Trong cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số (CĐS) là tất yếu của sự tồn tại và phát triển với mọi lĩnh vực. Xác định rõ điều này, Trường cao đẳng Công Thương miền Trung (MITC) sớm đầu tư cho công tác CĐS và đang tiếp tục tăng cường nhiệm vụ này với mục tiêu trở thành trường đào tạo chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên về câu chuyện CĐS tại MITC, TS Trần Kim Quyên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng, Chủ tịch hội đồng trường này cho biết:

– Đảng ủy và Ban Giám hiệu MITC xác định CĐS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng để trường sớm đạt mục tiêu trở thành trường đào tạo chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và trở thành một trường học thông minh.

Nhà trường đã xây dựng, khẩn trương thực hiện đề án Phát triển trường học thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2035 và Chương trình CĐS trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

TS Trần Kim Quyên

* Thưa ông, thực hiện đề án phát triển trường học chất lượng cao, thông minh và chương trình CĐS, đến nay nhà trường đã chuyển biến thế nào?

– Rõ nét và hiệu quả nhất là trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài cách đây 3 năm. Năm 2020, trường đã nhanh chóng triển khai việc dạy và học trên môi trường trực tuyến thông qua các công cụ hỗ trợ như: Phần mềm MS Team, Google Meet, Zoom, kết hợp với các công cụ tích cực hóa người học: Mentimeter, Kahoot, Quizizz… Đến nay, trường đã triển khai trên 50% các môn học, nội dung lý thuyết phù hợp trên môi trường trực tuyến.

Về hạ tầng cơ sở vật chất, hệ thống mạng, thư viện và học liệu số, nhà trường quan tâm đầu tư, nâng cấp cho cả hai cơ sở đào tạo. Nhà trường ứng dụng mã nguồn mở triển khai phần mềm thư viện VietBilio nhằm cải tiến việc quản lý, khai thác thông tin tài liệu sách bìa cứng và truy cập sử dụng thư viện điện tử cho độc giả. Hiện nhà trường có 29.000 đầu tài liệu điện tử các loại và gần 300 bài giảng, giáo trình dạng file điện tử.

Trong công tác truyền thông, nhà trường cũng ứng dụng tối đa các nền tảng mạng xã hội, sử dụng công nghệ và hệ thống các website phong phú (13 website).

Hàng tháng, hệ thống này có trên 100.000 lượt hiển thị và bình quân có từ 15.000 đến trên 20.000 lượt tương tác các bài viết chuyên môn, thông tin và sự kiện của trường. Fanpage Facebook của trường có hàng chục nghìn người quan tâm, theo dõi.

Hệ thống Google Map của trường cũng hỗ trợ đắc lực trong việc chỉ dẫn và chia sẻ thông tin, sự kiện tới cộng đồng, mỗi tháng có trên 10.000 lượt sử dụng.

* Ông có thể cho biết trọng tâm của chiến lược phát triển chương trình đào tạo, ứng dụng công nghệ CĐS trong công tác dạy và học hiện nay của nhà trường?

Hàng năm nhà trường đều điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo theo hướng không chỉ tập trung vào việc đào tạo, rèn luyện kỹ năng tay nghề cho người học mà còn chú trọng việc đào tạo, nâng cao các kỹ năng cần thiết khác cho học sinh sinh viên, như: Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, công dân toàn cầu, tư duy năng suất chất lượng, kỹ năng phát triển bản thân, kỹ năng sử dụng năng lượng hiệu quả và bảo vệ môi trường…

MITC là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tiên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp tự xây dựng và triển khai học phần “Kỹ năng số” đưa vào giảng dạy từ học kỳ 2 năm học 2023-2024, qua đó giúp các em có khả năng bắt nhịp, hòa nhập tốt hơn với thị trường lao động trong và ngoài nước về tư duy, năng lực, khả năng thực hành kỹ năng số. Năm học 2023-2024 cũng là năm trường chính thức triển khai chương trình đào tạo theo mô hình “Giáo dục khai phóng”, nhằm tối đa hóa và cá nhân hóa người học.

* Hiện nay, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và phục vụ người học được xem như một giải pháp quan trọng và tất yếu. Điều này được nhà trường ứng dụng thế nào, thưa ông?

Trước xu thế bùng nổ của AI, từ năm 2023, nhà trường triển khai cho viên chức, giảng viên tiếp cận ChatGPT, tham gia các khóa đào tạo về AI. Hiện nay, nhiều viên chức, giảng viên của trường sử dụng AI trong công việc, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trong hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 10, nhà trường có một dự án phát triển sản phẩm AI tham gia và đạt giải khuyến khích.

Ứng dụng chat GPT trong công việc tại trường Cao đẳng Công Thương miền Trung

MITC đã ứng dụng được API của ChatGPT huấn luyện dữ liệu và tích hợp Chatbot vào website sàn việc làm và công cụ Chat Messenger để tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, giải đáp nhanh chóng các vấn đề người học của trường cần hỗ trợ. Các công cụ này đang phát huy rất tốt và mang lại hiệu quả thiết thực.

* Thưa ông, CĐS không đơn thuần là số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ mà quan trọng là thay đổi nhận thức, tư duy, hình thành một đội ngũ nhân lực có năng lực và kỹ năng số… Những nội dung này được nhà trường triển khai thế nào?

Nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là nền tảng cho các hoạt động chuyên môn của MITC. Để thực hiện chiến lược CĐS, nhà trường thường xuyên cử cán bộ lãnh đạo (từ cấp khoa, phòng trở lên), cán bộ diện quy hoạch, nhà giáo tham gia các hội nghị, hội thảo, chương trình tập huấn, đào tạo về trí tuệ nhân tạo, CĐS trong và ngoài nước, để phát triển năng lực số cho đội ngũ này.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực này, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ đổi mới phương pháp giảng dạy và CĐS chương trình đào tạo.

Về quản lý và quản trị số, đây cũng là công tác được nhà trường quan tâm, đầu tư, như: Phần mềm quản lý nhân sự, áp dụng hệ thống camera giám sát; số hóa, quản lý trên phần mềm với hơn 100 tính năng hỗ trợ CĐS nghiệp vụ chuyên môn, phần mềm quản lý đào tạo (có thể hỗ trợ giảng viên, học sinh sinh viên thực hiện các công việc trên môi trường mạng internet, phụ huynh cũng có thể sử dụng hệ thống này để theo dõi kết quả học tập của con mình thông qua ID được cấp riêng).

Một trong những bài giảng trực tuyến thực hiện trên hệ thống đào tạo trực tuyến MITC LMS

Nhà trường còn nghiên cứu và xây dựng thành công hệ thống đào tạo trực tuyến MITC LMS có đủ các tính năng đào tạo theo mô hình eLearning cho nội bộ và các khóa đào tạo ngắn hạn theo hình thức thương mại.

Nhà trường cũng trang bị phần mềm Bitrix24 với các nhóm chức năng: Quản lý nhân sự; quản lý công việc và dự án; tạo lập môi trường truyền thông, giao tiếp nội bộ; tạo và quản lý quy trình làm việc; quản lý hồ sơ tài liệu; app hỗ trợ người dùng trên thiết bị di động. Trường xây dựng, phát triển 54 quy trình công việc theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, tự động xử lý công việc chuyên môn của các đơn vị trên môi trường số…

* Tầm nhìn và mục tiêu xa hơn của MITC về công tác CĐS là gì, thưa ông?

Đảng ủy, Ban Giám hiệu và tập thể cán bộ viên chức nhà trường luôn xác định CĐS là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, mang tính sống còn hiện nay và trong tương lai.

Việc thay đổi nhận thức, tư duy và thực hành CĐS, ứng dụng công nghệ, tiếp cận nhanh chóng và nghiên cứu sử dụng công nghệ AI trong mọi hoạt động chuyên môn của trường là nền tảng then chốt giúp trường đạt mục tiêu trở thành trường học thông minh đến năm 2030.

Phấn đấu đến năm 2035, MITC trở thành một trong những trường hàng đầu khu vực ASEAN, 100% các chuyên ngành đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế; đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.

* Xin cảm ơn ông!

Trần Quới

Báo Phú Yên Online

Đăng ký Tuyển sinh Trực tuyến
Họ & Tên
Họ & Tên
Họ
Tên

Địa chỉ