Gặp cô giữa tiết trời mùa thu của những ngày tháng 9, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi, dù đã ngoài 60 nhưng những ký ức về thế hệ học trò đầu tiên, về ngôi trường cô đã gắn bó 20 năm trong sự nghiệp trồng người vẫn còn vẹn nguyên. Đi qua bao thăng trầm của cuộc sống, cô Đỗ Ngọc Xuân vẫn dung dị, hiền hòa, có đôi chút nghiêm khắc như cách cô giáo dục bao thế hệ học trò của mình.
Cô Đỗ Ngọc Xuân (mặc áo xanh) – Chụp kỷ niệm cùng với giáo viên của trường
Đến với trường như một mối duyên
Nhớ về quãng thời gian gắn bó với ngành trường, cô Xuân cho biết: “ Trước khi về trường tôi đã có 10 năm công tác tại xí nghiệp sửa chữa Ôtô Bắc Phú Khánh với vị trí Quản Đốc phân xưởng. Dù công việc ổn định nhưng đam mê được giảng dạy luôn là niềm thôi thúc trong tôi,chính vì điều đó năm 1992 khi Khoa Cơ Khí thành lập trường mở khóa đầu tiên ngành Cơ Khí tôi đã đến với trường Cao đẳng Công Thương miền Trung ( thời gian đó là trường Trung học Kỹ thuật Công Nghiệp Tuy Hòa) như một mối duyên với tất cả tình yêu nghề”.
Khi được hỏi về điều mà cô nhớ nhất khi gắn bó 20 năm trong sự nghiệp trồng người, cô Xuân chia sẻ: “Chắc hẳn điều đầu tiên và điều cuối cùng là điều ta sẽ khó quên nhất. Với cô điều cho đến bây giờ cô vẫn nhớ mãi đó chính là thế hệ học trò đầu tiên, lớp Cơ khí đầu tiên năm 1992. Lớp tôi dạy năm đó gồm 27 học sinh đến từ các miền của Tổ Quốc, tôi vẫn nhớ rõ tên quê quán của từng em, lúc ấy có em Lâm Bá Anh quê Lâm Đồng làm lớp trưởng. Những năm tháng đó cả cô và trò đều nghèo, cơ sở vật chất chưa được khang trang như bây giờ nhưng tất cả các em đều rất siêng năng và chăm học. Lớp tôi có cậu học trò tên Thanh Tùng, chỉ có 1 chiếc áo mặc đi học nắng cũng như mưa, tôi thương lắm, thế là tôi thức đêm tự cắt may cho em thêm 1 chiếc áo, có cái mà thay đổi qua ngày….”
Cựu HSSV Lâm Bá Anh – Lớp trưởng lớp CK92 ( thứ hai, từ trái sang) – về thăm trường và thăm Cô
Chắp cánh đam mê trưởng thành
20 năm bụi phấn bám đầy tay, với bảng đen phấn trắng, bằng trí tuệ, tài năng kinh nghiệm và tình yêu nghề của mình, Cô Xuân đã dẫn dắt nhiều thế hệ học trò vượt khó học tập để trưởng thành, đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong cơ quan nhà nước hay trở thành những doanh nhân thành đạt, những nhà giáo giỏi, những kỹ sư tài năng, đức độ. Những học trò thuở ấy đến giờ đã làm việc ở khắp mọi miền của Tổ Quốc nhưng vẫn thường xuyên giữ liên lạc. Khi được hỏi niềm vui của cô khi về hưu cô chia sẻ: “Tuy đã về hưu nhưng tôi vẫn theo dõi trường, thấy trường ngày một vững vàng lớn mạnh đó là niềm vui của các cựu giáo chức chúng tôi. Nhìn thấy sự thành công, ổn định của các thế hệ học trò đó cũng là 1 điều an lòng. Tôi mong muốn rằng thế hệ giáo viên trẻ hãy quan tâm, thương yêu và dạy các em bằng cả cái tâm của mình, truyền cho các em tình yêu nghề, nhưng cũng đừng quên trách nhiệm cao cả là học hỏi để nâng cao trình độ, mới có thể trở thành 1 người thầy, người cô không quên trong lòng học sinh.”
Cô Đỗ Ngọc Xuân chụp kỷ niệm cùng với khoa Cơ khí tại buổi Lễ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
Đằng sau mỗi thầy cô là một câu chuyện đẹp, cuộc sống và sự nghiệp của một giáo viên chưa bao giờ dừng lại sau khi họ nghỉ hưu, bởi tất cả những gì họ mang đến đó chính là sự trưởng thành của một đời người. Cô Đỗ Ngọc Xuân là một tấm gương rạng ngời về tình yêu thương và sứ mệnh của người giáo viên với thế hệ HSSV và luôn hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.
Thanh Huyền