“Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” là truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Mỗi năm, đến ngày 27/7, nhân dân cả nước lại lắng lòng tưởng nhớ và tri ân những người con ưu tú đã ngã xuống hoặc để lại một phần máu xương cho nền độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc – đó là Ngày Thương binh – Liệt sĩ.
Lịch sử ra đời của Ngày Thương binh – Liệt sĩ

Sinh viên MITC tri ân ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025)
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ với biết bao hy sinh, mất mát. Trong bối cảnh đó, để xoa dịu nỗi đau và thể hiện sự tri ân, nhân dân ta đã tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch danh dự của hội.
Thực hiện Chỉ thị của Bác Hồ, tháng 6 năm 1947, Hội nghị tại Đại Từ (Thái Nguyên) đã quyết định lấy ngày 27 tháng 7 năm 1947 làm “Ngày Thương binh toàn quốc”. Đây là dấu mốc lịch sử, thể hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Từ năm 1955, ngày 27/7 được đổi tên thành “Ngày Thương binh – Liệt sĩ” để thể hiện sự ghi nhận đầy đủ hơn đối với sự cống hiến, hy sinh của cả thương binh và liệt sĩ. Đến năm 1975, sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, Ban Bí thư Trung ương Đảng chính thức xác định 27/7 là ngày lễ trọng đại của dân tộc, tổ chức hằng năm trên phạm vi cả nước.
Ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc
Ngày Thương binh – Liệt sĩ không chỉ là dịp để tri ân, tưởng nhớ, mà còn mang đậm giá trị chính trị, nhân văn và tinh thần cách mạng.
Về chính trị, ngày 27/7 thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người có công. Đó cũng là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Về giá trị nhân văn, đây là lúc để khơi dậy tinh thần “uống nước nhớ nguồn” trong toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Qua đó, mỗi người dân càng thêm biết ơn những hy sinh của cha ông để xây dựng một Việt Nam hòa bình, độc lập, ấm no và hạnh phúc như ngày hôm nay.
* Các hoạt động thiết thực kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (2025)

Mỗi viên chức người lao động, học sinh sinh viên MITC bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chính sách ưu đãi người có công
Hưởng ứng Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực:
– Hưởng ứng lễ thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ.
– Phát động các phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên hướng về cội nguồn, tham gia chăm sóc phần mộ liệt sĩ, hành trình về địa chỉ đỏ…
– Tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước trong các buổi sinh hoạt Đoàn, Đội, Hội, chi bộ, cơ quan, trường học…
Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025) là dịp để mỗi viên chức người lao động, học sinh sinh viên MITC bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các chính sách ưu đãi người có công. Đồng thời, biến đạo lý tốt đẹp “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” thành hành động thiết thực trong cuộc sống hằng ngày.
Hãy cùng nhau vun đắp truyền thống nhân ái, tri ân để ngọn lửa cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước tiếp tục cháy sáng mãi trong tim mỗi người dân Việt Nam. “Máu đào của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ Tổ quốc, góp phần làm rạng rỡ dân tộc Việt Nam” – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xin mãi nghiêng mình trước những hy sinh cao cả đó!
Để biết thêm thông tin chi tiết về trường Cao đẳng Công Thương miền Trung, bạn có thể theo dõi trên website…. của trường Cao đẳng Công Thương miền Trung, liên hệ ngay hotline: 086.929.1168 để được hỗ trợ tư vấn, hoặc liên hệ Zalo: https://zalo.me/mitcvn
Ngô Hằng
Phòng QLCL và NCKH