Sáng ngày 21/09/2017, Hội đồng khoa học & công nghệ nhà trường đã tổ chức buổi Hội thảo khoa học về đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mô hình hệ thống chuyển đổi năng lượng sóng biển thành điện năng phục vụ công tác đào tạo” tại nhà văn hóa thôn Nhơn Hội, xã An Phú, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên – là nơi nhóm tác tác giả tiến hành thực nghiệm trong sáng cùng ngày tại bãi biển Phú Thường ở địa phương này. Đây là đề tài cấp Bộ Công Thương do trường CĐCN Tuy Hòa tổ chức, chủ nhiệm đề tài và Tiến sĩ Bùi Ngọc Dịnh và 2 thành viên chính là Thạc sĩ Huỳnh Chí Trung và Kỹ sư Phạm Duy Phượng.
Nhóm tác giả lắp ráp mô hình & chạy thử nghiệm tại bãi biển Phú Thường
Hội thảo do Tiến sĩ Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng nhà trường chủ trì. Mở đầu hội thảo là phần trình bày tóm lược của Tiến sĩ Bùi Ngọc Dịnh về nội dung và tiến độ thực hiện đề tài . Thời gian thực hiện đề tài là 12 tháng (từ tháng 01/2017 đến tháng 12/2017) gồm 05 chuyên đề: 1. Xây dựng thuyết minh và nghiên cứu tổng quan; 2. Tính chọn và thiết kế hệ thống; 3. Gia công, chế tạo, lắp đặt và vận hành; 4. Nghiên cứu xây dựng các bài thực hành; 5. Báo cáo tổng kết, nghiệm thu, thanh lý và quản lý.
TS Trần Kim Quyên – Hiệu Trưởng Nhà trường chủ trì Hội thảo
Đến thời điểm cuối tháng 08/2017, nhóm tác giả đã thực hiện đúng tiến độ và cũng đã đạt được kết quả các nội dung đề tài. Đa số ý kiến đại biểu đều đánh giá cao về tính ứng dụng thực tiễn của đề tài, nếu thành công và mở rộng quy mô đề tài thì giá trị mang lại là rất lớn trong vấn đề an ninh năng lượng quốc gia, giáo dục cho HSSV về ý thức phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… Một số hạn chế của đề tài cũng như các giải pháp đã được các đại biểu đưa ra như: các bản vẽ của phần thiết kế của mô hình đề tài cần được bổ sung đầy đủ, cần khảo sát nhiều hơn nữa số liệu thực tiễn cũng như tính toán kỹ hơn nữa phần kết cấu mô hình, vật liệu… để đảm bảo làm việc tốt dưới môi trường nước biển. Trong phần tham luận của mình, Thạc sĩ Bùi Mạnh Tuấn đã có đóng góp cho đề tài cách tính toán chính xác bằng cách “ứng dụng hệ thống CAD/CAM để phân tích, tính toán kết cấu truyền động xích ống con lăn”. Chủ nhiệm đề tài, Tiến sĩ Bùi Ngọc Dịnh, thay mặt nhóm tác giả cảm ơn và tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp cũng như giải trình một số ý kiến thắc mắc của các đại biểu.
Buổi hội thảo kết thúc với phần tổng kết của Tiến sĩ Trần Kim Quyên chủ trì Hội thảo, trong đó một lần nữa nhấn mạnh việc cần thiết tiếp tục xây dựng, phát triển quy mô đề tài; nếu thành công, với công suất phát điện lớn có thể hòa vào điện lưới quốc gia, thay thế các nguồn điện năng từ thủy điện, nhiệt điện đang bị khai khác triệt để.