Nhóm tác giả do TS Nguyễn Minh Ty, giảng viên Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung làm chủ nhiệm vừa thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu đặc điểm tái sinh và đề xuất các giải pháp bảo tồn cây gỗ mun (Diospyros mun) tại xã Sơn Hội, Sơn Hòa, Phú Yên” để đưa 700 cá thể gỗ mun ra trồng ngoài tự nhiên, giúp bảo tồn và phát triển một loại gỗ quý có nguy cơ tuyệt chủng.
Truy tìm những cá thể gỗ mun sót lại
Sau năm 1975, khi tái thiết đất nước, do nhu cầu xây dựng nhà cửa lên cao, cây gỗ mun tại huyện Sơn Hòa bị đốn hạ, khai thác và dần trở nên hiếm hoi trong tự nhiên.
Đến năm 2012, các thành viên của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Yên phát hiện một quần thể gỗ mun tại khu vực Suối Ké, một nhánh của sông Trà Bương, thuộc địa phận xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa). Từ phát hiện này, TS Nguyễn Minh Ty, giảng viên Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung đã tổ chức các chuyến khảo sát để tìm hiểu kỹ hơn địa bàn phân bố, các số liệu liên quan về quần thể gỗ mun này qua đó xây dựng dự án bảo tồn và phát triển cây gỗ mun.
Để có thể tìm được cây gỗ quý, nhóm của TS Ty phải mất gần 3 tháng băng rừng lội suối không bỏ sót một ngõ ngách nào trên vùng núi xã Sơn Hội. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu cũng đã tìm thấy một số cá thể gỗ mun. Trong đó có một cây bị lâm tặc cưa hết lớp vỏ ngoài nhưng thấy còn non nên để lại.
Chia sẻ về hành trình đi tìm cây gỗ quý, TS Nguyễn Minh Ty cho biết: “Cây mun ở rừng Phú Yên còn rất ít, chỉ có vài cá thể tại xã Sơn Hội. Tuy nhiên, số cây ít ỏi này đã bị nhiều người truy lùng, tìm kiếm ráo riết để khai thác. Sau gần 3 tháng tìm kiếm, nhóm nghiên cứu chúng tôi tìm được 2 loại là gỗ mun đen và gỗ mun sọc. Sau khi gửi vào TP Hồ Chí Minh để định danh, kết quả cho thấy đúng là Phú Yên có cả hai loại gỗ mun này sinh sống”.
Bảo tồn và phát triển thành công
Mun là loài cây gỗ quý hiếm có tên trong danh mục đỏ của bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN và Sách Đỏ Việt Nam (2007), thuộc nhóm Ia. Trước khi TS Nguyễn Minh Ty thực hiện đề tài, Phú Yên chưa có công trình nghiên cứu nào liên quan đến vấn đề bảo tồn cây gỗ mun. Việc bảo tồn gỗ mun chỉ mới ở mức độ thông báo, tuyên truyền từ địa phương, ngành Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm, Ban quản lý rừng huyện Sơn Hòa về việc cấm khai thác rừng, đốt rừng khu vực có cây gỗ mun.
Trong quá trình điều tra, khảo sát sự phân bố quần thể và định danh cây gỗ mun tại xã Sơn Hội, nhóm nghiên cứu đề tài đã thu mẫu mang về tiến hành trồng hạt, giâm cành và nhân giống invitro (nuôi cấy mô). Tuy nhiên, việc trồng bằng hạt cho kết quả ít khả thi, còn giâm cành vẫn cho chồi nhưng cây rất yếu và lụi dần. Chỉ có nhân giống invitro là mang lại hiệu quả, cây phát triển tốt.
Theo TS Ty, nhân giống invitro là quá trình sản xuất một số lượng lớn cây hoàn chỉnh từ các bộ phận như: Chồi nách, củ, hạt, thân, lá, mắt ngủ của cây mẹ ban đầu thông qua kỹ thuật invitro. Biện pháp nhân giống này ứng dụng công nghệ vô trùng hiện đại, khắc phục những nhược điểm của các phương pháp nhân giống vô tính khác giúp nâng cao chất lượng của cây trồng cả về giá trị nông học và giá trị thương phẩm. Thông thường cây nuôi cấy mô luôn khỏe mạnh, thuần chủng, sạch bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ phương pháp này, nhóm thực hiện đề tài có thể tạo ra một lượng cây giống lớn trong thời gian ngắn.
Áp dụng phương pháp nhân giống invitro, những người thực hiện đề tài đã “sản xuất” 700 cá thể cây gỗ mun và tất cả đang phát triển tốt, cao trên dưới 1m, được trồng ở nhiều khu vực trong tỉnh. Cụ thể, nhóm tác giả đã trồng ở các địa điểm: Bảo tàng tỉnh, Trường đại học Phú Yên, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên (cơ sở 2), Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung (cơ sở 2), Nhà thờ Bác Hồ (huyện Sơn Hòa), Khu di tích lịch sử Tàu Không số Vũng Rô (huyện Đông Hòa), xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) với mỗi khu vực trồng từ 50-200 cây và tỉ lệ sống các nơi đều đạt 100%. Với kết quả đó, đề tài đã bảo tồn được một loại cây gỗ quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời đang hướng đến phục hồi quần thể, phát triển nguồn cây giống tại chỗ ở Phú Yên.
Ông Lê Văn Thứng, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Phú Yên cho rằng: “Gỗ mun là một loài gỗ rất quý hiếm nên việc nghiên cứu, tìm ra được cây gỗ và sản xuất cây giống là thành công bước đầu. Thời gian tới, các đơn vị liên quan cần làm tốt công tác đưa gỗ mun trồng ở ngoài tự nhiên có sự quản lý của kiểm lâm. Đây là cách vừa bảo tồn vừa phát triển, cũng là cách tuyên truyền, quảng bá, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn những loài cây gỗ quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học cho các thế hệ mai sau”.
Thái Hà
(Nguồn Báo Phú Yên Online)