2 là học sinh tham gia chương trình đào tạo 9 +2, 9 +3, 9+4, 9+ 5 để theo 8 bậc của khung trình độ quốc gia. Sau 2 năm, các em lấy bằng trung cấp, những năm tiếp theo lấy bằng cao đẳng. Sau này nếu có nhu cầu các em học tiếp để lấy bằng Đại học”, Thứ trưởng Lê Quân cho biết.
Do đó, từ năm học 2018, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) có công văn gửi các trường trung cấp, trường cao đẳng, yêu cầu nghiên cứu, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo cao đẳng liên thông dành cho học sinh tốt nghiệp THCS theo học các trường trung cấp.
“Nếu công bố chương trình đào tạo theo mô hình 9+ sẽ định hình cho người học cả quá trình. Các em biết được sau 2 năm học xong trung cấp có thể học cao đẳng. Như vậy, thay vì việc chỉ bước có 1 bậc thì các em biết ngay có thể bước 2 bậc. Chương trình này được thiết kế liên thông phù hợp với độ tuổi. Lứa tuổi 15 – 16 đào tạo sâu về văn hóa, 17-18 đào tạo sâu vào nghề. Học sinh có thể dừng lại bất cứ lúc nào để bước vào thị trường một cách linh hoạt. Hoặc sau khi có điều kiện, học sinh có thể học tiếp để hoàn thành chương trình liên thông trung cấp, cao đẳng; tránh cắt khúc học lại từ đầu và học tiếp khi có điều kiện”, Thứ trưởng Lê Quân Bộ LĐTBXH chia sẻ.
Tuy nhiên, thực tế triển khai trong thời gian qua cho thấy, mô hình 9+ chưa thu hút nhiều người học dù hệ trung cấp miễn học phí. “Nguyên nhân chính là do công tác phân luồng. Hiện nay, chủ yếu phụ huynh và học sinh lựa chọn hình thức từ THCS vào trung cấp học nghề do điều kiện kinh tế gia đình và năng lực học của học sinh. Trong khi, phần đông vẫn mang nặng tâm lý bằng cấp”, thầy Phạm Tiến Dũng chia sẻ.
Đó là lý do, dù mục tiêu Chính phủ đặt ra vào năm 2020, phân luồng sau THCS phải đạt 30% học sinh vào học các trường nghề nhưng năm nay mới đạt khoảng 15%. “Trong năm học vừa qua, việc tư vấn hướng nghiệp các cơ sở nghề nghiệp đã chuyển mạnh sang tư vấn từ tổ dân phố, khu dân cư; căn cứ trên nhu cầu thị trường lao động”, Thứ trưởng Lê Quân cho biết.
Thầy Phạm Tiến Dũng cho rằng: “Tâm lý người dân vẫn muốn con em tiếp tục học THPT để học lên đại học. Chỉ có số ít mạnh dạn cho con học nghề theo hệ trung cấp. Tuy nhiên, cùng với sự tuyên truyền, truyền thông và thực tế nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, nhận thức xã hội thay đổi khi xác định học nghề gắn với việc làm, mô hình 9+ sẽ thu hút được người học trong các năm tiếp theo”.
Xuân Cường
(Theo Báo Tin tức)