Nhu cầu về nhiên liệu ngày càng gia tăng, trong khi yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng nghiêm ngặt. Các giải pháp, quy trình tái sinh dầu nhờn thải với mục đích bảo vệ môi trường và tận thu nguồn tài nguyên không tái tạo ngày càng được quan tâm. Nhóm tác giả Đào Thị Sương, Đào Thị Thúy Hằng, Trương Văn Hưng (Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung) đã đưa ra giải pháp “Tổng hợp mỡ nhờn từ dầu nhờn thải”.
ThS Đào Thị Sương giới thiệu giải pháp “Tổng hợp mỡ nhờn từ dầu nhờn thải” – Ảnh: CTV
Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đều xếp dầu nhờn thải vào danh mục chất thải nguy hại với khả năng gây ô nhiễm rất lớn đối với sức khỏe con người, môi trường sống. Tại các xưởng sửa chữa ô tô, xe máy, thay dầu nhờn quá hạn sử dụng là việc làm hàng ngày. Tuy nhiên, việc thu gom những chất thải nguy hại để thải đi hoặc tái sử dụng như thế nào vẫn còn là vấn đề đang bỏ ngỏ. Nhiều năm trước, báo chí đưa tin ở một số tỉnh miền Nam, dầu nhờn được người dân dùng để tưới cho rau muống.
Còn hiện nay, ở nhiều địa phương trong tỉnh, người dân mua hoặc xin dầu nhờn thải từ các tiệm sửa xe để diệt chuột. Theo đó, khi lúa bị chuột cắn phá, người dân dùng hỗn hợp chứa dầu nhờn thải và thuốc trừ sâu, quét ướt lối mòn dưới bờ cỏ quanh ruộng và những cây lúa bị chuột cắn phá để ban đêm, chuột hoạt động sẽ bị hỗn hợp này bám vào lông khi đi qua đường mòn hay lội nước vào phá ruộng lúa.
Sau đó, nếu chuột cắn vào thân cây lúa, hoặc liếm vào lông, thuốc sẽ vào đường tiêu hóa gây ngộ độc làm cho chuột chết. Tuy nhiên, việc dùng dầu nhờn thải để diệt chuột không được khuyến khích vì gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Với mục đích tận dụng lượng dầu thải sau khi sử dụng để giảm bớt gánh nặng cho môi trường, nhóm tác giả Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung đã điều chế mỡ natri bằng phương pháp dùng axit sunfuric để tạo ra vật liệu bôi trơn động cơ thay cho dầu nhờn ở các vị trí đặc biệt như: nhiệt độ cao, trọng tải lớn. Việc tổng hợp dầu nhờn thành mỡ nhờn được tiến hành qua 2 bước: tái chế dầu nhờn thải tạo dầu gốc, sau đó tổng hợp mỡ nhờn từ dầu gốc.
Theo quy trình công nghệ, dầu nhờn thải được xử lý làm sạch bằng axit sunfuric sau đó trung hòa dầu bằng NaOH 15%, rửa kiềm bằng nước nóng và sấy khô làm sạch phần nước còn lẫn trong dầu. Sản phẩm thu được là dầu gốc, với mỗi lít dầu thải được xử lý cho ra 0,65 lít dầu gốc. Từ dầu gốc, các tác giả tiếp tục phối trộn với các thành phần khác để cho ra mỡ nhờn.
Kết quả cho thấy việc tái sinh dầu nhờn là khả quan, tuy nhiên hiệu suất tái chế không được cao. Đổi lại, phương pháp này mang lại nhiều lợi ích vì giá thành của dầu nhờn thải rẻ hơn nhiều so với các loại nguyên liệu khác và quan trọng hơn, việc tái chế sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Với giải pháp “Tổng hợp mỡ nhờn từ dầu nhờn thải”, nhóm tác giả trên được ban giám khảo Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 7 (2016-2017) đánh giá cao và trao giải nhì.
An Nam
(Nguồn Báo Phú Yên online)