Nhóm nghiên cứu Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung ngày 28/11/2018 vừa qua đã nghiệm thu thành công đề tài khoa học cấp Bộ Công Thương năm 2018 “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thiết bị sản xuất đá lỏng từ nước biển phục vụ công tác đào tạo”.
Hội đồng nghiệm thu đề tài NCKH cấp Bộ: “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo thiết bị sản xuất đá lỏng từ nước biển phục vụ công tác đào tạo” của nhóm tác giả trường Cao đẳng Công Thương miền Trung
Hệ thống này do nhóm tác giả: TS Trần Kim Quyên – Chủ nhiệm đề tài, TS. Lê Kim Anh, ThS Huỳnh Minh Hoàng, ThS Lê Thành Nhân – thành viên hoàn thành sau 12 tháng nghiên cứu, thiết kế, có thể dùng trực tiếp nước biển để tạo thành đá lỏng.
Mô hình thiết bị sản xuất đá lỏng từ nước biển
ThS Huỳnh Minh Hoàng, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, ưu điểm của hệ thống làm đá từ nước biển so với đá nước ngọt truyền thống chính là công nghệ này đã tạo ra sản phẩm đá dạng lỏng. Đá lỏng là hỗn hợp gồm hàng triệu tinh thể đá có đường kính từ 0,1 đến 1 mm, được duy trì trong dải nhiệt độ từ -6 độ C đến -2 độ C. Đây là trạng thái chuyển tiếp giữa pha lỏng và pha rắn nên có thể bơm trực tiếp được.
ThS. Huỳnh Minh Hoàng đang bảo vệ đề tài trước Hội đồng
Thời gian cho ra sản phẩm cũng rất ngắn. Chỉ sau 2 tiếng khởi động hệ thống, đầu ra sẽ cho 3 mẻ đá lỏng 15 lít. Tuy làm lạnh nhanh nhưng sự tan chảy của đá lỏng lại chậm hơn nhiều so với đá nước ngọt.
Với những ưu điểm đó, việc sử dụng đá lỏng trong ngành thủy sản sẽ kéo dài được thời gian bảo quản cá và duy trì cá ở nhiệt độ thấp trong suốt quá trình chế biến nhằm đảm bảo sản phẩm cuối cùng có chất lượng cao.
Đề tài của nhóm đã tiếp cận nghiên cứu và xây dựng mô hình máy sản xuất đá lỏng từ nước biển quy mô nhỏ. Bước đầu mô hình này sẽ được ứng dụng trong công tác đào tạo cho học sinh sinh viên các ngành Kỹ thuật lạnh và điều hòa không khí tại trường. Từ đó, nhóm tác giả sẽ có thêm những kinh nghiệm và tiến đến làm chủ công nghệ sản xuất đá lỏng ở Việt Nam.
Với công nghệ mới này, nếu được áp dụng trong đánh bắt cá xa bờ, thay vì các chủ tàu phải mua đá nước ngọt từ đất liền, sau đó xay nhỏ hoặc để nguyên cây trong khoang lạnh bảo quản trên tàu, thì chỉ cần lắp đặt hệ thống thiết bị trên tàu, đầu vào bơm nước biển, đầu ra sẽ là sản phẩm đá lỏng dùng để bảo quản cá.
Hội đồng nhận xét, đánh giá Mô hình có tính ứng dụng cao trong thực tiễn
PGS.TS Hoàng An Quốc – Chủ tịch Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Bộ Công Thương trong hội nghị nghiệm thu đề tài đã đánh giá cao ý tưởng của nhóm tác giả, và hy vọng rằng nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển công nghệ mới này tại Việt Nam, tiến tới đầu tư chế tạo thiết bị với công suất lớn hơn, đưa vào ứng dụng trong thực tiễn sản xuất.
Đăng Tú
(Ảnh Minh Hoàng)