Hướng nghiệp luôn là một trong những vấn đề quan trọng, có tác động tích cực đến việc lựa chọn ngành học, nghề nghiệp của các bạn học sinh THPT, đặc biệt đối với những học sinh cuối cấp. Bên cạnh việc tư vấn cho học sinh lựa chọn trường, cần định hướng cho các em học sinh chọn ngành, chọn nghề gắn với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Giúp các em hiểu và đánh giá về toàn diện bản thân và hiểu về ngành, nghề, để có sự lựa chọn xu hướng nghề nghiệp phù hợp với sở thích, sở trường, năng lực của mình đã trở nên hết sức quan trọng.
Vừa qua, phóng viên MITC đã có buổi phỏng vấn với TS Võ Thị Mỹ Nga – GĐ Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến công tác hướng nghiệp.
Theo TS. Võ Thị Mỹ Nga ý nghĩa của việc chọn nghề cho bản thân là một việc cực kỳ quan trọng. Để công việc cũng chính là cuộc sống của chúng ta, để chúng ta yêu và đam mê với nghề, sớm thành công trong công việc, thì việc ngay từ đầu chọn đúng nghề cũng mang lại nhiều lợi ích, không nên vội vã quyết định để gặp những khó khăn về ngành nghề trong tương lai.
TS Võ Thị Mỹ Nga – GĐ Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp
PV: “Giữa cơn bão rất nhiều ngành nghề như hiện nay làm thế nào để học sinh xác định mình phù hợp với ngành nghề nào?”
TS. Võ Thị Mỹ Nga: Theo tôi các bạn có thể dựa theo quy tắc 3 vòng tròn. Vòng tròn đầu tiên là mỗi chúng ta cần xác định được chúng ta là ai? Ai – được hiểu là xác định được bản thân ở thời điểm hiện tại? Bao gồm chúng ta thích điều gì? Chúng ta đam mê cái gì? Năng lực học tập của chúng ta ra sao? Chúng ta mong muốn làm gì trong tương lai? Để hiểu mình, các bạn có thể tham khảo các công cụ trắc nghiệm tính cách như MBTI, thuyết con nhím của Jim Collins, quy tắc Ikigai của người Nhật Vòng tròn thứ hai: Các nguồn lực của gia đình, năng lực tài chính, thu nhập của PHHS, môi trường gia đình. Và vòng tròn thứ ba đó chính là xu hướng nghề nghiệp trong tương lai, bạn hãy dành thời gian tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng lao động ở Việt Nam và thị trường lao động tại các nước Nhật, Hàn, Đức, … sau 3 đến 5 năm nữa. Và vô tình chính sự lựa chọn theo 1 bước trào lưu, xu hướng hiện tại mà tạo thành ngành HOT.
PV: “Trong xu hướng mở như hiện nay theo TS. Võ Thị Mỹ Nga, Gen Z có nhất thiết phải học đại học?”
TS. Võ Thị Mỹ Nga Mỹ Nga: “Gen Z hay bất kỳ thế hệ nào khác, đều mang theo đa dạng sở thích, khả năng và mục tiêu. Một số người trong Gen Z có thể tìm thấy một con đường nghề nghiệp mà không cần phải qua đại học, như là khởi nghiệp, học nghề, hay thậm chí tự học thông qua các tài liệu trực tuyến và khóa học trực tuyến. Quyết định liệu một người Gen Z cần hay không cần học đại học phụ thuộc vào mục tiêu sự nghiệp, sở thích, và điều kiện cá nhân của họ. Đôi khi, không nhất thiết phải là đại học mới giúp bạn thành công mà điều quan trọng là bạn phải nhận ra rằng không có một con đường duy nhất nào cho tất cả mọi người.
Có thể thấy rằng, công tác hướng nghiệp mang vai trò rất quan trọng đối với học sinh. Định hướng nghề nghiệp không còn là một đường thẳng, mà là một hành trình liên tục của sự phát triển và tìm kiếm cơ hội mới. Hãy tự mình dẫn đầu trong việc xác định hướng đi của bạn để đạt được sự thành công và đáp ứng những thách thức của tương lai.
Mỹ Trinh
TT Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp